15/07/2018 - 18:16

Đồng minh lo ông Trump nhượng bộ Nga 

Cuộc gặp được mong đợi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ diễn ra tại thủ đô Helsinki của Phần Lan vào hôm nay 16-7. Bên cạnh kỳ vọng cải thiện quan hệ đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh giữa hai cường quốc là những lo ngại của châu Âu về khả năng ông Trump sẽ có một số nhượng bộ đối với ông Putin.

Dinh Tổng thống Phần Lan, nơi hai ông Trump và Putin sẽ gặp nhau.

Hội nghị thượng đỉnh bắt đầu bằng cuộc gặp riêng giữa ông Putin và ông Trump tại Dinh Tổng thống Phần Lan và sau đó sẽ là các cuộc đàm phán dưới dạng bữa ăn trưa làm việc, với sự tham gia của phái đoàn hai bên. Trump và Putin từng hai lần gặp nhau bên lề các sự kiện quốc tế nhưng đây là lần đầu tiên hai ông hội đàm chính thức.

Nói về chủ đề sẽ được các nhà lãnh đạo bàn thảo, trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov hôm 13-7 cho biết vẫn chưa rõ các vấn đề nào sẽ được đặt lên bàn. Theo Ushakov, Tổng thống Putin có thể sẽ đưa ra các đề xuất trong lĩnh vực kinh tế, cũng như phòng thủ tên lửa và vũ khí tấn công chiến lược. Các cuộc khủng hoảng trên thế giới cũng có thể được bàn thảo, như chiến sự tại Syria, vấn đề Bán đảo Triều Tiên, thỏa thuận hạt nhân Iran, cuộc xung đột tại Ukraine...

Phát biểu của ông Ushakov phù hợp với nhận định của tờ Los Angeles Times rằng Tổng thống Trump không có mục tiêu cũng như chương trình nghị sự rõ ràng trong cuộc gặp với chủ nhân Điện Kremlin. Dù ông đề xuất hội nghị này từ tháng 3 nhưng đến nay chỉ có một quan chức Nhà Trắng là Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton gặp gỡ giới chức Nga để thu xếp. Hai bên cũng không đề ra các kết quả cụ thể mà lẽ ra phải được xác định từ lâu trước khi hai nguyên thủ gặp nhau.

Sự thiếu vắng những thủ tục như vậy càng khiến các đồng minh của Mỹ lo ngại ông Trump có thể “ngẫu hứng” nhượng bộ Nga trong cuộc gặp riêng với ông Putin mà không có trợ lý nào tham dự. Chẳng hạn ông có thể cam kết giảm trừng phạt Mát-xcơ-va liên quan việc sáp nhập Crimea, hạn chế các hoạt động quân sự ở châu Âu...

Thật ra, quan ngại của họ không phải là không có cơ sở. Còn nhớ trong cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12-6, ông Trump đã bất ngờ tuyên bố ngừng tập trận với Seoul mà không tham khảo ý kiến Lầu Năm Góc, cũng như hai đồng minh trực tiếp bị ảnh hưởng bởi quyết định trên là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Và khi được hỏi hôm 12-7 rằng liệu có xem xét ngừng tập trận ở khu vực Baltic nếu ông Putin đề nghị, Tổng thống Trump nói rằng: “Có thể chúng tôi sẽ thảo luận vấn đề này”. Phát biểu trên khiến các nước thành viên NATO nằm gần Nga hốt hoảng. Trả lời câu hỏi về kỳ vọng của mình đối với cuộc gặp Trump-Putin, lãnh đạo một quốc gia thành viên NATO thừa nhận: “Tôi thậm chí không dám phỏng đoán. Không thể dự báo trong tình hình hiện nay”.

Nói như Alexander Vershbow, cựu đại sứ Mỹ tại NATO và Nga, thì hội nghị thượng đỉnh tại Helsinki làm gia tăng lo ngại của châu Âu rằng ông Trump đang trở nên thân thiện với ông Putin hơn với các đồng minh. Điều này có lẽ được rút ra từ thái độ của lãnh đạo Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada hồi đầu tháng 7 và thượng đỉnh NATO tại Bỉ mới tuần rồi. l

Nếu như ông Kim Jong-un từng bị Tổng thống Trump gọi là “Người tên lửa” thì ông Putin chưa từng bị chủ nhân Nhà Trắng công khai chỉ trích. Ông Trump thậm chí từng khen ông Putin giỏi hơn cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Về phần mình, ông Putin mới đây đã ca ngợi ông Trump là “can đảm và chín chắn” khi gặp lãnh đạo Triều Tiên.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết