05/07/2009 - 08:06

Ước vọng hòa bình!

Jeremy Gilley trò chuyện với giáo viên và học sinh Mỹ ở bang Massachusetts.  

Jeremy Gilley không có thời gian để hoài nghi cuộc sống quanh mình. Thay vào đó, anh thích đồng hành cùng các nhà hoạt động nhân đạo, những yếu nhân chân thành bác ái, và trên hơn hết là trẻ em. Tiếp xúc với chúng, anh như được tiếp thêm sức mạnh để theo đuổi đến cùng ước mơ của mình.

Ước mơ của Gilley không dính dáng gì đến nghệ thuật thứ 7 - mảnh đất đã tạo nên tên tuổi của chàng diễn viên kiêm đạo diễn người Anh này. Ước mơ ấy rất cao xa nhưng cũng rất bình dị: Làm sao cho cả thế giới được tận hưởng - dù chỉ một lần trong năm - một ngày hòa bình, một ngày mà bạo lực chùn chân lại và lòng tin được vun đắp để cuối cùng có thể vươn tới khát vọng hòa bình vĩnh cữu cho toàn nhân loại.

“Tại sao hòa bình chỉ trong một ngày?” Đây là câu hỏi Gilley thường gặp trong hành trình tìm đến các trường học ở hơn 50 quốc gia trên thế giới để vận động cho “Ngày Hòa bình” và chương trình giảng dạy trực tuyến về hòa bình thế giới. Lần này, câu hỏi “không thể tránh khỏi” đó được cất lên từ một học sinh lớp 9 của Trường trung học Match Charter ở Boston (Mỹ). “Các em phải có sự khởi đầu ở đâu đó cũng được”, Gilley mở lời trước gần 100 học sinh ở Match Charter. “Nếu chúng ta có thể có được một ngày hòa bình thì chúng ta cũng có thể có được 2 ngày như thế. Điều tuyệt vời khi tạo được một ngày yên bình là ngày hôm sau sự yên bình ấy sẽ không tan hết thành mây khói...”.

Chán ngấy vòng xoáy bạo lực triền miên trên khắp thế giới, cách đây 10 năm, Gilley quyết định sử dụng sở trường làm phim của mình để nỗ lực làm nên lịch sử “một ngày hòa bình cho thế giới”. Mục tiêu của anh là thuyết phục các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới đồng lòng chọn một ngày trong năm làm “Ngày Hòa bình” bằng hành động ngừng bắn và các hoạt động nhân đạo. Những nỗ lực không mệt mỏi của bản thân được Gilley ghi lại và làm thành bộ phim “The Day After Peace” (tạm dịch Ngày sau Hòa bình) ra mắt năm 2008. Song song đó, anh đã đứng ra thành lập tổ chức phi lợi nhuận Peace One Day (Hòa bình Một ngày) ở Luân Đôn và website www.peaceoneday.org.

Năm 2001, Liên Hiệp Quốc áp dụng sáng kiến của Gilley chọn ngày 21-9 hằng năm là “Ngày Hòa bình Thế giới”. Suốt 20 năm trước, Liên Hiệp Quốc đã công nhận một ngày mang tính biểu trưng như thế mỗi khi khai mạc khóa họp vào mùa thu hằng năm. Nhưng nay, “Ngày Hòa bình” có hẳn một ngày cố định đi kèm theo đó là lời kêu gọi ngừng bắn trên toàn hành tinh. Theo kế hoạch ngày 11-9-2001 tại New York, Liên Hiệp Quốc sẽ công bố nghị quyết chọn ngày 21-9 hằng năm là “Ngày Hòa bình Thế giới”. Thế nhưng vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới đã nhấn chìm niềm vui chưa kịp mừng của Gilley và tổ chức Peace One Day của anh.

Tuy nhiên, tấn thảm kịch chấn động đó càng khiến Gilley quyết tâm hơn trong nỗ lực tạo nên một ngày hòa bình in đậm những hành động thiết thực chứ không phải những lời nói “có cánh”. Cuối cùng, năm 2007, ước nguyện của Gilley cũng thành hiện thực ở một trong những nơi mà không ai nghĩ tiếng súng có thể lặng im - chiến trường Afghanistan. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới đồng ý làm trung gian giúp tổ chức của Gilley tiếp cận tất cả các bên tham chiến nhằm bảo đảm một lệnh ngừng bắn vào ngày 21-9 để các nhân viên cứu trợ có thể chủng ngừa cho trẻ em Afghanistan. Mùa hè năm đó, Gilley cùng với tài tử Jude Law - một trong những người ủng hộ tích cực sáng kiến hòa bình của anh - bay sang Afghanistan kêu gọi sự ủng hộ của các bên. Trở về Luân Đôn, không lâu trước ngày 21-9, Gilley nhận được bản sao lá thư của các thủ lĩnh Taliban, trong đó đồng ý mở một hành lang an toàn cho các đội tiêm ngừa vắc-xin. Kết quả: khoảng 1,4 triệu trẻ em Afghanistan đã được chủng ngừa bại liệt.

“Cuốn phim “The Day After Peace” của Gilley thật hay bởi nó cho thấy những nỗ lực muốn thay đổi thế giới của ông”, Kayla Williams, một học sinh trung học ở Boston nhận xét khi xem phim và tiếp xúc với đạo diễn Gilley cuối tháng 6 vừa qua. “Hiện nay, em đã hiểu biết thêm nhiều về thế giới và nạn diệt chủng vẫn còn diễn ra đâu đó trên hành tinh. Em nghĩ mình có thể góp sức tạo nên “Ngày Hòa bình” bằng cách giúp đỡ những người xung quanh mình”, Williams tâm sự.

THIÊN LAM (Theo Csmonitor)

Chia sẻ bài viết