07/08/2011 - 10:17

Vùng 5 Hải quân coi trọng hiệu quả công tác phối hợp quản lý biển, đảo

* Đại tá DOÃN VĂN SỞ
Tư lệnh Vùng

Bảo vệ biên giới, biển đảo là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và toàn dân; trong đó, Hải quân nhân dân là một lực lượng nòng cốt trong tổ chức thực hiện. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Vùng 5 Hải quân đã chủ động phối hợp có hiệu quả với các địa phương ven biển và các lực lượng trên biển thực hiện nhiệm vụ quản lý biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Vùng biển Tây Nam do các lực lượng phối hợp quản lý từ cửa sông Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu) đến Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), có ranh giới biển tiếp giáp với nhiều nước, với diện tích khoảng 150.000km2; có nhiều đảo lớn, như: Phú Quốc, Hòn Rái, Hòn Tre, Hòn Nghệ, Thổ Chu, Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Khoai,... Dọc theo bờ biển tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, có nhiều cửa sông lớn đổ ra biển, rất thuận lợi cho xây dựng các cơ sở dịch vụ nghề cá. Những năm qua, Vùng 5 đã chủ động phối hợp với các lực lượng, các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại vùng biển, đảo Tây Nam, góp phần quan trọng vào việc tổ chức phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng-an ninh,... Tuy nhiên, vùng biển Tây Nam còn tồn tại vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia, vùng chồng lấn Việt Nam - Thái Lan - Malaysia, Việt Nam - Malaysia chưa được phân định rõ ràng về chủ quyền và quyền chủ quyền, nên khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ. Trong khi đó, các hoạt động trên vùng biển này đang có những diễn biến phức tạp, nhất là các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, đánh bắt hải sản trái pháp luật,... Vì vậy, công tác phối hợp quản lý vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng xác định: trước hết, phải thực hiện tốt việc trao đổi thông tin và phối hợp kiểm tra, xác minh thông tin. Bởi, có như vậy mới bảo đảm cho lãnh đạo, chỉ huy nắm chắc tình hình, xử lý các tình huống kịp thời, chính xác và hiệu quả. Vùng biển Tây Nam có ngư trường rộng, trữ lượng hải sản lớn và phong phú, thu hút nhiều tàu thuyền đánh cá từ các tỉnh bạn đến đánh bắt hải sản. Các tàu của nước ngoài vi phạm vùng biển nước ta và tàu thuyền đánh cá ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn thường xuyên xảy ra. Do đó, việc điều tra, nắm tình hình phải chắc, thực hiện bằng nhiều “kênh”, nhiều nguồn, không thể chỉ dựa vào nguồn tin khai báo của ngư dân; đồng thời, còn phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng hoạt động trên biển của ta và giữa Hải quân nhân dân Việt Nam với Hải quân các nước để xử lý kịp thời, hiệu quả khi có sự việc xảy ra.

