19/09/2010 - 21:31

Nỗ lực thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường

Vừa qua, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo mô hình tiên tiến về bảo vệ môi trường (BVMT) vùng ĐBSCL, do Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP Cần Thơ tổ chức. Đây là lần đầu tiên, lãnh đạo ngành TN-MT và lãnh đạo các khu chế xuất, khu công nghiệp ở ĐBSCL cùng thảo luận giải pháp thực hiện công tác BVMT trong thời kỳ mới dựa trên kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương. Báo Cần Thơ xin giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu tại hội thảo.

* Ông Trần Phong, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường -Tổng cục Môi trường

Giúp người dân nhận thức trách nhiệm BVMT là giảm thiểu
biến đổi khí hậu

Thời gian qua, trên khắp cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình BVMT tại cộng đồng, như: cộng đồng cam kết tham gia BVMT ở các tỉnh ĐBSCL; hương ước của họ tộc cam kết giữ gìn an ninh trật tự, cảnh quan môi trường cho xóm làng được bình yên, sạch đẹp ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ; các đoàn thể quần chúng có mô hình sinh hoạt lồng ghép BVMT; các trường học có câu lạc bộ sinh viên BVMT,... Để các mô hình này được chính quyền và cơ quan chức năng quan tâm, phát huy đúng mức, Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường đã tập hợp tư liệu (các biện pháp thực hiện công tác BVMT của cơ sở) biên soạn thành tài liệu phổ biến cho cả nước cùng thực hiện. Qua đó phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền, giáo dục ý thức BVMT phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ thu gom rác tại chợ Hưng Lợi (quận Ninh Kiều) trong Ngày Chủ nhật xanh.
Ảnh: M. Nguyệt 

Qua các báo cáo điển hình và ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo cho thấy chính quyền và các cơ quan chức năng ở các tỉnh ĐBSCL đã thực hiện tốt mục tiêu xã hội hóa công tác BVMT, giúp người dân bỏ thói quen xấu là xả rác bừa bãi. Tuy nhiên, cũng qua các mô hình BVMT đã thực hiện, người dân chưa thể hiện được tầm nhận thức về việc thực thi pháp luật BVMT. Đa phần người dân chưa thấy được mối nguy hại của các chất thải công nghiệp để tự hạn chế sử dụng các vật dụng khó phân hủy trong điều kiện yếm khí như bao ni lông, vật dụng gia đình bằng nhựa.

Trong mục tiêu tuyên truyền BVMT giai đoạn 2010 - 2015, Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường sẽ tích cực liên kết, hỗ trợ các địa phương thực hiện mục tiêu xã hội hóa công tác BVMT một cách bài bản, tức phải thực hiện công tác tuyên truyền một cách vừa khoa học, vừa gắn với thực tiễn để người dân thực hiện hành động BVMT mang tính pháp lý. Có như vậy, người dân nước mình mới góp phần vào mục tiêu BVMT, giảm thiểu nguy cơ biến đổi khí hậu mà các nhà khoa học đang cảnh báo trên toàn thế giới.


* Bà Cao Thị Minh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục BVMT - Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ:

Phát huy mô hình BVMT trong cụm dân cư

TP Cần Thơ có đến 8 khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nằm dọc theo sông Hậu và rất nhiều khu dân cư mới quy hoạch. Theo đó là tình trạng phát sinh rác thải, nước thải, khói, bụi, tiếng ồn gây ô nhiễm nguồn nước mặt và không khí. Để giải quyết tình trạng này, thành phố đã thực hiện giải pháp phát huy mô hình BVMT trong các cụm dân cư, và đã có nhiều mô hình đạt hiệu quả cao. Cụ thể, mô hình “Xây dựng qui ước cộng đồng về quản lý rác thải tại các khu vực chợ” do Hội Cựu chiến binh phường Thới Thuận, quận Ô Môn làm chủ nhiệm đã xây dựng quy trình thu gom rác thải, vận chuyển kịp thời, đảm bảo vệ sinh đạt hiệu quả tốt tại chợ, các điểm buôn bán trên địa bàn. Mô hình này đang được Hội Cựu chiến binh quận Ô Môn nhân rộng trên địa bàn quận. “Xây dựng mô hình quản lý bao bì, rác thải thuốc bảo vệ thực vật tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn” cũng là mô hình mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hơn hết mô hình đã nâng cao ý thức nông dân trong việc quản lý rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ sức khỏe con người...

Để người dân bỏ thói quen xả rác xuống sông rạch, thành phố đã nhân rộng mô hình “Xây dựng mô hình hố rác gia đình” thực hiện tại ấp Tân An, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chủ trì. Đây là huyện ngoại thành có nhiều khu dân cư vượt lũ nhưng rác thải chưa được công nhân vệ sinh thu gom như ở các nơi khác. Thông qua tổ nhân dân tự quản, việc thu gom và xử lý rác thải còn nhiều bất cập. Nổi bật nhất trong mô hình này là việc thu gom và xử lý rác thải ở xã Thạnh Lộc (kinh phí đầu tư xây dựng 300 triệu đồng, chi phí vận hành 30 triệu đồng/năm, công xuất xử lý rác 300-500 kg/ngày, hiệu xuất xử lý triệt để đạt 90-95% lượng rác thu gom) đã tạo mỹ quan sạch ở khu vực chợ, khu dân cư, đồng thời nâng cao ý thức của người dân bỏ rác đúng nơi quy định.

* Ông Phạm Văn Tùng, Chi cục trưởng Chi cục BVMT - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng:

Nâng cao trách nhiệm, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia
quản lý môi trường

Ở Sóc Trăng hiện có Dự án “Tận dụng rác thải sinh hoạt và phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp ủ phân hữu cơ vi sinh, cải thiện chất lượng môi trường, tăng thu nhập, hạ giá thành sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp” đã được Chi cục BVMT phối hợp với Hội Nông dân và Xã đoàn Phú Tân (huyện Châu Thành) tổ chức thực hiện với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Dự án tập trung hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác; phương án thu gom rác thải và hướng dẫn kỹ thuật quản lý rác thải tổng hợp; hướng dẫn ủ rác thành phân hữu cơ vi sinh, cách sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại kết quả rất khả quan. Bà con nông dân đã duy trì ủ phân hữu cơ để bán cho các loại cây trồng, hạn chế được tình trạng đốt đồng vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, vừa tiết kiệm được chi phí phân bón (hóa học).

Nhiều năm qua, người dân tại xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng có môi trường trong sạch nhờ dự án “Xây dựng khu dân cư tiên tiến kết hợp với vệ sinh môi trường”. Dự án này do Chi cục BVMT tỉnh Sóc Trăng phối hợp với UBND xã Vĩnh Hải tổ chức thực hiện. Dự án tập trung thực hiện 12 mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ rác thải và phế phẩm nông nghiệp tại nông hộ. Mô hình được đánh giá khá thành công vì đã cải thiện được điều kiện vệ sinh môi trường tại vùng dự án, được sự tham gia của cộng đồng...

Hầu hết các mô hình đã tác động tích cực đến ý thức BVMT của người dân. Từ đó nhận thức về vấn đề môi trường trong cộng đồng được nâng lên. Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trực tiếp tham gia các hoạt động của mô hình, giúp nâng cao kiến thức BVMT; triển khai tốt các hoạt động làm tăng vẽ mỹ quan, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường chung của địa phương. Công tác quản lý môi trường của địa phương trở nên nề nếp hơn.

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận phần lớn các mô hình khó duy trì sau khi kết thúc quá trình triển khai. Một trong những nguyên nhân là hiện nay chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ về kinh phí, nhân lực để tiếp tục duy trì và phát triển hiệu quả từ mô hình sẵn có. Nhà nước cần nghiên cứu ban hành những văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về tham gia của cộng đồng trong các hoạt động BVMT; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia quản lý môi trường. Các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình; phát hiện và khen thưởng kịp thời các tổ chức, hộ gia đình có thành tích tốt trong xây dựng mô hình mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng.

ĐÌNH KHÔI -HÀ VĂN (lược ghi)

Chia sẻ bài viết