13/01/2018 - 09:14

EU lo ngại “trò chơi vương quyền” ở Tây Balkans 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (ảnh) vừa có phát biểu gây sốc tại Bulgaria, nơi ông tham dự lễ nhậm chức chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng của Sofia.

Theo hãng tin AFP, EU kỳ vọng Bulgaria sẽ phát huy vai trò chủ tịch luân phiên để ngăn chặn ảnh hưởng của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác tại Tây Balkans, nơi hiện nay được coi là khu vực sân sau đang ngày càng biến động của EU. Cụ thể hơn, Bulgaria được trông đợi sẽ thúc đẩy quá trình đàm phán gia nhập EU của Montenegro và Serbia, đồng thời hỗ trợ Albania và Macedonia xích lại gần hơn với Brussels để có thể khởi động tiến trình đàm phán gia nhập EU.

Tại khu vực Tây Balkans cho đến nay, chỉ có Bulgaria, Romania, Slovenia và Croatia đã gia nhập EU đúng lịch trình, trong khi Bosnia, Serbia và Kosovo (vùng lãnh thổ đơn phương tuyên bố tách khỏi Serbia) đang ngày càng lún sâu vào các tranh chấp lãnh thổ cùng những vấn đề tham nhũng và tội phạm có tổ chức.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong vòng 15 năm qua giữa EU và các nước Balkans sẽ diễn ra vào tháng 5 tới tại Sofia. Thời cơ của EU đang đến khi Montenegro đã chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), còn chính quyền hiện tại của Macedonia thì thân thiện với Brussels.

Tuy nhiên, ông Tusk cảnh báo tình thế của Tây Balkans hiện nay không khác gì kịch bản của loạt phim truyền hình “Trò chơi vương quyền”. Bộ phim giả tưởng này được coi là một biên niên sử của những cuộc đấu tranh bạo lực và đầy mưu mẹo giữa các triều đại và giữa các gia đình quý tộc để tranh giành quyền lực.

Ông Tusk thậm chí cho rằng lịch sử của khu vực Balkans còn thảm kịch và thú vị hơn bộ phim bom tấn của Mỹ. Vì thế, cựu Thủ tướng Ba Lan tuyên bố ông muốn thấy hiện tại và tương lai Balkans không như tấn thảm kịch của bộ phim, mà mục đích của EU là biến “kịch bản” mang lại sự ổn định, an ninh và thịnh vượng cho người dân khu vực này trở thành hiện thực. 

AFP cho rằng hiện Nga đang gia tăng các nỗ lực lật ngược tình thế sau những diễn biến bất lợi ở Montenegro và Macedonia. Trong khi đó, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cho biết đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thông báo kế hoạch mở văn phòng đại diện ở các nước Balkans trong nỗ lực tìm kiếm ảnh hưởng tại khu vực này. Với chính sách “Một vành đai, Một con đường”, Trung Quốc cũng đang trở thành một thực thể quyền lực trong trò chơi chiến lược ở Balkans.

Ba Lan có thể rời khỏi EU

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của tạp chí Tygodnik Powszecnhy hôm 11-1, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố lòng tin của EU dành cho Ba Lan “đã chết” do nước này không tuân thủ tiêu chuẩn dân chủ và hệ thống tư pháp chung của khối. Ông đồng thời cảnh báo Ba Lan sẽ là nước tiếp theo nối gót Anh rời khỏi EU.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm 11-1 cũng tỏ ra “ngán ngẩm” EU. Trong bài phát biểu trước các đại sứ nước ngoài nhân dịp đầu năm mới, ông Duda nhấn mạnh việc Anh rút khỏi EU (Brexit) và các chính đảng nghi ngờ EU giành thắng lợi trong bầu cử ở các nước Tây Âu  là hậu quả từ các thể chế của EU. Ông cho rằng các thể chế này đã làm “vỡ mộng xã hội” ở các nước thành viên. Ba Lan gia nhập EU năm 2004 và là nước nhận viện trợ lớn nhất trong số các quốc gia gia nhập EU thời điểm đó. Tuy vậy, Ba Lan và giới lãnh đạo EU đang đối mặt với cuộc xung đột chưa từng có sau khi Warsaw tiến hành cải cách hệ thống tư pháp bị đánh giá đi ngược giá trị cơ bản của Brussels. EU dọa sẽ truất quyền bỏ phiếu của Ba Lan theo điều 7 của hiệp ước EU, điều chưa từng xảy ra đối với khối này.

ĐỨC TRUNG 

Chia sẻ bài viết