24/07/2010 - 09:20

Căng thẳng quan hệ Venezuela-Colombia

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez (phải) tiếp “cậu bé vàng” của bóng đá Argentina Diego Maradona, người rất hâm mộ ông Chavez, tại dinh Miraflores ngày 22-7 trước khi thông báo cắt đứt quan hệ với Colombia. Ảnh: Xinhua

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez ngày 22-7 đã quyết định tạm thời ngưng tất cả các mối quan hệ với Chính phủ Colombia. Ông Chavez tuyên bố đóng cửa Đại sứ quán Venezuela tại Bogota, đồng thời yêu cầu Colombia cũng hành động tương tự và rút hết nhân viên ngoại giao về nước trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Ông còn ra lệnh cho quân đội nước này sẵn sàng ở mức báo động cao nhất dọc theo các vùng biên giới dài 2.300 km với Colombia. Theo giải thích của Tổng thống Chavez, Venezuela không có lựa chọn nào khác mà phải hành động như vậy vì “lòng tự trọng quốc gia”.

Quả thật, giới ngoại giao Colombia đã làm phía Venezuela nổi giận ngay trong cuộc họp cấp đại sứ Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) tại Thủ đô Washington của Mỹ hôm 22-7 vừa qua. Đại sứ Colombia Luis Alfonso Hoyos đã bất ngờ trưng ra các bản đồ, ảnh chụp và đoạn phim mà ông nói là “bằng chứng” để buộc tội Venezuela dung túng khoảng 1.500 tay súng thuộc Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) và Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN), hai tổ chức nổi dậy chống chính phủ Colombia nhiều thập niên qua. Ông Hoyos nói rằng chính quyền Venezuela đã “nhắm mắt làm ngơ” để các tổ chức này lập 39 căn cứ trên lãnh thổ Venezuela nhằm tiến hành các hoạt động chống phá Colombia. Ông Hoyos đề nghị thành lập một ủy ban quốc tế và yêu cầu Venezuela tạo điều kiện cho ủy ban này điều tra 87 địa điểm bị tình nghi là “bãi đáp” của phiến quân người Colombia.

Về phần mình, tại OAS, đại sứ Venezuela Roy Chaderton khẳng định lời tố cáo của ông Hoyos là hoàn toàn bịa đặt và lên án Chính phủ Colombia nhiều lần dàn dựng các chứng cớ giả mạo. Theo ông Chaderton, phía Colombia đã chủ động muốn gây hấn với Venezuela khi tạo sức ép buộc OAS tổ chức cuộc họp khẩn cấp ngày 22-7 mà phớt lờ sự kêu gọi cần có thêm thời gian tham vấn của các nước thành viên khác.

Theo các nhà phân tích, vùng biên giới đồi núi khó quản lý chặt chẽ dài 2.300 km với nhiều băng nhóm tội phạm và buôn lậu ma túy hoạt động là nguyên nhân gây ra sự nghi kỵ trong mối quan hệ giữa Colombia và Venezuela thời gian qua. Mối quan hệ giữa Colombia với các nước láng giềng khác cũng thường xuyên lâm vào tình trạng căng thẳng. Hồi năm 2008, chính quyền của Tổng thống Colombia Alvaro Uribe đã từng lệnh cho quân đội đánh bom một địa điểm tình nghi của FARC nằm bên trong lãnh thổ Ecuador, khiến dư luận một phen lo ngại bùng nổ chiến tranh khu vực. Ông Uribe còn cho phép Mỹ sử dụng 7 căn cứ quân sự của Colombia với lý do giúp chống ma túy và các lực lượng vũ trang cánh tả, khiến nhiều nước trong khu vực lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Tổng thống Uribe sẽ hết nhiệm kỳ lần hai vào ngày 7-8 tới. Bà Laura Gil, nhà phân tích chính trị và bình luận viên của tờ El Tiempo (Colombia), hy vọng rằng cuộc chiến ngoại giao mới giữa Colombia và Venezuela sẽ không kéo dài khi Colombia dưới quyền điều hành của tân Tổng thống Manuel Santos. Theo bà Gil, ông Santos sẽ xây dựng lại mối quan hệ với chính quyền Chavez, người đã khẳng định đang làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn các tay súng nổi dậy Colombia xâm nhập lãnh thổ Venezuela. Ông Chavez nói với Tổng thống mới đắc cử của Colombia rằng cánh tả và cánh hữu hoàn toàn có thể hợp tác với nhau.

KIẾN HÒA (Theo CNN, AP và Guardian)

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez (phải) tiếp “cậu bé vàng” của bóng đá Argentina Diego Maradona, người rất hâm mộ ông Chavez, tại

Chia sẻ bài viết