22/07/2016 - 21:20

Bê bối rò rỉ thông tin bệnh nhân HIV/AIDS tại Trung Quốc

Vụ bê bối rò rỉ thông tin cá nhân của người bị nhiễm HIV/AIDS ở Trung Quốc đang vấp phải phản ứng gay gắt từ dư luận, đồng thời dấy lên quan ngại về nguy cơ kẻ xấu lợi dụng để tống tiền.

Theo thông tin trên Phương Nam Tuần báo, vụ việc bắt đầu hôm 16-7 khi kẻ lừa đảo tự xưng là cán bộ nhà nước gọi điện cho hơn 350 bệnh nhân HIV/AIDS trên 31 tỉnh, thành ở Trung Quốc. Y yêu cầu người bệnh chuyển tiền "hoa hồng" để được nhận số tiền trợ cấp từ chính phủ, dao động từ 100 USD đến 300 USD. Báo cáo cho biết kẻ lừa đảo đã lợi dụng chính những thông tin ngân hàng trên để đánh cắp tiền từ tài khoản của người bệnh. Theo giám đốc diễn đàn thông tin trực tuyến cho bệnh nhân HIV/AIDS tại Trung Quốc, số người bị ảnh hưởng trên thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số thống kê.

Việc ông ngoại Kun Kun cũng ký đơn đòi trục xuất bé ra khỏi làng khiến người dân Trung Quốc không khỏi bàng hoàng. Ảnh: sc.people.cn

Theo lời các nạn nhân, kẻ lừa đảo đã gọi cho họ và hỏi rất nhiều thông tin cá nhân chi tiết bao gồm tên thật, số CMND, số điện thoại, địa chỉ thường trú, thậm chí cả bệnh viện họ đến khám và ngày nhận giấy xét nghiệm bị nhiễm HIV. Vì thế, phần lớn mọi người đều không nghi ngờ đấy là trường hợp lừa đảo. Theo quy định, các cơ sở tại địa phương của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) có trách nhiệm xác định tình trạng nhiễm HIV của một người và đối chiếu thông tin cá nhân. Sau vụ rò rỉ, CDC cho biết đã nâng cấp công nghệ mã hóa thông tin, đồng thời trình báo sự việc với cảnh sát. Các cơ sở tại địa phương của CDC và bệnh nhân cũng được thông báo cảnh giác với những chiêu trò tương tự.

Trong một tuyên bố, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) lên án vụ rò rỉ thông tin cá nhân trên là xâm phạm quyền bảo mật thông tin cơ bản. Theo Quy chế Phòng chống và Điều trị HIV/AIDS của Trung Quốc, dữ liệu cá nhân của người bệnh được bảo vệ bởi pháp luật. Các tổ chức và cá nhân đều bị cấm phát hành thông tin mà chưa có sự đồng ý của bệnh nhân. Theo một luật sư hình sự ở Thượng Hải, hình phạt tối đa cho rò rỉ thông tin cá nhân bất hợp pháp ở Trung Quốc là 7 năm tù giam cộng với tiền phạt.

Ngoài vi phạm bảo mật, WHO cảnh báo vụ việc có thể khiến người dân thêm tránh né đi xét nghiệm HIV cũng như tiếp cận các dịch vụ điều trị và phòng ngừa, bởi xã hội Trung Quốc vốn hay tẩy chay bệnh nhân HIV/AIDS. Người bị nhiễm HIV ở Trung Quốc lâu nay luôn bị phân biệt đối xử khi xin việc làm; bệnh nhân là người nước ngoài cho đến năm 2010 cũng bị cấm cấp thị thực. Đặc biệt hồi cuối năm 2014, hơn 200 cư dân một ngôi làng ở tỉnh Tứ Xuyên đã ký tên đòi đuổi cậu bé Kun Kun 8 tuổi dương tính với HIV ra khỏi làng, làm dấy lên một cuộc tranh luận trên toàn quốc. Nói trong điều kiện giấu tên, một bệnh nhân nam bị nhiễm HIV ở Thượng Hải cho biết có rất nhiều bệnh nhân phản đối việc họ phải cung cấp chi tiết thông tin cá nhân cho cơ quan y tế. Nhưng nếu không làm vậy, người bệnh sẽ không nhận được thuốc điều trị miễn phí. "Họ điều trị bệnh chứ không phải chữa trị cho người. Vậy tại sao họ cần thông tin cá nhân của chúng tôi?" – người này tỏ ra bất mãn. Cũng do tính chất vấn đề nhạy cảm, nhiều bệnh nhân quan ngại vụ thông tin cá nhân bị rò rỉ mới đây có thể bị kẻ xấu lợi dụng để đe dọa tống tiền.

MAI QUYÊN (Theo SCMP, China Daily)

Chia sẻ bài viết