12/11/2015 - 21:36

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ):

“Giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam - Nhật Bản năm 2015” tại Cần Thơ sẽ thể hiện dấu ấn văn hóa và tạo cơ hội hợp tác phát triển kinh tế

 

Từ ngày 19 đến 21-11-2015, tại công viên Lưu Hữu Phước, TP Cần Thơ sẽ diễn ra Chương trình "Giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam - Nhật Bản năm 2015". Đây là sự kiện quan trọng không chỉ đẩy mạnh giao lưu, tìm hiểu văn hóa của Việt Nam – Nhật Bản mà còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp vùng ĐBSCL thu hút đầu tư từ Nhật Bản và các quốc gia khác. Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ – đơn vị tổ chức sự kiện – cho biết thêm chi tiết:

- Chương trình "Giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam - Nhật Bản" đã được tổ chức nhiều lần tại Hà Hội, TP Hồ Chí Minh, nhưng đây là lần đầu tiên được tổ chức tại ĐBSCL. Chương trình do UBND TP Cần Thơ chủ trì; VCCI Cần Thơ phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh và Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ cùng các đơn vị liên quan tổ chức. Đây là một sự kiện quan trọng và mang nhiều ý nghĩa.

Nhật Bản - một trong những quốc gia phát triển nhất Châu Á, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam hơn 40 năm và cũng là đơn vị tài trợ vốn ODA nhiều nhất cho Việt Nam. Hiện Nhật Bản có nhiều chương trình hợp tác sâu rộng với Việt Nam về văn hóa, kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, thời gian qua, có rất ít doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác đầu tư tại ĐBSCL. Nguyên nhân chính là những ngành đầu tư của Nhật trước đây chủ yếu thuộc công nghiệp chế tạo trong khi ĐBSCL là vùng lợi thế về nông nghiệp. Trong những năm gần đây, hợp tác giữa hai nước đã chuyển hướng, và Việt Nam đã xây dựng 6 chương trình hợp tác chiến lược với Nhật Bản, trong đó có hợp tác nông nghiệp – chế biến thủy hải sản, là thế mạnh của vùng. Cùng đó, với nhu cầu đầu tư nông nghiệp ra bên ngoài, Việt Nam được phía Nhật chọn là điểm đến nên sự đầu tư của doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản sẽ gia tăng trong thời gian tới. Chương trình "Giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam - Nhật Bản năm 2015" tổ chức tại Cần Thơ là điều kiện để hai bên tìm hiểu về văn hóa, xã hội, con người, vùng đất và các sản phẩm thương mại. Từ đó, tiến đến đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế.

 Ông cho biết Cần Thơ đã chuẩn bị gì cho những hoạt động cụ thể của chương trình?

- Để tổ chức sự kiện này, VCCI Cần Thơ đã lên kế hoạch từ năm 2014 và đến thời điểm này, với sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị phối hợp, việc tổ chức những nội dung hoạt động của chương trình "Giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam - Nhật Bản năm 2015" đã cơ bản hoàn thành.

 Sinh viên trải nghiệm bản sắc văn hóa Nhật Bản trong Ngày hội Nhật Bản tại Trường Đại học Cần Thơ vào tháng 3-2015.
Ảnh: DUY KHÔI

Tham gia chương trình năm nay có 70 gian hàng trưng bày thuộc nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, du lịch - nhà hàng – khách sạn, tư vấn - thương mại - dịch vụ, thực phẩm - ẩm thực, tiêu dùng, may mặc, văn hóa - giáo dục - du học, việc làm… Hiện đã có 25 doanh nghiệp của Nhật Bản đăng ký tham gia gian hàng, còn lại là các doanh nghiệp trong nước có liên doanh với Nhật Bản hoặc kinh doanh các sản phẩm của Nhật Bản...

Đặc biệt, tình đoàn kết hữu nghị của hai dân tộc sẽ được thắt chặt qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, như chiếu phim Nhật Bản, biểu diễn giao lưu văn hóa trà đạo Việt Nam - Nhật Bản, biểu diễn võ thuật Aikido, Katori Shinto-ryu; biểu diễn thời trang Kimono và thời trang Nam bộ, giao lưu văn nghệ Việt Nam - Nhật Bản... Các hoạt động này có sự tham gia của Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản ở TP Hồ Chí Minh, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, cùng 75 nghệ sĩ, diễn viên Nhật Bản – Việt Nam đến từ TP Hồ Chí Minh. Phía Cần Thơ sẽ có chương trình văn nghệ chào mừng riêng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phụ trách.

Chương trình giao lưu không chỉ giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và những nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản, mà còn là dịp để các doanh nghiệp và các quốc gia khác hiểu thêm về văn hóa, đất và người vùng sông nước Tây Nam bộ để xem xét các tiềm năng đầu tư, hợp tác về thương mại.

