07/02/2009 - 07:43

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa X

Về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng

(TTXVN)- Ngày 2-2-2009, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa X (số 31-NQ/TW) về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng. Báo Cần Thơ trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết này:

I - Tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X trong nửa đầu nhiệm kỳ (2006 - 2008)

Từ sau Đại hội X của Đảng, tình hình thế giới và khu vực thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp. Cách mạng khoa học - công nghệ và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ; hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố quốc tế, bất ổn chính trị - xã hội, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa một số nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trở thành những vấn đề nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu. Từ cuối năm 2007, nền kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng tài chính nặng nề, lan rộng ra nhiều nước, gây ra suy thoái kinh tế thế giới. Ở trong nước, sau 2 năm 2006, 2007 phát triển thuận lợi, từ cuối năm 2007 và năm 2008 kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mất cân đối, đầu năm lạm phát cao, cuối năm suy giảm kinh tế; thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra; các thế lực thù địch tiếp tục chống phá và can thiệp vào công việc nội bộ nước ta, kích động bạo loạn, lật đổ và đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến” trong nội bộ ta. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đoàn kết, tích cực quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội X đạt được những thành tựu quan trọng.

1- Kinh tế cơ bản ổn định và duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao; năng lực sản xuất và quy mô tổng sản phẩm trong nước tăng lên, kết cấu hạ tầng tiếp tục được cải thiện. Huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt cao. Các thành phần kinh tế đều có bước phát triển. Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, kiện toàn các tổng công ty, thí điểm thành lập một số tập đoàn kinh tế nhà nước ở các lĩnh vực then chốt, từng bước nâng cao hiệu quả, là công cụ quan trọng của Nhà nước điều tiết nền kinh tế, củng cố một bước vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế nhiều thành phần. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Giáo dục - đào tạo được quan tâm nhiều hơn và đạt được một số tiến bộ. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ có đóng góp ngày càng tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, mức độ hưởng thụ các dịch vụ y tế của người dân tăng lên. Văn hóa, thông tin, thể thao tiếp tục phát triển. Giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách đối với người có công với nước và các chính sách an sinh xã hội đạt kết quả tích cực. Công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường được chú trọng nhiều hơn, bước đầu đạt được một số kết quả.

Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được phát huy; thế trận lòng dân được củng cố; hoàn thành phân giới, cắm mốc biên giới trên bộ với Trung Quốc. Xây dựng lực lượng vũ trang được đẩy mạnh và đạt được kết quả tích cực. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển; vị thế, uy tín nước ta trên thế giới được nâng cao.

Công tác xây dựng Đảng được tập trung chỉ đạo, đạt được những chuyển biến tích cực. Việc quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa, triển khai thực hiện nghị quyết có đổi mới. Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí, hoạt động văn hóa, văn nghệ tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được một số kết quả. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tạo được những chuyển biến quan trọng về nhận thức, ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống và bước đầu “làm theo” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Lòng tin của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và triển vọng phát triển đất nước được giữ vững, tư tưởng tích cực vẫn là xu hướng chủ đạo trong đời sống xã hội. Công tác tổ chức, cán bộ được triển khai tương đối đồng bộ, mang lại một số kết quả tích cực. Các cơ quan của Đảng, Nhà nước được sắp xếp lại, thu gọn đầu mối; công tác cán bộ có đổi mới trên một số mặt, đã thể chế hóa, cụ thể hóa nhiều chủ trương, giải pháp về cán bộ và công tác cán bộ; quy hoạch và luân chuyển cán bộ được tăng cường. Việc nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị được coi trọng, đạt được một số kết quả. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng được tăng cường, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của các tổ chức đảng, đảng viên, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh; tổ chức bộ máy và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp tiếp tục đổi mới, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Cải cách hành chính tiếp tục được thực hiện trên các lĩnh vực. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tích cực triển khai thực hiện, đạt được một số kết quả bước đầu. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được đẩy mạnh, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được bảo đảm tốt hơn. Các chính sách xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được triển khai rộng rãi, có kết quả. Công tác dân vận được coi trọng. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, chú trọng hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tổ chức được nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả.

Nhìn một cách tổng quát, trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, Nghị quyết Đại hội X đã được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được đẩy mạnh, có chuyển biến tích cực. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố, phát huy. Sự nghiệp đổi mới tiếp tục được đẩy mạnh trên mọi lĩnh vực; nền kinh tế cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao, an sinh xã hội được chăm lo nhiều hơn. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, thế và lực, uy tín quốc tế của đất nước được nâng lên. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị - xã hội được giữ vững. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Đã đạt hoặc gần đạt được nhiều chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.

2- Tuy nhiên, những kết quả đạt được còn thấp so với khả năng, tiềm lực của đất nước. Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc, còn tiềm ẩn các yếu tố mất ổn định. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, chậm cải thiện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Huy động và sử dụng các nguồn nội lực và ngoại lực vào phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, hiệu quả còn thấp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 chậm lại. Chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực. Đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh nhưng cơ cấu đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu, còn ít các dự án có công nghệ tiên tiến. Những yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường chậm được tăng cường. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý, điều hành nền kinh tế có lúc còn lúng túng, bị động.

Giáo dục - đào tạo còn nhiều hạn chế, có mặt yếu kém kéo dài, gây bức xúc xã hội nhưng chậm được khắc phục. Đầu tư cho khoa học - công nghệ còn thấp, đổi mới cơ chế, chính sách quản lý và phát triển khoa học - công nghệ còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu phát triển đất nước. Chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là ở cơ sở còn thấp; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn bị coi nhẹ. Sự phát triển và chất lượng các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao còn nhiều mặt yếu kém kéo dài. Chính sách tiền lương, thu nhập chưa hợp lý, chậm được sửa đổi; quản lý nhà nước về lao động còn lỏng lẻo; chấp hành luật pháp về lao động của một số chủ doanh nghiệp chưa nghiêm; cuộc sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, mức sống của một bộ phận nhân dân bị giảm sút. Một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết. Quản lý tài nguyên, môi trường lỏng lẻo; tình trạng khai thác tài nguyên và cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến, một số trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới còn hạn chế. Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng và an ninh có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Công tác bảo vệ an ninh trên một số lĩnh vực còn sơ hở, tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về đối ngoại còn hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Sự phối hợp hoạt động đối ngoại trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh có lúc, có nơi chưa nhịp nhàng, đồng bộ.

Trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X, các vấn đề văn hóa, giáo dục - đào tạo chưa được quan tâm đúng mức. Việc cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết trên một số lĩnh vực còn chậm, nên một số nghị quyết chậm đi vào cuộc sống. Công tác tư tưởng còn thiếu sắc bén, thiếu sức thuyết phục, chưa nắm chắc tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những việc mới phát sinh để kịp thời xử lý. Chỉ đạo, quản lý và hoạt động của báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ còn nhiều hạn chế, yếu kém, việc khắc phục còn chậm. Một số mặt tiêu cực về tư tưởng có biểu hiện phức tạp và nghiêm trọng hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị - xã hội. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng trong xã hội; sự yếu kém, làm chưa hết trách nhiệm trong quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, trên nhiều lĩnh vực... làm tăng thêm bức xúc trong nhân dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy vừa qua giảm được đầu mối nhưng chưa đạt mục tiêu tinh gọn, hiệu quả. Nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, chính sách cán bộ chậm được khắc phục. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở còn nhiều mặt yếu, thậm chí một số tổ chức cơ sở đảng mất sức chiến đấu, không thể hiện được vai trò lãnh đạo. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng chưa theo kịp yêu cầu của thời kỳ mới. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng trên một số mặt còn hạn chế, thiếu sót. Tình hình vi phạm Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước còn diễn ra ở nhiều nơi. Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt còn lúng túng. Kết quả cải cách hành chính, cải cách tư pháp đạt được còn hạn chế. Nhiều nội dung trong chính sách xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được thực hiện đầy đủ. Công tác dân vận, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đổi mới chậm. Một số chỉ tiêu quan trọng của Đại hội đạt được còn thấp, đòi hỏi trong thời gian tới phải có sự nỗ lực phấn đấu rất cao mới có thể hoàn thành được.

Nguyên nhân của những mặt hạn chế, yếu kém nói trên có phần do tác động khách quan của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế trên thế giới, tình hình thiên tai, dịch bệnh... Đồng thời do công tác nghiên cứu lý luận chưa giải đáp có căn cứ khoa học về nhiều vấn đề quan trọng do thực tiễn đặt ra; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành một số lĩnh vực chưa tập trung, kiên quyết, dự báo chưa tốt; việc tổ chức thực hiện nghị quyết của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương vẫn là khâu yếu, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm; những yếu kém về phẩm chất, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên chậm được khắc phục...

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết