11/09/2017 - 14:17

Myanmar tăng cường đối phó các hành động kích động bạo lực 

Chính phủ Myanmar cam kết sẽ đưa ra các biện pháp để ngăn chặn hành vi kích động bạo lực, như việc lan truyền tin đồn thông qua các tin nhắn điện thoại và mạng xã hội.

Trong tuyên bố ra ngày 9-9, Ủy ban Thông tin của Chính phủ Myanmar đã đề nghị người dân không gây kích động các cộng đồng và thông báo cho chính quyền về những hành vi nghi ngờ kích động bạo lực.

Người Rohingya vượt biên giới sang Bangladesh lánh nạn. Ảnh: Getty Images

Theo Ủy ban Thông tin của Chính phủ Myanmar, các vụ tấn công khủng bố ở bang miền Bắc Rakhine đã khiến hơn 30.000 người phải sơ tán sang các khu vực dọc biên giới Myanmar và Bangladesh. Hiện lực lượng an ninh đang tiến vào các ngôi làng để truy quét các phần tử thuộc lực lượng phiến quân mang tên “Đội quân Cứu thế Arakan Rohingya” (ARSA) nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại các khu vực. Theo thống kê, trong khoảng thời gian từ ngày 25-8 đến 4-9, ARSA đã tiến hành 97 vụ tấn công khủng bố, khiến 36 người thiệt mạng, trong đó có 13 người thuộc lực lượng an ninh, 21 người dân tộc thiểu số và 2 nhân viên thuộc chính phủ và 22 người bị thương. Tổng cộng có tới 59 ngôi làng cùng hơn 6.840 ngôi nhà bị thiêu rụi và 8 cây cầu bị phá hủy. Khoảng 371 phần tử khủng bố đã bị tiêu diệt.

Lực lượng nổi dậy Rohingya kêu gọi ngừng bắn tạm thời

Trong khi đó, sáng 10-9, ARSA đã tuyên bố ngừng bắn đơn phương trong 1 tháng, tức là đến ngày 9-10 tới. Trong một tuyên bố đăng trên trang mạng Twitter, ARSA kêu gọi “các nhóm nhân đạo” nối lại hoạt động hỗ trợ nhân đạo trong thời gian ngừng bắn cho các nạn nhân của cuộc khủng hoảng, không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc. Hiện quân đội Myanmar chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.

Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước mình, và gọi họ là người Bengalis - hay người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng - dù nhiều người đã sống tại Myanmar qua nhiều thế hệ. Xung đột đã kéo dài nhiều năm qua tại bang Rakhine và vừa bùng phát mạnh mẽ trở lại từ cuối tháng 8, sau khi phiến quân tấn công nhiều đồn cảnh sát và đột nhập một căn cứ quân sự tại đây, buộc quân đội Myanmar mở các chiến dịch truy quét.  Theo Liên Hiệp Quốc, giao tranh trong hai tuần qua đã kéo theo cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực, khiến gần 300.000 người phải chạy sang Bangladesh lánh nạn. LHQ cũng đã yêu cầu gói viện trợ khẩn cấp trị giá 77 triệu USD cho người Rohingya ở khu vực giao tranh.

TTXVN

Chia sẻ bài viết