28/09/2009 - 20:40

Làm khoa học để bảo vệ môi trường

Từ trái qua: Kiều Tiên, Thủy Tiên, Hoàng Khánh.

Chung niềm đam mê nghiên cứu khoa học (NCKH), một nhóm 3 sinh viên Trường Đại học Cần Thơ đã cùng thực hiện đề tài “Sự tái sinh của rác thải”, với mục đích tận dụng nguồn rác thải để sản xuất ra phân bón phục vụ nông nghiệp, tiết kiệm đất đai cho việc chôn cất chất thải về lâu dài. Đề tài này đã đoạt giải Nhì trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng 2008” do Trung tâm Học liệu phối hợp với Đoàn Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.

Bức xúc trước tình trạng bãi rác Tân Long, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, đang trong tình trạng ô nhiễm, người dân ở cách đó 4-5 km vẫn phải chịu đựng mùi hôi thối, ruộng lúa xung quanh chịu cảnh mất mùa, quán ăn thì đóng cửa... vì nhiều tác động từ bãi rác gây ra, Trần Hoàng Khánh, sinh viên (SV) năm thứ tư chuyên ngành Thông tin Thư viện Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn cùng với Nguyễn Thị Thủy Tiên (vừa tốt nghiệp Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn) và Đoàn Thị Kiều Tiên, SV năm thứ 4 chuyên ngành Bảo vệ thực vật Khoa Nông nghiệp, lập dự án “Xây dựng nhà máy xử lý rác thải và chế tạo phân hữu cơ từ rác hữu cơ tại bãi rác Tân Long” để cải tạo môi trường. Đây là một mô hình mới áp dụng giữa công nghệ kỹ thuật hiện đại và hình thức xử lý tin học đảm bảo khả thi về mặt môi trường, dùng công nghệ lọc những chất hữu cơ sạch, sau đó dùng ruồi lính đen có rất nhiều trong tự nhiên lấy ấu trùng để phân hủy chất hữu cơ này làm phân hữu cơ sạch... tạo ra nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao thay thế phân urê hay NPK. Kinh phí thực hiện dự án này khoảng 36 tỉ đồng, thấp hơn so với chi phí dự kiến dành cho kế hoạch xây dựng bãi rác Tân Long của TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.

Hoàng Khánh cho biết: Kế hoạch đưa ra khá chi tiết và hoàn thiện từ chi phí thực hiện cho tới khả năng ứng dụng thực tiễn. Hiện nay, bãi rác Tân Long đang thực hiện phương án xử lý rác thải là đốt rác và chôn lấp những phần thừa còn lại. Vấn đề này gây tác động xấu cho môi trường, tốn chi phí mua nguyên liệu đốt. So sánh phương pháp xử lý này với phương pháp chế biến phân rác từ công nghệ chế biến phân rác của ý tưởng thì thấy được những điều thuận lợi hơn, phù hợp với nguồn rác thải có nhiều thành phần hữu cơ, cho phép kết hợp xử lý cả phân hầm cầu và một số loại bùn cặn từ các hệ thống thoát nước đô thị, chống ô nhiễm và bảo vệ môi trường...

Theo đánh giá của Ban giám khảo cuộc thi, ý tưởng “Sự tái sinh của rác thải” với dự án “Xây dựng nhà máy xử lý rác thải và chế tạo phân hữu cơ từ rác hữu cơ tại bãi rác Tân Long” là vấn đề thời sự, có tính logic, khoa học và khả thi, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, thuyết phục người đọc. Thủy Tiên chia sẻ: “Nếu dự án thành công ở bãi rác Tân Long, sẽ mở rộng phạm vi hoạt động ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài những lợi ích thiết thực về mặt kinh tế, xã hội, dự án sẽ góp phần giúp người dân có ý thức hơn về việc giữ gìn môi trường, tạo nên một thành phố xanh-sạch-đẹp”.

Năm 2007, Hoàng Khánh, Thủy Tiên và Kiều Tiên kết thân nhau từ những buổi sinh hoạt chung trong các Câu lạc bộ ở Trường ĐH Cần Thơ. Đề tài cả nhóm hay thảo luận thường gắn với các vấn đề về môi trường, bức xúc trước vấn nạn ô nhiễm đang ngày càng xảy ra ở nhiều nơi. Làm sao giảm thiểu tình trạng này đồng thời biến rác thành thứ có lợi là điều làm cả nhóm trăn trở. Năm 2008, khi Trung tâm Học liệu tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng”, các bạn thống nhất chọn bãi rác Tân Long ở tỉnh Hậu Giang làm đề tài dự thi. Lần đầu tiên tham gia NCKH, 3 bạn phải nỗ lực rất nhiều, khó nhất là ở phương pháp thực hiện. Việc dung hòa tính cách giữa các thành viên trong khi làm việc cũng không đơn giản, nhưng nhờ mọi người biết kiềm chế cái tôi, hòa vào mục đích chung của nhóm nên mọi trục trặc đều qua hết. Khi triển khai ý tưởng, Khánh được phân công đi thực tế chụp ảnh, lấy tư liệu, Thủy Tiên viết, trình bày, Kiều Tiên đảm nhận phần nội dung, kỹ thuật chuyên môn. Kiều Tiên kể: “Ròng rã 3 tháng đề tài mới hoàn thành, sau khi qua vòng loại, nhóm lại mất cả tháng để chỉnh sửa lại. Thời gian này trùng với thi học kỳ nên chúng em cực vô cùng, mỗi đêm chỉ ngủ 3-4 tiếng”. Kết quả mang lại hơn cả mong đợi, đề tài của nhóm đã đoạt giải Nhì cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng 2008”.

Có kinh nghiệm, phấn khởi về kết quả đạt được, Thủy Tiên và Hoàng Khánh cùng một người bạn nữa bắt tay vào đề tài mới: “Xây dựng Trung tâm văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long” đã gởi tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng 2009”. Khánh tâm sự: “Trường ĐH Cần Thơ có nhiều SV các dân tộc theo học, cần có sân chơi đúng nghĩa để tổ chức tiệc tùng, ca hát, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc với nhau. Điều em quan tâm nhất trong NCKH là hiệu quả mang lại cho xã hội. Em nghĩ nên mạnh dạn đưa ý tưởng dự thi và chịu khó đầu tư, kết quả sẽ không phụ lòng người”.

3 thành viên trong nhóm đều là những SV vượt khó, học tốt. Quê Kiều Tiên ở Đồng Tháp, từ lớp 8, Kiều Tiên đã trọ học xa nhà. Hiện 3 chị em Tiên lên Cần Thơ ở trọ đi học, chị Tiên đang học cao học, em gái học lớp 11. Suốt các năm học phổ thông, Tiên đều là học sinh (HS) xuất sắc, lên ĐH, Kiều Tiên vẫn đảm bảo được thành tích học tập khá-giỏi dù học cùng lúc 2 trường. Kiều Tiên vừa tốt nghiệp Trung học Dược Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, hiện cô đang làm luận văn nghiên cứu biện pháp sinh học trong phòng trừ sinh học của vi khuẩn vùng rễ đối với bệnh đốm lá, đốm trái trên dưa hấu. Do đặc trưng của ngành học, phần lớn thời gian Kiều Tiên dành để ra đồng ghi chép, tối về cặm cụi phân tích các thông số. Còn Thủy Tiên, vừa tốt nghiệp ngành Thư viện Thông tin, đã đăng ký học thêm ngành Quản trị kinh doanh Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh Trường ĐH Cần Thơ. Hạnh phúc gia đình không được trọn vẹn, cha mẹ ly hôn, sau đó cha mất, Thủy Tiên đã cố gắng vượt qua nỗi đau để học. Thủy Tiên rất giỏi ngoại ngữ, từng đi làm thêm rất nhiều nghề để tích lũy kinh nghiệm, tự túc trong chi tiêu. Tiên là thành viên rất tích cực trong các hoạt động xã hội của trường, thường xuyên đi thăm, quyên góp tặng quà trẻ mồ côi, tàn tật, dạy miễn phí cho HS nghèo...

Ngược với sự trầm tính của hai bạn nữ trong nhóm, Khánh rất năng động, sôi nổi, nói là làm. So với hai bạn nữ, con đường học hành của Khánh lận đận nhất. Quê ở một ấp vùng sâu của huyện Vĩnh Thạnh, nhà nghèo, đông anh em, từ nhỏ Khánh đã bươn chải mưu sinh, vừa học vừa làm. Đường sá cách trở, ngày nào Khánh cũng đi học lúc 4 giờ sáng, lội bộ trên những con đường sình lầy hoặc đi xuồng... Khó khăn càng làm Khánh nung nấu thêm ý chí phải học để thoát cảnh nghèo đói. Đôi tay học trò của Khánh thuần thục việc mò cua bắt ốc, cấy hái trên đồng. Vất vả nhưng Khánh luôn nỗ lực học giỏi, từng là HS giỏi Toán cấp thành phố. Năm lớp 11, vì gia đình quá khó khăn, Khánh bảo lưu kết quả học tập đi làm công nhân. Một năm sau Khánh xin đi học lại, không chỉ nỗ lực theo kịp chương trình mà còn đậu cao vào ĐH.

Khánh luôn sống hết mình, biết giữ uy tín nên được mọi người tin tưởng. Vào ĐH là bắt đầu một chặng đường khó khăn mới, gia đình không có khả năng chu cấp, Khánh làm thêm đủ mọi thứ để có chi phí đi học. Rất thích ngành công nghệ thông tin nên ngoài giờ học ở trường, Khánh mày mò tự học thêm chuyên ngành này. Hiện Khánh có thu nhập khá ổn định từ công việc cài đặt phần mềm máy tính cho khách hàng, quản lý máy tại Trung tâm Học liệu trường... Khánh kể: “Năm học đầu em rớt một số môn vì mải lo kiếm tiền, sau em suy nghĩ lại thấy mình có một đời để đi làm nhưng chỉ có 4 năm để đi học nên tập trung vào việc học và lãnh được học bổng dành cho SV vượt khó học giỏi”.

Hoàng Khánh khoe mới đây có một số doanh nghiệp đề nghị nhóm hợp tác triển khai ý tưởng “Sự tái sinh của rác thải”, hiện nhóm đang chỉnh sửa đề tài cho hoàn thiện hơn. 3 bạn trẻ đều mong ước đề tài sớm được ứng dụng để góp phần mang lại lợi ích cho cộng đồng, bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết