18/11/2015 - 13:57

Vấn đề an ninh phủ bóng hội nghị APEC

Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã đến Philippines vào hôm 17-11 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra trong 2 ngày 18 và 19-11 ở Thủ đô Manila. Đây là diễn đàn nhằm thúc đẩy thương mại và tăng trưởng toàn bộ khu vực, nhưng giới quan sát cho rằng hội nghị năm nay sẽ bị phủ bóng bởi những mối lo ngại an ninh sau vụ tấn công khủng bố vừa qua tại Pháp và căng thẳng khu vực liên quan tranh chấp ở Biển Đông.

Philippines tăng cường lực lượng an ninh bảo vệ hội nghị APEC. Ảnh: AFP

 

Sau vụ tấn công khủng bố ở Paris, an ninh ở Philippines và cụ thể là tại Thủ đô Manila được nâng lên mức báo động cao với hơn 20.000 cảnh sát và binh sĩ được triển khai trong suốt 4 ngày diễn ra hội nghị. Đại diện các quốc gia tham dự APEC năm nay gồm có lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Úc, New Zealand, Singapore, Đài Loan, Brunei, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Mexico, Papua New Guinea, Chile, Peru, Nga và Việt Nam. Riêng Nga sẽ cử Thủ tướng Dmitry Medvedev thay mặt Tổng thống Vladimir Putin, trong khi Indonesia cử Phó tổng thống đại diện.

Trích dự thảo tuyên bố chung, hãng tin Mỹ AP cho biết các nhà lãnh đạo APEC đồng loạt lên án vụ tấn công khủng bố ở Thủ đô Paris, qua đó yêu cầu cộng đồng quốc tế cần có tiếng nói chung về thảm kịch. "Chúng ta hãy đoàn kết với nhân dân Pháp và tất cả nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố trên thế giới. Bởi khủng bố là hành động đe dọa tầm nhìn của tự do, sự thịnh vượng của nền kinh tế và những giá trị cơ bản mà chúng ta nắm giữ" – AP trích dự thảo báo cáo cho biết.

Theo giới quan chức Nhà Trắng, Tổng thống Obama sẽ tiếp tục tham vấn với các nhà lãnh đạo thế giới về vụ thảm sát chấn động ở Paris bên cạnh những nỗ lực trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Vấn đề này có khả năng làm lu mờ các cuộc đàm phán tăng cường thương mại và đầu tư tại thời điểm nhiều quốc gia tham dự APEC như Indonesia, Malaysia, Singapore và Brunei đang bày tỏ lo ngại công dân của họ đang chiến đấu dưới trướng IS tại Syria và Iraq có thể quay trở về.

Ngoài sự kiện liên quan châu Âu và Trung Đông, Tổng thống Obama và 11 nhà lãnh đạo khác trên thế giới dự kiến ​​sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài ra, Biển Đông dù không nằm trong chương trình nghị sự chính nhưng dự kiến là đề tài "nóng" trong cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Obama và người đồng cấp Philippines Benigno Aquino cùng giới quan chức nhà nước cấp cao khác. Để tăng cường cam kết của Mỹ đối với an ninh hàng hải khu vực, nội dung thảo luận chính được dự đoán bao gồm tranh chấp giữa Manila-Bắc Kinh cùng vấn đề liên quan Hiệp ước Nâng cao hợp tác quốc phòng Mỹ - Philippines (EDCA). Trước đó hôm 17-11, Tổng thống Obama cũng đã đến thăm chiến hạm Gregorio del Pilar của Hải quân Philippine do Mỹ chế tạo mà theo ông là "để nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với an ninh và quyền tự do hàng hải trong khu vực".

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết