20/06/2010 - 20:39

Hoài Khanh - vượt khó, học giỏi

Phan Hoài Khanh (ngồi bên phải) thường giải thích cho bạn hiểu bài.

Mặc dù hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng chính sự thương yêu, động viên của cha mẹ, cùng sự nỗ lực của bản thân nên 2 năm qua, Phan Hoài Khanh, sinh viên ngành Quản lý Đất đai, khóa 34, Trường Đại học Cần Thơ, đạt danh hiệu Sinh viên xuất sắc, nhận được nhiều học bổng. Ngoài ra, Khanh còn tích cực tham gia các phong trào của trường, lớp, chi hội, được nhiều bạn bè thương yêu, quý mến.

Một ngày giữa tháng 6-2010, chúng tôi tìm đến phòng trọ của sinh viên Phan Hoài Khanh. Căn phòng trọ là nơi ở 3 bạn sinh viên, tuy nơi ở chật chội nhưng khá ngăn nắp, gọn gàng. Khanh - dáng người cao, hơi gầy, gương mặt sáng, đang ngồi đọc sách bên chiếc bàn nhỏ. Khanh cho biết: “Tôi đang tìm hiểu một số sách Tin học, vì vài hôm nữa, tôi tham dự “Cuộc thi Mircosoft Office World Championship 2010” (Cuộc thi này được Công ty IIG Việt Nam (đại diện của Certiport) phối hợp với Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục - Bộ GDĐT đứng ra tổ chức dưới sự tài trợ của Tập đoàn Mircrosoft, Ngân hàng Techcombank...

Không có máy tính riêng như nhiều bạn bè, nên ngoài thời gian thầy cô ôn thi cho mình, Khanh chịu khó vào phòng máy của Khoa Khoa học (dành cho những bạn dự thi tin học) để tự ôn. Hoài Khanh tâm sự: “Tuy bản thân còn nhiều thiếu thốn về trang thiết bị học tập, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để thử xem năng lực về Tin học của mình đến đâu. Tôi mong mình sẽ mang niềm vui về cho nhà trường và người thân”.

Hoài Khanh là một sinh viên hiếu học, kết quả 2 năm học đại học đạt số điểm tích lũy 3.63 (tính theo thang điểm 4.0), đạt danh hiệu Sinh viên xuất sắc, được nhận học bổng của trường vào mỗi học kỳ. Ngoài ra, Khanh còn nhận được nhiều học bổng khác, như: Học bổng Nguyễn Thái Bình, do Báo Thanh niên tặng vào tháng 4-2009; Học bổng Trợ cấp khó khăn đột xuất của Quỹ học bổng và Hỗ trợ sinh viên Trường Đại học Cần Thơ; Học bổng Lương Định Của của Hội Khuyến học TP Sóc Trăng. Số tiền nhận học bổng, Khanh dùng để trang trải tiền học phí và chi phí sinh hoạt.

Để có được thành quả học tập như trên là cả một quá trình phấn đấu của Khanh. Nhiều bạn bè gọi Khanh là “mọt sách”, vì phần nhiều thời gian, Khanh dành cho việc học và đọc sách. Khanh bộc bạch: “Trước đây, tôi là học sinh Trường THPT Hoàng Diệu, TP Sóc Trăng, học lực khá. Nhưng kể từ khi thi đậu vào đại học, sống xa gia đình, tôi mới hiểu rõ nỗi vất vả của cha mẹ và thấy mình cần phải cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của người thân”. Ngoài thời gian học trên lớp, thư viện trường và thư viện khoa là nơi học thân thuộc của Khanh. Đêm nào cũng vậy, Khanh đều học bài, đọc thêm tài liệu đến tận khuya. Chính sự chăm chỉ học tập của Khanh là tấm gương khiến bạn Tiêu Văn Tiến - bạn học cùng lớp của Khanh, cùng phấn đấu học tốt. Tiến, cho biết: “Trong lớp tôi, Khanh học rất giỏi, đứng thứ hai trong lớp. Lúc trước, tôi học khá, nhưng học kỳ II năm thứ hai, tôi đạt loại giỏi. Đó là nhờ tôi học hỏi tính siêng năng của Khanh. Khanh thường rủ tôi vào thư viện Khoa Nông nghiệp học bài. Mỗi khi tôi không hiểu bài thì Khanh luôn giải thích cho tôi”.

Khanh không chỉ học giỏi mà còn tích cực tham gia nhiều phong trào. Do nhiệt tình với các phong trào của chi hội nên Khanh được bầu chọn làm Chi hội trưởng Chi hội Sinh viên TP Sóc Trăng. Hàng tháng, Khanh và BCH chi hội tổ chức cho khoảng 30 hội viên lao động trong trường, chủ yếu là nhặt rác. Bên cạnh đó, Khanh còn tổ chức về nguồn tại TP Sóc Trăng nhằm thăm hỏi, chúc Tết thầy cô giáo nhân ngày 20-11. Từ tháng 7 đến tháng 8-2010, chi hội của Khanh sẽ phối hợp với Chi hội Sinh viên Ngã Năm thực hiện Chiến dịch Mùa hè xanh tại huyện Ngã Năm, TP Sóc Trăng... Khi chúng tôi hỏi: Vừa tham gia các phong trào của lớp, lại đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Sinh viên thì làm sao Khanh có thời gian học tập? Mỉm cười thật tươi, Khanh chia sẻ: “Để học giỏi thì cần siêng năng, chăm chỉ và biết sắp xếp thời gian. Chỉ cần biết sắp xếp thời gian hợp lý thì mọi việc sẽ đâu vào đấy. Khi sắp tổ chức phong trào gì, tôi sẽ tranh thủ thời gian chuẩn bị bài vở trước, bình thường tôi xem bài tới 12 giờ khuya, nếu có việc cần làm thì tôi sẽ thức thêm 1 tiếng nữa...”.

Tâm sự với chúng tôi, ánh mắt Khanh luôn ngời sáng khi nói về cha mẹ. Khanh rất hạnh phúc về mái ấm gia đình của mình. Từ nhỏ đến lớn, Khanh và đứa em gái (chuẩn bị học lớp 12) luôn sống trong sự yêu thương, chăm sóc của cha mẹ. Mẹ Khanh thường kể chuyện vui, còn cha Khanh thì luôn dạy bảo, nhắc nhở việc học của 2 con. Khanh tâm sự: “Trong lúc trò chuyện, chủ đề chính của hai cha con tôi là xoay quanh vấn đề học hành. Mỗi lần như thế, tôi càng yêu thích việc học hơn”. Khi chuẩn bị học đại học, Khanh luôn nhớ lời cha dạy: “Khó nhọc đến đâu, cha cũng cam chịu. Cha chỉ mong con ăn học thành tài, trở thành người có ích cho xã hội, làm rạng rỡ gia đình, dù có bán nhà để lo cho con ăn học, cha cũng không buồn. Con hãy nhớ rằng: Học là trên hết”. Câu nói đó đã trở thành động lực để Khanh không ngừng phấn đấu trong suốt 2 năm học vừa qua.

Ít ai ngờ rằng, gia đình Khanh đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng lúc nào không khí gia đình họ cũng luôn vui vẻ, lạc quan. Cha mẹ Khanh không để con thiếu thốn trong học tập. Năm Khanh học lớp 8, thấy Khanh đi học vất vả nên cha đã chắt chiu từng đồng tiền mua cho Khanh chiếc xe đạp đi học. Đến nay, chiếc xe đạp đó vẫn theo Khanh đến giảng đường đại học. Vừa chỉ chiếc xe đạp, Khanh vừa nói: “Chiếc xe đạp là người bạn đồng hành của tôi trong suốt 7 năm qua. Tuy nó đã cũ, nhưng đó là mồ hôi nước mắt của cha mẹ nên tôi rất quý”. Mẹ Khanh theo nghề buôn bán trái cây tại chợ. Do không có vốn liếng buôn bán, mẹ Khanh đi vay mượn tiền với lãi suất cao, lại thêm đôi lúc buôn bán ế ẩm, trái cây dễ bị sâu, thối nên ngày qua tháng lại, bà bị lâm nợ phải bán nhà trả nợ. Sau đó, nhờ người cô của Khanh cho mượn tiền để chuộc lại căn nhà. Còn cha Khanh thì hằng ngày chạy xe ôm, thu nhập thất thường. Từ lúc Khanh học đại học, cha Khanh càng vất vả hơn, vừa lo kiếm tiền cho Khanh và em gái Khanh ăn học, vừa lo trả nợ dần cho gia đình. Mỗi tuần, ông dành dụm tiền, gửi cho Khanh chỉ khoảng 200.000 đồng.

Hiểu nỗi vất vả của cha mẹ, Khanh luôn tiết kiệm trong sinh hoạt. Hằng tháng, Khanh tiêu xài 800.000 đồng (bao gồm tiền trọ, ăn uống...). Bạn Nguyễn Văn Đúp, cùng phòng trọ với Khanh cho biết: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Khanh tiêu xài rất tiết kiệm. Ngoài thời gian đến lớp, Khanh về phòng trọ, đọc sách xem bài. Trong ăn uống, chúng tôi nấu ăn chung cho đỡ tốn kém và thay phiên nhau mỗi đứa nấu ăn 1 ngày. Khanh nấu ăn ngon lắm!”. Theo lời của bạn Đúp, Khanh rất chịu khó đi làm thêm, từng được 1 tiệm photo copy trên đường 3 Tháng 2, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thuê đánh máy vi tính, mỗi tháng được 1 triệu đồng. Hiện nay, do bài vở thi cử nhiều nên tạm thời Khanh không đi làm thêm nữa.

Sinh viên Phan Hoài Khanh đã dâng tặng cho cha mẹ một món quà rất có ý nghĩa, đó là thành tích học tập. Hy vọng trong tương lai, Khanh sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống, có những đóng góp thiết thực cho xã hội...

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết