10/08/2013 - 19:57

Xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long – Thực trạng và những vấn đề đặt ra

TS. Lê Hanh Thông
Tạp chí Khoa học chính trị, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II

TCCSĐT- Là vùng kinh tế trọng điểm với nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp nhưng nông dân, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn không ít khó khăn. Chiến lược xây dựng nông thôn mới là cơ hội tốt để mọi miền trong cả nước phấn đấu làm thay đổi đời sống nông dân và bộ mặt nông thôn. Để Đồng bằng sông Cửu Long theo kịp cả nước, việc nhìn nhận đúng thực trạng và đưa ra các giải pháp thích hợp là cần thiết.

Về tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Theo tinh thần Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009, nông thôn mới (NTM) sẽ là những vùng nông thôn với các đặc trưng tiêu biểu làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; sản xuất phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển; xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lý dân chủ.

Mặc dù Bộ tiêu chí quốc gia về NTM có quy định chuẩn để làm cơ sở đánh giá các tiêu chí cho từng khu vực, địa phương khác nhau, nhưng khi vận dụng vào thực tiễn cho thấy muốn thực hiện đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí là thật sự khó khăn, hoặc nếu đạt được phải phấn đấu trong quá trình lâu dài. Chẳng hạn, tiêu chí về giao thông phải 100% đường trục xã, liên xã (trên tất cả các vùng) được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ giao thông vận tải; tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt chỉ tiêu 100% tại tất cả các vùng.... Các tiêu chí này sẽ càng khó thực hiện hơn với các vùng thường gặp bão lụt, vùng sâu, vùng xa như miền Trung, miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên…

Theo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, trong 19 tiêu chí có 7 tiêu chí là không phù hợp với thực tế theo lộ trình như thu nhập, cơ cấu lao động, nhà ở dân cư, hệ thống thủy lợi, chợ nông thôn, môi trường và hợp tác tự quản(1). Ông cho rằng, những tiêu chí đó có thể là định hướng cho sự phát triển khi thực hiện cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Qua kết quả thí điểm ở 11 xã trong cả nước do Trung ương lựa chọn cho thấy, với 19 tiêu chí xây dựng NTM dù đã được cụ thể hóa ở từng loại hình khu vực, song có tiêu chí để thực hiện được phải đầu tư rất lớn như giao thông, thủy lợi ở Tây Nam Bộ, vùng Tây Nguyên; có những tiêu chí chưa cần thực hiện ngay như xây dựng câu lạc bộ, nhà văn hóa cộng đồng ở các xã vùng sâu, vùng xa khi kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh; có tiêu chí để thực hiện được phải trong quá trình chuyển đổi kinh tế lâu dài như cơ cấu lao động…

Vì vậy, xây dựng NTM theo các tiêu chí như Bộ tiêu chí quốc gia đề ra cho tất cả các vùng, khu vực trong cả nước trong điều kiện cụ thể ở nông thôn nước ta hiện nay là điều thực sự khó khăn.

Những vấn đề đặt ra trong xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long

Sau 5 năm thực hiện, phong trào xây dựng NTM ở cả nước nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng cho thấy, về cơ bản chương trình xây dựng NTM đã được khởi động và đạt được những kết quả tương đối khả quan. Song, để chương trình tiếp tục thực hiện và đạt kết quả tốt hơn, còn nhiều vấn đề đặt ra cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp, đặc biệt đối với các vùng nông thôn như ĐBSCL. Cụ thể:

Thứ nhất, do điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên việc hoàn thành các tiêu chí ở từng địa phương, khu vực cũng ở các mức độ khác nhau. Điển hình là xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, tính đến năm 2010 đã hoàn thành 13 tiêu chí, dự kiến đến năm 2013 đạt đủ 19 tiêu chí để trở thành xã NTM. Bên cạnh đó, còn rất nhiều xã gặp không ít khó khăn khi thực hiện, điều này xảy ra ngay cả ở xã đang có chiều hướng phát triển tốt như xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, là xã được tỉnh công nhận đạt được 13 tiêu chí giai đoạn 2006 - 2010, nhưng đang gặp không ít khó khăn khi chưa có đường ô-tô liên xã, khi còn 201km bờ kênh, mương rất khó trong việc thực hiện kiên cố hóa. Ở các tỉnh ĐBSCL có rất nhiều xã mang tính đặc thù nhiều kênh, mương, sông nước kéo dài, chằng chịt như ở xã Vĩnh Viễn. Thực tế cho thấy, kinh tế ở ĐBSCL chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nên giao thông và thủy lợi là 2 yếu tố quan trọng hàng đầu, vì vậy để hoàn thành tiêu chí kết cấu hạ tầng với các xã là một việc rất khó khăn.

Một tiêu chí khác cũng có thể gây nhiều trở ngại cho khu vực này trong quá trình thực hiện, đó là việc chuyển đổi cơ cấu lao động. Là vùng thuần nông, lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, do đó đòi hỏi cơ cấu lao động có độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp chỉ còn 35% theo Bộ tiêu chí không phải là việc dễ dàng, khi công nghiệp trong vùng chưa thật sự phát triển.

Ngoài ra, các tiêu chí trong nhóm thứ tư về văn hóa - môi trường - xã hội cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Với các địa phương như Sóc Trăng, Cà Mau hay một số các huyện vùng sâu, vùng xa… việc mở trường, đi lại học tập của học sinh; khám, chữa bệnh của dân cũng là một thách thức. Vì vậy, đối với các địa phương này, để đạt chuẩn các tiêu chí về văn hóa, giáo dục, y tế phải có sự đầu tư rất lớn.

Thứ hai, về kinh phí đầu tư. Chỉ riêng việc đầu tư cho 11 xã điểm (xã thấp nhất là 10 tỉ, xã cao nhất 50 tỉ), Nhà nước đã phải bỏ ra mấy trăm tỉ đồng. Nếu tiến hành rộng khắp trong cả nước với số lượng khoảng 10.000 xã, số ngân sách đầu tư sẽ là con số hết sức lớn, chưa kể nguồn đóng góp huy động từ dân và địa phương. Mặc dù vậy, đối với các tỉnh ĐBSCL, theo chúng tôi với mức đầu tư như trên là chưa đủ. Do đó, đầu tư như thế nào có hiệu quả, vừa bảo đảm việc thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, vừa hỗ trợ được các vùng, các địa phương đang gặp khó khăn vượt lên là yêu cầu cơ bản của quá trình này.

Thứ ba, việc xây dựng NTM là cần thiết, nhưng phải được tiến hành có trọng điểm và trong một quá trình lâu dài. Vì vậy, đối với các tỉnh ĐBSCL để thực hiện có hiệu quả, trước hết nên tập trung vào các tiêu chí là yêu cầu cấp bách cần giải quyết đối với các vùng nông thôn, như hạ tầng kinh tế - xã hội gồm giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở văn hóa… trong đó giao thông, thủy lợi giữ vị trí quan trọng hàng đầu. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là yêu cầu cơ bản đầu tiên để phát triển kinh tế, trình độ dân trí, mức sống về vật chất, văn hóa tinh thần ở các vùng nông thôn. Đường giao thông tốt sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật công nghệ về nông thôn, thúc đẩy phát triển nhanh về kinh tế, tiếp cận nhanh khoa học - kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội giữa các vùng, miền trong khu vực và cả nước. Đây là yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với các tỉnh ĐBSCL. Nhìn lại thực trạng về đường giao thông nông thôn ở ĐBSCL hiện nay, mặc dù đã có sự thay đổi lớn, song cũng còn không ít địa phương đi lại vẫn còn hết sức khó khăn. Do đường sá giao thông không bảo đảm nên nhiều trẻ em không đến được trường, nhiều người bệnh nặng không được kịp thời cứu chữa; ở các vùng hằng năm thường xảy ra lũ lụt đường sạt lở nhiều tai nạn đã xảy ra, hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng không đến được tay người dân…

Để phát triển mạnh nghề trồng lúa nước, thủy lợi chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Với các tỉnh ĐBSCL, do lượng mưa kéo dài hằng năm, không thể áp dụng như hệ thống thủy lợi phía Bắc, nơi có điều kiện tự nhiên ổn định hơn. Nên việc tập trung đầu tư cho công trình thủy lợi ở các vùng nông thôn nói chung, đặc biệt các vùng xung yếu là vấn đề cần được chú trọng trong tiến trình xây dựng NTM.

Vấn đề chuyển đổi cơ cấu lao động ở các vùng nông thôn cũng là tiêu chí khó nhưng cần phải thực hiện trong xây dựng NTM. Chuyển đổi cơ cấu lao động giữa nông nghiệp và công nghiệp là sự chuyển đổi tất yếu diễn ra trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH). Để thực hiện tiêu chí này đòi hỏi hai vấn đề phải được tiến hành song song đó là đào tạo nghề và chuyển đổi cơ cấu ngành sản xuất. Đẩy mạnh đào tạo nghề để có số lượng lao động kỹ thuật tăng, bổ sung cho công nghiệp; chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp thông qua CNH, HĐH nông nghiệp, mở ra nhiều dịch vụ, ngành nghề trong nông nghiệp. Đó là yêu cầu đặt ra để thực hiện chuyển đổi cơ cấu lao động trong quá trình CNH, HĐH đất nước hiện nay. Muốn thực hiện được đòi hỏi phải đầu tư lớn, dựa trên thế mạnh phát triển nông nghiệp, tận dụng mọi khả năng để phát triển công nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm chế biến nông sản. Đây là một quá trình phát triển lâu dài cùng với sự phát triển của CNH, HĐH.

Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở và nông dân trong xây dựng nông thôn mới

Để chương trình xây dựng NTM thực hiện đạt kết quả, vai trò của hệ thống chính trị (HTCT) cơ sở và của người dân hết sức quan trọng. Đây không chỉ là lực lượng trực tiếp tham gia vào chương trình, mà điều quan trọng hơn là HTCT cơ sở cũng như những người dân phải cùng chung tay, góp sức phát huy hết năng lực của địa phương và của từng gia đình góp phần hoàn thành sự nghiệp xây dựng NTM.

