20/07/2018 - 11:11

Israel thông qua “Luật Nhà nước Do Thái” gây tranh cãi 

Sáng 19-7, Quốc hội Israel (Knesset) bỏ phiếu thông qua dự luật quy định chỉ những người Do Thái mới có quyền quyết định vận mệnh dân tộc - động thái lập tức bị một số nghị sĩ A-rập gọi là “luật phân biệt chủng tộc”.

 Thủ tướng Netanyahu cùng các thành viên nội các tại Quốc hội Israel. Ảnh: timeofisrael

Luật Nhà nước Do Thái chủ yếu mang tính biểu tượng, được giới thiệu ngay sau kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Israel hồi tháng 5. Sau nhiều tháng tranh luận, dự luật với sự ủng hộ của chính phủ cánh hữu đã được thông qua với 62 phiếu thuận, 55 phiếu chống và 2 phiếu trắng tại quốc hội 120 thành viên, trở thành bộ Luật Cơ bản thứ 14 của Israel. Theo đó, Israel là “quê hương lịch sử của người Do Thái và chỉ người Do Thái có quyền quyết định vận mệnh quốc gia dân tộc”. Cờ, quốc ca Hatikva (tạm dịch: Hy vọng), lịch và các ngày lễ của người Do Thái cũng như Ngày Quốc khánh được coi là những biểu tượng quốc gia.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố “đây là thời điểm xác định trong biên niên sử của chủ nghĩa phục quốc Do Thái và lịch sử nhà nước Israel”. Ngược lại, một số nghị sĩ gốc A-rập cực lực lên án văn kiện trên và ông Jamal Zahalka - đại diện đảng Joint List thậm chí đã xé bỏ bản sao dự luật.

Mặc dù có những điều chỉnh so với dự thảo ban đầu, bao gồm sửa đổi 2 điều gây tranh cãi nhất, phe chỉ trích cho rằng quy định mới vẫn sẽ đào sâu cảm giác “ghét bỏ” trong các cộng đồng người thiểu số ở Israel, nhất là người A-rập. Trước khi bỏ phiếu, các nghị sĩ đối lập đã cảnh báo rằng nhiều điều trong bộ luật này sẽ gây tổn hại đến vị thế của người A-rập ở Israel. Chẳng hạn luật cấm sử dụng tiếng A-rập như một ngôn ngữ chính thức song song với tiếng Do Thái, tức hạ cấp thứ tiếng này. Quy định mới cũng khuyến khích và thúc đẩy xây dựng các cộng đồng dành riêng cho người Do Thái, điều mà Israel xem là lợi ích quốc gia. Ngoài ra, luật cũng công nhận thành phố Jerusalem “không bị chia cắt” là “thủ đô của Nhà nước Do Thái”.

Được biết, hiện có khoảng 1,8 triệu người A-rập sinh sống ở Israel, chiếm 20% dân số nước này, nhưng lâu nay họ cho rằng bị đối xử như “công dân hạng 2”. Dân số A-rập ở Israel hiện nay chủ yếu là con cháu của những người Palestine sống trên mảnh đất của họ trong cuộc xung đột giữa người A-rập và Do Thái, mà đỉnh điểm là cuộc chiến năm 1948, dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Israel. Việc hàng trăm ngàn người A-rập Palestine buộc phải rời bỏ nhà cửa hoặc di tản đã khiến Israel trở thành đất nước với đa số người Do Thái. Những người ở lại dù có đầy đủ các quyền theo luật định, nhưng họ thường xuyên đối mặt với sự kỳ thị, chẳng hạn chỉ được hưởng các dịch vụ thấp kém và tiếp nhận sự phân bổ không đồng đều về giáo dục, y tế và nhà ở.

THANH BÌNH (Theo Reuters, Haaretz)

Chia sẻ bài viết