01/04/2009 - 10:42

60 năm tồn tại và những thách thức đối với NATO

Kỳ 1: Hình thành NATO

Ngày 3 và 4-4 tới, hội nghị thượng đỉnh và lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ diễn ra tại Strasbourg (Pháp) và Kehl (Đức). Theo các nhà phân tích, cuộc họp năm nay có thể là cơ hội để NATO thống nhất lập trường trước những căng thẳng leo thang trong quan hệ với Nga. Năm ngoái, NATO cũng đã phải thuê một nhà quản trị của tập đoàn nước giải khát Coca-Cola để “đánh bóng” lại hình ảnh sau khi người dân châu Âu không còn mấy quan tâm đến sự tồn tại của tổ chức này. Nhiều câu hỏi về tương lai NATO đang chờ được giải đáp, trong đó có vấn đề là liệu 26 nước thành viên NATO thật sự là một liên minh hay chỉ là một siêu cường Mỹ và 25 “cộng sự”. Nhân sự kiện này, Báo Cần Thơ xin trích giới thiệu tư liệu 2 kỳ về hành trình 60 năm và những dự báo về tương lai của NATO.

Để đối phó với Liên Xô, ngày 17-3-1948, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Pháp và Anh ký Hiệp ước Brussels, quyết định thành lập Liên minh phòng thủ Tây Âu, được xem là tiền thân của NATO. Sau đó, các nước trong Hiệp ước Brussels xác định sự tham gia của Mỹ vào tổ chức này là cần thiết. Vì vậy, các cuộc đàm phán với Mỹ cùng một số quốc gia khác được khởi động. Đến ngày 4-4-1949, NATO chính thức ra đời gồm 5 thành viên Hiệp ước Brussels cùng với Mỹ, Canada, Bồ Đào Nha, Ý, Na Uy, Đan Mạch và Iceland.

 Chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh NATO tại Strasbourg (Pháp). Ảnh: Reuters

Trong những năm đầu tiên, NATO không khác gì một tổ chức chính trị, cho đến khi nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Sự kiện này khiến các nước Tây Âu lo ngại về sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản, buộc NATO đẩy mạnh các kế hoạch liên kết quân sự. Tại hội nghị Lisbon năm 1952, các nước NATO đã đưa ra Kế hoạch phòng thủ dài hạn, theo đó củng cố các lực lượng cần thiết. Hoạt động quan trọng đầu tiên của NATO là vào tháng 9-1952, khi hải quân các nước đưa 200 tàu chiến và hơn 50.000 quân diễn tập phòng thủ tại Đan Mạch và Na Uy.

Năm 1954, Liên Xô đề nghị gia nhập NATO. Lo ngại động cơ của Liên Xô là để làm yếu liên minh, nên các nước NATO quyết liệt cự tuyệt. Ngày 9-5-1955, NATO lại kết nạp thêm Tây Đức. Đây được xem như “bước ngoặt quyết định lịch sử của châu Âu” vì nếu không có sức mạnh quân sự của Đức, NATO không có đủ lực lượng quy ước để hạn chế sự mở rộng của Nga. Đáp trả sự kiện này, chỉ 6 ngày sau, Liên Xô ký Hiệp ước Vác-xa-va với Hungary, Tiệp Khắc, Ba Lan, Bulgarie, Roumanie, Albanie và Đông Đức, nhằm làm đối trọng với NATO. Từ đó hình thành 2 cực của cuộc Chiến tranh lạnh.

Sau khi bức tường Berlin (biểu tượng của sự chia cắt giữa Đông và Tây) sụp đổ năm 1989, NATO trở nên mạnh hơn và ra sức lôi kéo các nước vùng Balkan, cũng như ve vãn những nước từng là thành viên Hiệp ước Vác-xa-va. Năm 1999, 3 nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa trước đây là Hungary, CH Czech (Tiệp Khắc tách ra) và Ba Lan gia nhập NATO, dẫn tới mâu thuẫn giữa Nga - NATO ngày càng sâu sắc. Hiện nay, các học giả vẫn còn tranh cãi về tính xác thực của một thỏa thuận qui định rằng NATO sẽ không mở rộng hơn về phía Đông để đổi lấy việc Liên Xô chấp nhận nước Đức thống nhất. Trả lời phỏng vấn nhật báo Telegraph (Anh) ngày 7-5-2008, cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev cho biết Mỹ từng cam kết rằng NATO sẽ không đi xa hơn biên giới nước Đức sau Chiến tranh lạnh. Nhưng thực tế hiện nay một nửa Trung và Đông Âu đã trở thành thành viên của NATO.

Không dừng lại ở đó, dự kiến tại hội nghị thượng đỉnh NATO, Washington sẽ đưa ra kiến nghị kết nạp thêm các thành viên mới ở cả châu Á- Thái Bình Dương, mà trước tiên là Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

N.MINH
(Theo Wikipedia, Reuters, AFP, WeeklyStandard)

(Xem tiếp kỳ 2)

N.MINH (Theo Wikipedia, Reuters, AFP, WeeklyStandard)

Chia sẻ bài viết