05/06/2014 - 22:39

G7 quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông

Các nhà lãnh đạo G7 trong cuộc họp ngày 4-6.
Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) gồm Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản hôm 4-6 ra tuyên bố chung bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời phản đối bất kỳ hành động nào đơn phương nhằm đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải bằng những hành vi đe dọa, cưỡng ép hoặc sử dụng sức mạnh quân sự.

Phản đối mọi hành vi thay đổi hiện trạng tại châu Á

Lãnh đạo các quốc gia G7 bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng tại châu Á trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông và biển Hoa Đông, trong đó có việc nước này ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào thềm lục địa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông với sự hộ tống, bảo vệ của cả tàu quân sự và máy bay. "Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về những căng thẳng tại vùng Biển Đông và biển Hoa Đông. Chúng tôi phản đối bất cứ hành động đơn phương của bất kỳ bên nào hòng khẳng định chủ quyền về lãnh thổ và lãnh hải thông qua việc đe dọa, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực" – tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 sau buổi thảo luận tối 4-6 tại Brussels (Bỉ).

Mặc dù không nêu cụ thể nước nào, nhưng có thể khẳng định G7 ám chỉ các hoạt động xâm nhập bất hợp pháp của Trung Quốc tại các quần đảo thuộc chủ quyền của các quốc gia châu Á khác trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra trước hội nghị, tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 cũng nhất trí cảnh báo rằng bất kỳ hành vi cưỡng ép hay đe dọa vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng tại châu Á là điều không thể chấp nhận được, đồng thời kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp chủ quyền.

Cảnh báo tiếp tục trừng phạt Nga

Cũng trong tuyên bố sau cuộc hội đàm tối 4-6, các nhà lãnh đạo G7 cảnh báo sẵn sàng gia tăng trừng phạt và đề ra thêm những biện pháp hạn chế nhắm vào Nga nếu Mát-xcơ-va không có động thái hỗ trợ khôi phục ổn định các khu vực ở phía Đông Ukraina giữa lúc lực lượng ly khai vẫn tiếp tục tấn công quân đội chính phủ và chiếm các trụ sở chính quyền tại đây.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các cường quốc không thể để Ukraina tiếp tục chìm trong bất ổn. Vì lẽ đó, bà tuyên bố G7 sẽ xem xét kỹ lưỡng những gì Nga đang làm có hạ nhiệt căng thẳng chính trị tại quốc gia Đông Âu này kể từ sau khi Mát-xcơ-va sáp nhập bán đảo Crimea. Thủ tướng Đức nêu rõ cách tiếp cận của G7 đối với cuộc khủng hoảng Ukraina tập trung vào 3 hướng chính là ủng hộ chính quyền Kiev, tìm giải pháp chính trị thông qua đàm phán với Nga, và cuối cùng là khả năng tăng cường trừng phạt Nga nếu tình hình Ukraina diễn biến xấu đi. Bà Merkel nhấn mạnh khả năng phương Tây sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt giai đoạn 3 nghiêm trọng hơn, trong đó có thể gồm những hạn chế về thương mại, tài chính và năng lượng. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng điều quan trọng là duy trì quan hệ đối tác chặt chẽ với Nga và trừng phạt cũng không phải là giải pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraina.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AFP, AP)

Chuyên gia Ấn Độ chỉ trích Trung Quốc chủ trương sử dụng sức mạnh quân sự ở Biển Đông

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ông Vinod Anand, chuyên viên cấp cao tại Viện quốc tế Vivekananda (VIF) đã có bài phân tích trên mạng tin Merinews.com ngày 4-6, chỉ trích việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.

Ông Anand cho rằng hành động của Trung Quốc nhằm thể hiện "sức mạnh quân sự" trong khu vực, với ý định ép buộc Việt Nam từ bỏ hoặc giảm tuyên bố chủ quyền đối với khu vực giàu dầu khí thuộc quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Trung Quốc từ lâu đưa ra những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông dựa trên cái gọi là "đường chín đoạn" vốn không có cơ sở pháp lý hoặc lịch sử, do đó không có nguyên tắc hoặc luật lệ quốc tế nào chấp nhận.

Các nhà lãnh đạo G7 trong cuộc họp ngày 4-6. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết