13/06/2017 - 20:23

Để nông thôn mới không là gánh nặng

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, để tăng nguồn lực xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhiều địa phương tập trung huy động sức dân với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng"... Nhà nước cùng nhân dân làm cầu, đường giao thông nông thôn; cùng tăng gia sản xuất; cải tạo cảnh quan môi trường; xóa nhà tạm... Không ít trường hợp người dân sẵn sàng tháo dỡ hàng rào, vật kiến trúc, hoa màu để giao mặt bằng xây dựng giao thông nông thôn, hay các công trình công cộng… Đó là những hình ảnh đẹp, sống động về "sức dân" trong XDNTM.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực từ xã hội hóa XDNTM, để rút ngắn thời gian "cán đích", nhiều xã yêu cầu đóng góp quá nhiều loại phí, trong khi thu nhập của nông dân chủ yếu chỉ trông chờ vào làm nông. Một số địa phương tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng mà chưa chú trọng phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường. Kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ NN&PTNT cho thấy, giai đoạn 2010-2015, tổng số nợ đọng XDNTM cả nước là hơn 15.000 tỉ đồng, phân bố ở 53/63 tỉnh, thành. Đây tiếp tục là hồi chuông cảnh báo việc đầu tư dàn trải, không có kế hoạch chặt chẽ.

Cuối năm 2015, Chính phủ ban hành Công văn số 2003/TTg-KTN về việc huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Công văn yêu cầu các địa phương chú trọng đến công tác giảm nghèo; việc huy động đóng góp phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh của nhân dân; phải được bàn bạc dân chủ và được sự đồng tình của người dân; tuyệt đối không để tình trạng XDNTM mà tăng gánh nặng, tăng nghèo cho người dân…Tuyệt đối không bắt buộc dân đóng góp; không yêu cầu những hộ nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách đóng góp; tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia. Công văn nêu rõ nơi nào, cấp nào để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài hoặc huy động quá sức dân, gây bất bình trong nhân dân thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và kiểm điểm xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

Theo các chuyên gia, đích đến cuối cùng của XDNTM là nâng chất toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Do đó, đừng vì nôn nóng, chạy theo thành tích mà vô tình tạo thêm gánh nặng cho dân. Khi huy động sức dân, cần tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân. Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đông đảo quần chúng, để người dân hiểu rõ ý nghĩa, quyền và trách nhiệm của mỗi người trong XDNTM. Từ đó, chủ động, tự giác chung tay cùng chính quyền tham gia hoàn thành các tiêu chí. Quá trình thực hiện, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đều được công khai, bàn bạc dân chủ, thống nhất lộ trình thực hiện và mức đóng góp của người dân cho từng tiêu chí. Trong đó, tập trung nguồn lực cho các tiêu chí bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, từ đó vừa tạo khí thế phấn khởi, vừa nuôi dưỡng sức dân để tạo nguồn lực đóng góp cho các tiêu chí khác. 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
nông thôn mới