10/03/2011 - 14:22

Ông Lương Quang Minh, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chi nhánh khu vực Cần Thơ - Hậu Giang:

Tăng cường bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

 

Để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10-1-2011 (Quyết định 03) về quy chế bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ vay vốn tại các ngân hàng thương mại (NHTM) có hiệu lực kể từ ngày 25-2-2011. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Lương Quang Minh, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Chi nhánh khu vực Cần Thơ - Hậu Giang, cho biết:

- Quyết định 03 có hiệu lực từ ngày 25-2-2011, thay thế cho Quyết định 14/2009/QĐ-TTg (ngày 21-1-2009) và Quyết định 60/2009/QĐ- TTg (ngày 17-4-2009) của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế bảo lãnh cho DN vay vốn tại NHTM. Đối với các khoản bảo lãnh đã được phát hành chứng thư trước ngày Quyết định 03 có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo các cam kết trong chứng thư đã ký. Chi nhánh đang tiếp tục triển khai thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh cho DN vừa và nhỏ vay vốn tại các NHTM.

Theo tinh thần Quyết định này, đối tượng được bảo lãnh tín dụng là DN vừa và nhỏ, trừ DN siêu nhỏ. VDB bảo lãnh cho DN vay vốn trung hạn, dài hạn bằng VND để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh thuộc các ngành, lĩnh vực như: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; xây dựng; sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác; vận tải, kho bãi...

* Doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện gì để được bảo lãnh tín dụng, thưa ông?

-DN được bảo lãnh vay vốn phải đảm bảo các điều kiện sau: DN thuộc đối tượng được bảo lãnh vay vốn; có dự án đầu tư hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay, dự án đầu tư được VDB thẩm định và quyết định bảo lãnh theo Quyết định này; DN có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư. Đồng thời, tại thời điểm đề nghị bảo lãnh tín dụng, DN không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. VDB có thể bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay của DN tại các NHTM (tối đa 85% tổng vốn đầu tư của dự án) trên cơ sở kết quả thẩm định dự án sản xuất kinh doanh của DN và khả năng tài chính của các bên. Bảo lãnh của VDB bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi khoản vay của DN tại NHTM, mức bảo lãnh cho một DN tối đa không vượt quá 5% vốn điều lệ thực có của VDB. Tổng mức bảo lãnh của VDB cho các DN tối đa không vượt quá 5 lần so với vốn điều lệ thực có của VDB.

* Hiện tại, việc triển khai bảo lãnh tín dụng cho DN của VDB được thực hiện ra sao?

Cán bộ VDB, Chi nhánh khu vực Cần Thơ - Hậu Giang đang hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ bảo lãnh
tín dụng. Ảnh: K. NGỌC 

-Tính đến ngày 23-2-2011, Chi nhánh đã tiếp nhận 54 hồ sơ của DN và hợp tác xã (HTX), đã phát hành 47 thông báo chấp thuận bảo lãnh (trong đó 2 dự án và 40 phương án) với số tiền 284.987 triệu đồng và phát hành 27 chứng thư bảo lãnh (cho 2 dự án và 25 phương án) với số tiền trên 201.050 triệu đồng. Qua đó, Chi nhánh đã góp phần tháo gỡ phần nào khó khăn của DN trong việc tiếp cận với nguồn vốn của hệ thống NHTM. Thông qua việc thẩm định năng lực quản trị, tài chính của DN và dự án đầu tư, hay phương án sản xuất kinh doanh, VDB đã góp phần hỗ trợ, thúc đẩy DN, HTX chấp hành tốt hơn các quy định, chuẩn mực về tài chính kế toán. Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị, năng lực xây dựng và lựa chọn dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả...

* Theo ông, VDB, Chi nhánh khu vực Cần Thơ - Hậu Giang gặp những thuận lợi và khó khăn gì trong việc triển khai công tác này?

-Việc triển khai nghiệp vụ bảo lãnh cho DN vừa và nhỏ vay vốn tại các NHTM được lãnh đạo thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, đôn đốc, chỉ đạo cho các tổ chức có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đưa chính sách của Nhà nước nhanh chóng đến các đối tượng thụ hưởng. Mặt khác, Chi nhánh luôn bám sát tinh thần chỉ đạo và các văn bản hướng dẫn thực hiện của VDB, coi nghiệp vụ bảo lãnh là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Ban Giám đốc Chi nhánh luôn quan tâm chỉ đạo cán bộ làm công tác bảo lãnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực trong công việc để đạt được kết quả cao nhất, đảm bảo thực hiện đúng hướng dẫn của VDB và luôn tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng.

Ngoài ra, Chi nhánh còn tổ chức trao đổi trực tiếp với một số NHTM trên địa bàn để có sự phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, do cơ chế phối hợp giữa VDB và các NHTM chưa đồng nhất, nên một số phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư đã được VDB đồng ý bảo lãnh nhưng không được NHTM chấp nhận cho vay vốn hoặc không có nguồn vốn đáp ứng. Đến nay, VDB đã có văn bản thỏa thuận hợp tác với 36 NHTM, nhưng khi triển khai tại mỗi địa phương lại có những khó khăn nhất định, vì Hội sở chính chưa ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể tại các NHTM. Nhiều DN chưa biết rõ chính sách bảo lãnh vay vốn của NHTM, yếu kém về nghiệp vụ kế toán, chưa lập được hồ sơ bảo lãnh... Theo quy định, DN và NHTM phải tuân thủ trình tự đầu tư xây dựng cơ bản và phải thực hiện việc đấu thầu khi sử dụng vốn vay, cho vay vốn dài hạn được VDB bảo lãnh. Nhưng do DN được bảo lãnh chủ yếu là DN vừa và nhỏ, có trình độ quản lý thấp, việc áp dụng quy định này gây khó khăn cho DN. Ngoài ra, không ít NHTM cũng ít áp dụng thủ tục này khi cho vay vốn trung, dài hạn.

* Để công tác bảo lãnh cho DN vừa và nhỏ vay vốn tại các NHTM được thực hiện tốt hơn, ông có kiến nghị gì?

- Để các DN vừa và nhỏ, HTX tiếp cận chính sách bảo lãnh của Nhà nước, cần phải đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kế toán, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý DN. VDB và các NHTM cần thống nhất hơn nữa về hồ sơ pháp lý, hồ sơ dự án để giảm bớt thủ tục cho DN. DN phải nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình để thực hiện đầy đủ và kịp thời những cam kết trong các hợp đồng tín dụng đã ký với NHTM. Các DN phải sử dụng tiền vay đúng mục đích và trả nợ đúng hạn cho các NHTM.

VDB Chi nhánh khu vực Cần Thơ - Hậu Giang sẽ tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các DN. Đồng thời, bố trí cán bộ giỏi nghiệp vụ, kịp thời giải đáp, hướng dẫn hồ sơ thủ tục liên quan cho DN. Tăng cường hoạt động tìm kiếm khách hàng thuộc đối tượng, đủ điều kiện bảo lãnh tín dụng đầu tư để giới thiệu với các NHTM.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Ngọc (thực hiện)

Chia sẻ bài viết