27/06/2013 - 21:33

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đặc sản địa phương

   Dâu Hạ Châu Phong Điền là một trong những đặc sản của TP Cần Thơ đã được đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với đặc sản của địa phương.

TP Cần Thơ có nhiều đặc sản khá nổi tiếng như: nem chua Cái Răng, dâu Hạ Châu Phong Điền, bánh tét lá cẩm, rượu mận Sáu Tia… và phần lớn các sản phẩm này đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm đặc sản trên địa bàn thành phố chưa đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp. Đây là thiệt thòi lớn trong điều kiện cạnh tranh thị trường hiện nay, sản phẩm không được bảo hộ sở hữu công nghiệp sẽ mất ưu thế cạnh tranh trên thị trường với sản phẩm cùng loại; đồng thời nguy cơ mất thương hiệu cũng rất cao.

SHTT: chìa khóa hội nhập

Mới đây, tại lớp tập huấn về “Bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với các đặc sản địa phương” do Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ phối hợp với Cục SHTT tổ chức đã cung cấp cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… trên địa bàn thành phố thông tin cụ thể về việc đăng ký, xác lập quyền, xây dựng quy chế và quản lý sử dụng đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý… Qua đó, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của bảo hộ quyền SHTT đối với các sản phẩm. Theo các chuyên gia Cục SHTT, bảo hộ quyền SHTT đối với các đặc sản địa phương có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và đang dần trở thành mối quan tâm chung của các ngành hữu quan. Bảo hộ quyền SHTT đối với các đặc sản địa phương còn khẳng định sự thành công của thương hiệu, hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển ngành nghề truyền thống và các dịch vụ du lịch vùng; tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa, truyền thống…

Ông Lê Tất Chiến, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Văn phòng 2, Cục SHTT tại TP HCM, cho biết: Xây dựng và phát triển thương hiệu đặc sản địa phương, các tổ chức, cá nhân cần chú trọng việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Để thương hiệu đặc sản phát triển ổn định và bền vững, các tổ chức, cơ sở đặc sản cần đầu tư và khai thác sản phẩm đặc sản một cách hiệu quả. Trong đó, việc sử dụng nhãn hiệu để người tiêu dùng dễ nhận biết, dễ đọc, dễ nhớ, dễ truyền khẩu, dễ phân biệt với sản phẩm khác trên thị trường, doanh nghiệp, cơ sở đặc sản cần chú trọng, xây dựng logo cho sản phẩm phải mang dấu ấn riêng, đặc sắc. Song song đó, xây dựng quy chế quản lý, lựa chọn phương pháp và quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, quản lý để nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đây là chìa khóa mở đường cho sản phẩm tiến xa hơn.

Theo các chuyên gia kinh tế, bảo hộ quyền SHTT đối với đặc sản địa phương là điều kiện tiên quyết để sản phẩm trụ vững trên thị trường và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Song, vấn đề này không phải doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào cũng quan tâm, một phần do hạn chế về năng lực tài chính, năng lực quản lý, phần nữa do quy mô sản xuất nhỏ, nên nhiều đơn vị chưa chú trọng đến xây dựng thương hiệu và đăng ký quyền SHTT. Thời gian qua, trên thị trường có không ít vụ kiện liên quan đến vi phạm quyền SHTT, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu… và trong hội nhập thì kiện tụng, tranh chấp quyền SHTT sẽ diễn ra nhiều hơn. Lẽ đó, việc xác lập quyền SHTT trở nên cấp thiết. Bởi được bảo hộ SHTT không chỉ giúp đặc sản nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, vực dậy các làng nghề đặc sản truyền thống.

Tăng cường hỗ trợ đăng ký SHTT

Ông Nguyễn Phú Tia, Chủ cơ sở sản xuất rượu mận Sáu Tia, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt cho rằng, việc đăng ký nhãn hiệu mang lại lợi ích là rất lớn. Chắc chắn nhu cầu đăng ký sở hữu công nghiệp cho sản phẩm sẽ được các doanh nghiệp quan tâm hơn để nâng tầm sản phẩm trên thị trường. Ông Trần Minh Mẫn, Chủ cơ sở sản xuất giống mít không hạt Ba Láng, phường Ba Láng, quận Cái Răng, nói: Hiện nay, có rất nhiều địa phương như: Tiền Giang, Bến Tre… đưa ra thị trường giống mít không hạt tương tự như của cơ sở chúng tôi. Tuy nhiên, theo giải thích của ngành hữu quan thì những cơ sở này không vi phạm quyền bảo hộ SHTT của Mít không hạt Ba Láng. Bởi Mít không hạt Ba Láng được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu độc quyền, nhưng chúng tôi chưa đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý (xuất xứ sản phẩm từ Ba Láng). Do đó, việc sớm đăng ký quyền bảo hộ SHTT đối với đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý là việc làm rất cần thiết, góp phần hạn chế và ngăn chặn việc làm sản phẩm giả mạo, bảo vệ tốt thương hiệu cho mít không hạt Ba Láng.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, để nâng cao nhận thức trong việc xác lập quyền SHTT đối với sản phẩm, Sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự cần thiết đối với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với các đặc sản của địa phương. Nhưng để các đặc sản mang dấu ấn riêng và phát triển ngày càng bền vững, đòi hỏi của các tổ chức, các cơ sở đặc sản địa phương cần thay đổi nhận thức trong sản xuất và kinh doanh. Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai dự án hỗ trợ quyền SHTT đối với các đặc sản tại TP Cần Thơ giai đoạn 2013-2015. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân xác lập quyền SHTT và phát triển tài sản trí tuệ nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, góp phần đẩy mạnh việc đăng ký, tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công  nghệ TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian qua, Sở luôn tăng cường hỗ trợ các cá nhân, tổ chức có nhu cầu lập thủ tục hồ sơ xác lập quyền bảo hộ SHTT đối với các đặc sản địa phương. Đồng thời, tiến hành các hoạt động hỗ trợ xác lập chỉ dẫn địa lý cho các loại đặc sản đặc thù của thành phố. Thời gian tới, Sở có kế hoạch hỗ trợ đăng ký xác lập quyền SHTT cho 80 nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ; xây dựng 20 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm đặc thù của thành phố. Theo đó, sẽ hỗ trợ phí đăng ký bảo hộ bao gồm: khảo sát, xây dựng quy chế, thiết kế mẫu nhãn hiệu, xác định chủ thể quyền, phí và lệ phí đăng ký bảo hộ… cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc sản. Phối hợp với phòng kinh tế các quận, huyện hỗ trợ tư vấn lập hồ sơ, hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho 20 sản phẩm đặc thù”. Bên cạnh đó, Sở còn có kế hoạch hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, tiếp thị sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước, góp phần xây dựng danh tiếng cho sản phẩm.

Bài, ảnh: M.Hoa

 

Chia sẻ bài viết