Tại sự kiện, VCCI và các Trung tâm xúc tiến đầu tư 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức "Hội nghị đầu tư vào ĐBSCL thường niên lần thứ 3" với chủ đề "Kinh tế ĐBSCL sau năm 2015 - Tương lai kinh doanh và đầu tư ngành chế biến thực phẩm" vào ngày 20-11 tại khách sạn Mường Thanh Cần Thơ.

 "Hội nghị đầu tư vào ĐBSCL thường niên lần thứ 3" có điểm gì mới và ông đánh giá sự kiện này sẽ tác động thế nào đến sự hợp tác đầu tư của Nhật Bản vào ĐBSCL trong tương lai?

- Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức tại ĐBSCL, dự kiến có khoảng 250 đại biểu, trong đó một nửa là đại diện các công ty tư vấn đầu tư quốc tế; tổ chức xúc tiến quốc tế tại Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp các nước; các đoàn doanh nhân đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Đức, Thụy Sĩ, và một số quốc gia khác ở châu Âu, châu Á đang quan tâm và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ĐBSCL. Hội nghị giới thiệu 62 dự án mời gọi đầu tư với tổng số vốn trên 4 tỉ USD, chủ yếu nhắm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ các nước.

Hai lần trước, hội nghị chủ yếu giới thiệu tổng quan về ĐBSCL đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước để kêu gọi đầu tư. Lần này, hội nghị sẽ đi sâu vào việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác, đầu tư ở các dự án cụ thể. Ngoài các báo cáo chuyên đề, hội nghị sẽ dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận giữa các doanh nghiệp với các công ty tư vấn, các tổ chức xúc tiến… để tìm hiểu kỹ hơn về tiềm năng, lợi thế cũng như những rủi ro khi đầu tư vào ĐBSCL. Đặc biệt, có một đơn vị tư vấn nước ngoài đã cung cấp tài liệu tổng quan nghiên cứu về những lợi thế khi đầu tư vào ĐBSCL, góp phần cung cấp thêm cái nhìn khách quan cho các nhà đầu tư. Sẽ có chương trình kết nối giao thương giữa nhà đầu tư và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL được tổ chức vào buổi chiều cùng ngày. Chúng tôi tin rằng các sự kiện sẽ thiết lập mối quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chính quyền địa phương; đồng thời, giúp các nhà đầu tư có thêm thông tin về các chủ trương- chính sách xúc tiến thương mại, du lịch của từng tỉnh thành, bên cạnh các dự án kêu gọi đầu tư tại hội nghị.

Chương trình "Giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam - Nhật Bản năm 2015" và "Hội nghị đầu tư vào ĐBSCL thường niên lần thứ 3" có tác động bổ trợ cho nhau, cùng hướng tới mục tiêu giao lưu văn hóa, thắt chặt tình hữu nghị và tăng cường hợp tác phát triển kinh tế.

 Xin cảm ơn ông!

CÁT ĐẰNG (Thực hiện)

Lễ khai mạc chương trình “Giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam - Nhật Bản năm 2015” sẽ diễn ra lúc 19 giờ ngày 19-11 tại sân khấu chính công viên Lưu Hữu Phước và được truyền hình trực tiếp trên Đài PTTH TP Cần Thơ.
Các hoạt động chính diễn ra trong sự kiện bao gồm:
 Ngày 19-11-2015
 + 8 giờ 30 – 19 giờ: Triển lãm gian hàng giới thiệu văn hóa, nghệ thuật, thương mại Việt Nam – Nhật Bản.
 + 19 giờ – 20 giờ: Lễ khai mạc.
+ 20 giờ – 21 giờ: Chương trình chiếu phim Nhật Bản và giao lưu văn hóa Việt – Nhật (sân khấu chính Công viên Lưu Hữu Phước).
 Ngày 20-11-2015
 + 8 giờ 30 – 12 giờ: Triển lãm gian hàng giới thiệu văn hóa, nghệ thuật, thương mại Việt Nam – Nhật Bản.
+ 14 giờ – 17 giờ: Biểu diễn giao lưu văn hóa trà đạo Việt Nam – Nhật Bản (Truyền hình trực tiếp trên Đài PTTH TP Cần Thơ).
 + 18 giờ – 20 giờ: Thi giao lưu tiếng hát Việt  – Nhật.
 + 20 giờ – 21 giờ: Biểu diễn võ thuật: Aikido, Katori Shinto-ryu; biểu diễn thời trang Kimono và thời trang Nam Bộ.
 Ngày 21-11-2015
+ 8 giờ 30 – 11 giờ: Triển lãm gian hàng giới thiệu văn hóa, nghệ thuật, thương mại Việt Nam – Nhật Bản.
 + 10 giờ – 11 giờ: Lễ bế mạc.

Chia sẻ bài viết