Trong thời gian qua, Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4 (CSB4), Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy (BCH) Quân sự, BCH Bộ đội Biên phòng, các sở: Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông-Vận tải, Cục Hải quan, Cảng vụ Hàng hải các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau thường xuyên tiến hành thu thập và trao đổi những thông tin có liên quan, phối hợp cùng xác minh các nguồn tin thu được để làm rõ và kết luận trước khi báo cáo lên cơ quan chức năng cấp trên theo ngành dọc; đồng thời, thống nhất giải quyết một số vụ việc xảy ra. Bộ Tư lệnh Vùng 5 duy trì liên tục 24/24 giờ mạng đài canh dân sự, sóng ngắn ở 2 tần số theo quy định và phối hợp chặt chẽ với đài canh của BCH Bộ đội Biên phòng, BCH Quân sự, đài canh Duyên hải để chủ động nối thông tin liên lạc cho các phương tiện, nhất là các tàu bị nạn trên biển. Các tàu của Vùng 5 Hải quân cùng các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển cũng thường xuyên duy trì canh trực 24/24 giờ sóng cực ngắn trên kênh 16 UHF để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn trên biển. Việc thu thập, đánh giá, kết luận và tổng hợp các bản tin gửi cho các lực lượng phối hợp hoạt động trên địa bàn có liên quan được tổng hợp hằng tuần, hằng tháng. Theo đó, lực lượng công an, quân sự, biên phòng các tỉnh và trong từng khu vực, từng địa bàn tổ chức hội nghị giao ban hằng tháng, hằng quý, kịp thời trao đổi phản ánh tình hình có liên quan đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là âm mưu, phương thức hoạt động mới của các thế lực thù địch, tội phạm ma túy, hình sự... ; qua đó, kịp thời đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên khi gặp khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp củng cố và nâng cấp chất lượng hoạt động của các lực lượng nắm tin và các chủ trương, biện pháp giải quyết. Năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, các đơn vị, các ngành đã phối hợp thu thập hàng trăm nguồn tin, hàng ngàn tài liệu liên quan đến an ninh biên giới và an ninh, trật tự để xác minh, xử lý.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng đặc biệt coi trọng các hoạt động phối hợp giữa các lực lượng để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh quốc gia và trật tự, an toàn trên biển. Thông qua đó, các lực lượng chủ động kiểm tra, kiểm soát, theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình vùng biển, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm phạm chủ quyền biển, đảo và các hoạt động vận chuyển trái phép, buôn lậu, vi phạm pháp luật trên biển, ổn định tình hình an ninh và trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, củng cố xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Trong vùng biển, đảo Tây Nam nước ta có đường hàng hải quốc tế đi qua, lưu lượng tàu thuyền qua lại với mật độ lớn; nhiều hoạt động giao thông và thương mại, du lịch, thăm dò khai thác dầu khí trong khu vực diễn ra sôi động,... Những hoạt động đó tác động rất lớn đến công tác quản lý nhà nước trên biển, đảo của các lực lượng và cơ quan chức năng.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, và sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, của Quân chủng Hải quân và Quân khu 9, Vùng 5 Hải quân đã phối hợp cùng các lực lượng chủ động tham mưu đề xuất và triển khai các phương án hoạt động phù hợp với tình hình thực tế; hiệp đồng với các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau trong việc huy động nhân lực và phương tiện dân sự tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Theo đó, các lực lượng Vùng 5 Hải quân, Vùng CSB4, Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng và BCH Quân sự, BCH Bộ đội Biên phòng, công an, hải quan, cảng vụ, hàng hải,... đã có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện theo chức năng của mỗi lực lượng, xử lý tốt các tình huống đột xuất, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Theo hiệp đồng, Ban chỉ đạo quản lý nhà nước về biển, đảo của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau có trách nhiệm củng cố và xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo; thực hiện tốt công tác tổ chức kiểm tra, kiểm soát tuyến ven biển, các cửa sông, phát hiện kịp thời các hoạt động xâm nhập, xuất cảnh qua các cửa biển, góp phần duy trì an ninh, trật tự trên biển. Trong đó, mỗi tỉnh huy động 20 chiếc tàu cá dân sự có công suất máy chính từ 90 CV trở lên; trên mỗi phương tiện có từ 8-10 lao động, được trang bị đầy đủ về thông tin liên lạc, máy móc hàng hải và các trang bị khác phù hợp với công suất máy chính theo quy định của đăng kiểm để sẵn sàng phối hợp xử lý các tình huống. Lực lượng công an các tỉnh phối hợp với lực lượng trinh sát của quân sự, biên phòng làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc diễn biến tình hình kinh tế, xã hội, an ninh trật tự trên biển; chủ động theo dõi kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện qua lại tại các cửa khẩu quốc tế: Hà Tiên, Giang Thành và các đường tiểu ngạch, kịp thời phòng ngừa, phát hiện các hoạt động xâm nhập nội địa qua đường biển dưới mọi hình thức. Vùng CSB4 xây dựng kế hoạch phối hợp với công an và các lực lượng có liên quan trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm cướp biển, nhất là ở các vùng biển trọng điểm; đồng thời, thường xuyên thông báo tình hình cho các lực lượng phối hợp, hiệp đồng để bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia và trật tự, an toàn trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Năm 2010, ngoài việc tổ chức tốt 3 cuộc tuần tra chung với Hải quân Hoàng gia Cam-pu-chia; 1 lần với Hải quân Hoàng gia Thái Lan, Vùng 5 và Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang thường xuyên duy trì tàu trực ở bắc đảo Phú Quốc, kịp thời ngăn chặn các hoạt động trái pháp luật và hỗ trợ các tàu thuyền đánh cá trong khu vực khi gặp khó khăn. Các đài, trạm ra-đa của Vùng đã theo dõi phát hiện hàng trăm lượt chiếc tàu, thuyền các loại, trong đó có 49 lượt chiếc tàu quân sự nước ngoài vượt quá giới hạn vùng biển chồng lấn. Các lực lượng phối hợp: Vùng CSB4 hoạt động thực thi pháp luật trên biển 19 đợt, kiểm tra 31 lượt tàu, xử phạt vi phạm hành chính 22 tàu; Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra, xua đuổi 9 lần tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển của ta, bắt 6 tàu bàn giao cho tỉnh Kiên Giang xử lý theo pháp luật, lập biên bản cảnh cáo phóng thích 3 tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đặc biệt, Vùng 5 đã bố trí tàu thường xuyên bám sát tại hiện trường để theo dõi, tuyên truyền và báo cáo với cấp trên có biện pháp đấu tranh, yêu cầu tàu thăm dò dầu khí và các tàu hộ tống của nước ngoài chấm dứt các hoạt động vi phạm vùng biển chồng lấn Việt Nam - Malaysia.