Thực tiễn qua tổng kết thí điểm ở 11 xã cấp quốc gia, nhìn chung các xã tham gia đều đạt được những kết quả khả quan. Những kết quả đó không chỉ là sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ từ Nhà nước mà còn là sự phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ của hệ thống đảng, chính quyền, các tổ chức quần chúng ở cơ sở, sự đóng góp sức lực, tiền của của dân. Các tổ chức đảng, chính quyền ở cơ sở đã phát huy sức mạnh của tổ chức thông qua việc tuyên truyền, vận động, tổ chức cho dân thực hiện cùng chung tay xây dựng NMT. Với các hộ nông dân, thông qua vận động, tuyên truyền của địa phương, nhiều hộ đã tham gia đóng góp tiền của, tài sản vào xây dựng địa phương. Điển hình, ở miền Đông Nam Bộ có gia đình đã đóng góp 200 gốc cao su để làm đường (xã Tân Lập, Đồng Phú, Bình Phước); ở ĐBSCL có nông dân đã tự nguyện hiến đất để chính quyền đầu tư xây dựng hai nhà máy nước với tổng trị giá 9,3 tỉ đồng (xã Vị Thanh, Vị Thủy, Hậu Giang).

Để phát huy hơn nữa vai trò của HTCT cơ sở và nông dân trong chương trình xây dựng NTM, từ kinh nghiệm chung của các xã điểm, với các xã vùng ĐBSCL cần chú trọng đến một số yêu cầu:

1. Trong xây dựng quy hoạch phải xuất phát từ thực tế của địa phương. Đây là khâu mở đầu song cũng là khâu khó nhất đối với các địa phương khi thực hiện chương trình. Có những địa phương đã hết sức lúng túng khi xây dựng quy hoạch, có địa phương do lập quy hoạch không sát với thực tế nên khi thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chỉ trên cơ sở xây dựng quy hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể, thế mạnh của địa phương, xác định đúng những công việc cần thực hiện, việc xây dựng địa phương vững mạnh, theo định hướng NTM thì mới đạt kết quả tốt. Do đó, vai trò của HTCT cơ sở trong xây dựng NTM không chỉ là việc tuyên truyền, vận động, mà điều quan trọng là phải lập quy hoạch cho sát hợp và tổ chức cho dân thực hiện. Quy hoạch sát hợp ở đây không chỉ là sự phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, mà còn ở việc bố trí, sắp xếp đúng đắn, có trọng điểm trong quá trình thực hiện. Đối với các xã vùng ĐBSCL, yêu cầu này hết sức quan trọng khi điều kiện kinh tế của dân và địa phương đều gặp khó khăn.

2. Cần có một đội ngũ cán bộ cơ sở mạnh. Đối với ĐBSCL, hiện nay một số địa phương đang lâm vào tình trạng thiếu cán bộ, năng lực cán bộ yếu, chưa đáp ứng với yêu cầu công việc chung, đặc biệt các vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, để có một đội ngũ cán bộ mạnh, đủ năng lực thực hiện chương trình xây dựng NTM, cần tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ cấp cơ sở ở nông thôn những nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cho họ thấy rõ những yêu cầu trong xây dựng NTM.

3. Nâng cao nhận thức của dân, cho dân thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình trong xây dựng NTM bằng đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Quá trình tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân cần chú ý chỉ cho dân thấy rõ lợi ích khi tham gia vào công việc chung. Thực tiễn, việc vận động dân tham gia đóng góp là việc không dễ dàng khi đời sống của dân nói chung còn hết sức khó khăn. Nhưng khi thấy rõ việc làm đem lại lợi ích cho mình họ sẵn sàng đóng góp tiền bạc, đất đai, tài sản để xây dựng địa phương. Bằng kết quả thực tế, từng bước cho dân thấy lợi ích từ những nội dung xây dựng NTM, trên cơ sở đó tiếp tục động viên, khích lệ quần chúng ủng hộ tích cực hơn. Bài học kinh nghiệm của nhiều địa phương đã đúc kết, khi hướng dẫn dân làm không đem lại lợi ích thiết thực cho dân, dân không tin, không thực hiện.

Đối với ĐBSCL, nông thôn là địa bàn quan trọng không chỉ bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong khu vực, mà còn sự tác động ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của cả nước. Vì vậy, xây dựng các vùng nông thôn ĐBSCL phát triển vững mạnh là yêu cầu quan trọng cấp thiết hiện nay. Nhưng để đáp ứng được yêu cầu này Đảng và Nhà nước cần có những chính sách quan tâm thích đáng, mau chóng đưa nông thôn ĐBSCL phát triển thành những vùng nông thôn mới.


(1) Lê Thiết Hùng - Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng và nhân dân ta - QĐND ngày 14-02-2011 (Internet).

 

Chia sẻ bài viết