22/03/2021 - 08:04

Ða dạng hóa ngành nghề cho hội viên phụ nữ 

Thời gian qua, cùng với việc duy trì các tổ, nhóm, câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế, quan tâm tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ vay vốn sản xuất, kinh doanh, các cấp Hội LHPN TP Cần Thơ đã tích cực triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn chú trọng xây dựng các mô hình sau đào tạo nghề nhằm giúp hội viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Tổ hợp tác may gia dụng tại ấp Trường Phú B, xã Trường Long, huyện Phong Ðiền tạo việc làm ổn định cho hội viên phụ nữ.

Tháng 9-2020, Hội LHPN xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, phối hợp tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề may gia dụng ngắn hạn cho hội viên trên địa bàn, thu hút 30 chị tham gia. Là một trong những học viên tích cực tham gia học tập, chị Lê Thị Nhành, ấp Trường Phú B, xã Trường Long, chia sẻ: “Tham gia lớp đào tạo nghề, tôi được giáo viên hướng dẫn kỹ thuật may nâng cao. Trước đó, tôi từng là công nhân may nhưng chỉ làm theo công đoạn nên chưa nắm hết kỹ thuật để may và ráp một sản phẩm hoàn chỉnh. Nhờ học lớp này, tôi được nâng cao tay nghề…”. Kết thúc lớp học, chị Nhành mạnh dạn nhận gia công đồ bộ trẻ em tại nhà và giới thiệu cho các hội viên cùng tham gia.

Nhằm hỗ trợ chị em phát triển mô hình sau đào tạo nghề, Hội LHPN xã Trường Long đã thành lập tổ hợp tác (THT) may gia dụng tại ấp Trường Phú B, do chị Nhành làm Tổ trưởng. Theo chị Nhành, với những kiến thức, kỹ thuật tiếp thu được từ lớp nghề đã giúp cho các hội viên có việc làm ổn định. Hiện nay, THT có 15 chị tham gia. Mỗi tuần, chị Nhành nhận từ 600-1.000 bộ đồ để chia cho các thành viên gia công. Tận dụng thời gian nhàn rỗi để may gia công, mỗi chị có thu nhập từ 2-6 triệu đồng/tháng. Riêng chị Nhành, mỗi ngày, chị ráp từ 40-50 bộ đồ, thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng, giúp kinh tế gia đình ổn định. Chị Ngô Thị Kiều Tiên, ấp Trường Phú B, xã Trường Long, kể: “Tôi là một trong những hội viên được học nghề và tham gia THT từ những ngày đầu thành lập. Hiện nay, mỗi ngày, tôi ráp được 30 bộ quần áo trẻ em, thu nhập hằng tháng khoảng 3 triệu đồng”.

Trên địa bàn huyện Phong Ðiền, phần đông hội viên phụ nữ đều sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương và nhu cầu, nguyện vọng của chị em, các cơ sở Hội LHPN tổ chức các lớp nghề phù hợp, như: may công nghiệp, đan đát, kết cườm... Qua đó, nhằm tạo cơ hội cho chị em phát huy khả năng, áp dụng vào mô hình phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập ổn định. Theo thống kê của huyện, riêng năm 2020, tuy tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp nhưng các cấp Hội LHPN huyện đã linh hoạt phối hợp tổ chức 4 lớp nghề cho 135 hội viên; giới thiệu cho 1.285 chị vào làm tại các công ty, xí nghiệp.

Ðể thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, hằng năm, Hội LHPN TP Cần Thơ đã chỉ đạo các cấp Hội trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chị em tham gia học nghề; cung cấp địa chỉ học nghề, địa chỉ việc làm; tổ chức các hoạt động tư vấn giới thiệu ngành nghề phù hợp gắn với nhu cầu của lao động nữ tại từng địa bàn khu vực; liên kết với các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức các lớp dạy nghề cho hội viên… Trong năm 2020, Hội LHPN các quận, huyện đã phối hợp mở 6 lớp dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho 1.578 chị (đạt 121,3% kế hoạch năm), giúp chị em có thu nhập ổn định. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ thành phố đã phối hợp với Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam tổ chức 2 lớp nghề tóc miễn phí cho 33 học viên; 1 lớp nghề pha chế dành cho 7 học viên là cô dâu lấy chồng Hàn Quốc hồi hương. Ða số học viên sau khi học nghề được các cấp Hội LHPN giới thiệu tìm việc làm theo nghề đã học.

Cùng với hoạt động đào tạo nghề, các cấp Hội LHPN thành phố còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tư vấn, hỗ trợ thành lập nhiều mô hình hợp tác, tổ phụ nữ liên kết phát triển sản xuất để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho hội viên. Trong năm 2020, các cấp Hội đã thành lập mới 1 hợp tác xã (HTX) nông sản và 7 THT. Nhiều mô hình liên kết đang hoạt động hiệu quả, như: mô hình trồng mận, bánh dân gian, trồng rau màu, đan đát, làm bánh tráng, làm chổi lau nhà, buôn bán nhỏ, mô hình trồng nấm rơm, trồng hoa... Thông qua hoạt động của các mô hình đã hỗ trợ tạo việc làm thường xuyên cho nhiều hội viên, giúp chị em kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tạo việc làm, thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn chú trọng khai thác các nguồn vốn vay ưu đãi, đặc biệt là việc phát huy nội lực từ nguồn tiết kiệm của phụ nữ để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Năm 2020, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội đã giúp cho nhiều lượt chị vay vốn với tổng số dư nợ trên 132 tỉ đồng; duy trì 10 tổ góp vốn xoay vòng giúp chị em hội viên khó khăn vay vốn để mua làm ăn mua bán bán nhỏ.... giúp cho 75 hội viên phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững.

Thời gian tới, định hướng của các cấp Hội LHPN thành phố chính là tiếp tục mở rộng đào tạo các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, gắn công tác dạy nghề với giải quyết việc làm, tạo đầu ra cho sản phẩm cho lao động nữ tại địa phương… Từ đó, góp phần giúp chị em hội viên vươn lên làm giàu chính đáng.

Bài, ảnh: Hồng Vân

Chia sẻ bài viết