Phối hợp tổ chức huấn luyện và diễn tập, kết hợp với phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn và cứu hộ, cứu nạn trên biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trên vùng biển, đảo. Hằng năm, Vùng 5 đều thực hiện kế hoạch phối hợp, hiệp đồng với Phòng Hải quân, Phòng Dân quân tự vệ Quân khu 9, BCH Quân sự của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau tổ chức rà soát, củng cố, kiện toàn, xây dựng lực lượng và phối hợp tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ tuần tra ven biển, trên biển cho lực lượng dân quân tự vệ trên biển và ven biển; tổ chức rà soát, chuẩn bị số tàu thuyền đánh cá xa bờ (mỗi tỉnh 20 tàu) và tổ chức tập huấn nâng cao khả năng sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ngoài ra, Vùng còn chủ động hiệp đồng với Sư đoàn Không quân 370, Vùng CSB4, tổ chức diễn tập nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, hiệp đồng tác chiến, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và xử lý khi các tình huống tàu nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước ta.

Với vai trò trung tâm, Vùng còn phối hợp với BCH Quân sự của 7 tỉnh ven biển củng cố, kiện toàn biên chế và tổ chức huấn luyện cho các hải đội, trung đội, phân đội; tổ chức tập huấn cho 164 cán bộ cấp huyện, 523 cán bộ cấp xã (phường, thị trấn); huấn luyện cho 725 chiến sĩ dân quân tự vệ trên biển. BCH Quân sự các tỉnh đã phối hợp với Vùng, tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, có thực binh cho 7 huyện khu vực biên giới, ven biển; diễn tập tác chiến trị an cho 145 xã (phường, thị trấn),... Qua diễn tập, hầu hết cán bộ, chiến sĩ được trang bị thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm cần thiết, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và phối hợp hiệp đồng xử lý tình huống có hiệu quả, không để bị bất ngờ. Không những thế, Vùng 5, Vùng CSB4; Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các lực lượng Quân sự, Biên phòng, Công an, Hải quan các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau thực hiện có hiệu quả kế hoạch liên ngành; hằng tháng, hằng quý có trao đổi tin tức, kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn và trên biển; đấu tranh với các đường dây móc nối, làm hợp đồng giả để khai thác hải sản trái phép trên vùng biển, đảo Tây Nam. Qua phối hợp, các lực lượng đã tổ chức tìm kiếm, cứu nạn được 54 vụ, với 62 tàu, 149 người vào bờ an toàn; phối hợp với cơ quan chức năng các tỉnh thông báo cho 12.467 phương tiện đánh bắt xa bờ vào tránh bão, huy động 817 ngày công giúp dân khắc phục hậu quả lốc xoáy, lũ lụt. Riêng tỉnh Kiên Giang đang đầu tư xây dựng 9 khu tránh, trú bão ở huyện Phú Quốc và Kiên Hải. Ngoài ra, các lực lượng còn phối hợp tốt trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng chấp hành pháp luật khi tham gia hoạt động trên biển; phối hợp trong nhiệm vụ phòng chống bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin; phối hợp trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ và bảo vệ các công trình quốc phòng-an ninh,... góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Chia sẻ bài viết