14/09/2021 - 06:44

Vì sao đảo chính tái diễn ở châu Phi? 

Chỉ trong hơn một năm, khu vực Tây Phi đã chứng kiến 3 cuộc đảo chính thành công (2 ở Mali và 1 ở Guinea), 1 âm mưu đảo chính bất thành ở Niger và 1 cuộc chuyển giao quyền lực ở Chad sau vụ ám sát Tổng thống Idriss Deby. Những cuộc tranh giành quyền lực này đe dọa làm đảo ngược quá trình dân chủ hóa mà châu Phi đã gầy dựng trong 2 thập kỷ qua, cũng như làm dấy lên lo ngại về sự trở lại của kỷ nguyên đảo chính.

Người dân xuống đường ăn mừng sau cuộc đảo chính thành công tại Guinea hồi đầu tháng 9. Ảnh: CNN

Người dân xuống đường ăn mừng sau cuộc đảo chính thành công tại Guinea hồi đầu tháng 9. Ảnh: CNN

Theo một nghiên cứu, khu vực châu Phi cận Sahara đã trải qua 80 cuộc đảo chính thành công và 108 cuộc đảo chính bất thành trong giai đoạn 1956-2001, tức trung bình 4 cuộc/năm. Con số này đã giảm một nửa trong giai đoạn 2002-2019 khi mà hầu hết các quốc gia châu Phi chuyển sang chế độ dân chủ. Nhưng vì sao những cuộc đảo chính một lần nữa lại trỗi dậy tại lục địa đen?

Một vấn đề, nhiều thập kỷ

Trong những thập kỷ đầu thời hậu thuộc địa khi các cuộc đảo chính tràn lan, thủ lĩnh các cuộc đảo chính ở châu Phi hầu như có cùng lý lo để lật đổ chính phủ, như tham nhũng, quản lý kém và nghèo đói. Đại tá Mamady Doumbouya, thủ lĩnh cuộc đảo chính mới đây tại Guinea, đã lặp lại những lời biện minh này, cho rằng “nghèo đói và vấn nạn tham nhũng phổ biến” là lý do để lật đổ Tổng thống 83 tuổi Alpha Conde. Còn hồi năm ngoái, thủ lĩnh cuộc đảo chính ở nước láng giềng Mali thì khẳng định “hành vi trộm cắp” và “quản lý yếu kém” đã thúc đẩy họ hành động. Cũng với lý do tương tự mà các tướng lĩnh của Sudan và Zimbabwe đã phát động các cuộc đảo chính lật đổ ông Omar al-Bashir hồi năm 2019 và ông Robert Mugabe hồi năm 2017.

Thật ra, lời biện minh của giới thủ lĩnh các cuộc đảo chính không phải là không có cơ sở. Khảo sát trên 19 quốc gia châu Phi của mạng lưới nghiên cứu phi đảng phái Afrobarometer cho thấy, 60% số người được hỏi nói rằng tình trạng tham nhũng đang gia tăng ở đất nước họ, trong khi 66% cho biết chính phủ rất mềm yếu trong  chống tham nhũng. Ngoài ra, 72% người tin rằng dân thường “có nguy cơ bị trả thù hoặc nhận hậu quả” nếu họ tố giác nạn tham nhũng lên chính quyền, khiến nhiều người nghĩ các thể chế nhà nước không chỉ tham gia mà còn tích cực bảo vệ vấn nạn tham nhũng.

Không chỉ tham nhũng là “thủ phạm” gây ra các cuộc đảo chính mà nghèo đói cũng được xem là “đồng phạm”. Cứ 3 người thì có một người thất nghiệp ở Nigeria, nền kinh tế lớn nhất Tây Phi. Nam Phi, quốc gia công nghiệp hóa nhất và là nền dân chủ hàng đầu của châu Phi, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trong khi đó, một ước tính cho thấy, số người cực kỳ nghèo ở vùng châu Phi cận Sahara đã vượt qua mốc 500 triệu, chiếm một nửa dân số châu lục.

Mặt khác, chính bản thân các nhà lãnh đạo, chẳng hạn như ông Conde ở Guinea, cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới các cuộc đảo chính. Tổng thống Conde hồi năm 2020 đã cho sửa đổi hiến pháp để tiếp tục ứng cử và cầm quyền nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp - thông lệ phổ biến của một số nhà lãnh đạo trên lục địa đen.

Đe dọa lợi ích dân chủ

Một điều rõ ràng rằng những cuộc đảo chính đều đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích dân chủ mà các nước châu Phi đã đạt được trong những thập kỷ gần đây. Đáng lo ngại khi mà nghiên cứu cho thấy nhiều người châu Phi ngày càng không còn tin rằng các cuộc bầu cử có thể chọn ra những nhà lãnh đạo xứng đáng. Các cuộc khảo sát được thực hiện trên 19 quốc gia châu Phi giai đoạn 2019-2020 cho thấy, chỉ 42% số người được hỏi tin rằng các cuộc bầu cử được tổ chức nhằm “cho phép cử tri loại bỏ các nhà lãnh đạo không xứng đáng”. Nói cách khác, chưa đến một nửa số người tham gia khảo sát tin rằng các cuộc bầu cử đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình - những thành phần quan trọng tạo nên một nền dân chủ.

TRÍ VĂN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết