02/10/2023 - 22:36

Ứng viên thân Trung Quốc đắc cử tổng thống Maldives 

Sau khi đánh bại Tổng thống đương nhiệm Ibrahim Mohamed Solih của đảng Dân chủ Maldives (MDP), lãnh đạo phe đối lập Mohamed Muizzu dự kiến có hơn một tháng chuẩn bị cho lễ tuyên thệ nhậm chức diễn ra vào ngày 17-11.

Tổng thống đắc cử Muizzu trả lời báo giới. Ảnh: Reuters

Ngày 30-9, cử tri quần đảo Maldives đi bỏ phiếu vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống và ứng viên đảng Tiến bộ Maldives (PPM) Mohamed Muizzu đã giành chiến thắng với hơn 53% phiếu bầu. Chấp nhận kết quả, ông Solih trên mạng xã hội Twitter chúc mừng tổng thống đắc cử.

Xuất thân kỹ sư xây dựng từng du học Anh, Tổng thống đắc cử Muizzu hiện là thị trưởng của thủ đô Male. Trước đây, ông giữ chức Bộ trưởng Xây dựng trong chính phủ của cựu Tổng thống Abdulla Yameen.

Cạnh tranh giữa Ấn Ðộ và Trung Quốc

Theo giới chuyên môn, cuộc bầu cử ngày 30-9 được quan sát như một cuộc trưng cầu dân ý về việc Ấn Ðộ hay Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng lớn hơn ở Maldives. Trong đó, việc ông Muizzu bước vào đường đua với tư cách là ứng viên yếu thế hơn nhưng bất ngờ chiến thắng phần lớn phụ thuộc vào chiến dịch chống lại ảnh hưởng kinh tế - chính trị quá lớn của New Delhi. Chuyên gia phân tích chiến lược Brahma Chellaney thậm chí coi sự chuyển dịch ủng hộ ở Male từ New Delhi sang Bắc Kinh là bước lùi ngoại giao quan trọng đối với Ấn Ðộ ngay tại “sân sau của mình”.

Là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Maldives sau thời điểm nước này giành độc lập khỏi Anh năm 1965, Ấn Ðộ trở thành đối tác kinh tế - an ninh truyền thống của Male trong nhiều thập niên. Song, ảnh hưởng của New Delhi cũng thường xuyên bị coi là vấn đề gây bất bình ở đảo quốc có đa số người Hồi giáo. Một trong những vướng mắc được biết đến là quyết định của Ấn Ðộ vào năm 1988, triển khai binh lính tới nước láng giềng để ngăn chặn âm mưu lật đổ chính quyền Maumoon Abdul Gayoom mà họ ủng hộ. Về phần mình, Trung Quốc bắt đầu quan tâm Maldives khi đảo quốc này đóng vai trò mắt xích trọng yếu trong “con đường tơ lụa trên biển” nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi. Trước năm 2011, Trung Quốc thậm chí không có đại sứ quán tại Male. Năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên đến thăm Maldives, mở đường cho loạt dự án đầu tư của Bắc Kinh tại đây.

Việc Maldives quay sang Trung Quốc trong giai đoạn Tổng thống Yameen cầm quyền năm 2013-2018 đặc biệt khiến New Delhi lo ngại. Mối quan hệ ổn định trở lại khi Tổng thống Solih lên nắm quyền từ năm 2018 và theo đuổi chính sách “Ấn Ðộ trên hết”. Tuy nhiên, kết quả bầu cử mới rồi lần nữa đảo lộn nỗ lực của đảng MDP.

Cơ hội và thách thức

Tại cuộc họp trực tuyến với quan chức Trung Quốc năm ngoái, ông Muizzu tuyên bố đảng PPM trở lại nắm quyền sẽ mở rộng mối quan hệ song phương bền chặt. Trong quá trình vận động tranh cử, ông Muizzu đưa ra cương lĩnh “India Out”, chỉ trích chính quyền Tổng thống Solih cho phép Ấn Ðộ hiện diện ở nước này mà không bị kiểm soát, cam kết rút toàn bộ binh sĩ người Ấn khỏi Maldives, đồng thời tái cân bằng quan hệ thương mại mà ông coi là có lợi cho New Delhi.

Tuy vậy, các đồng minh khẳng định Tổng thống đắc cử Muizzu không tìm cách phá vỡ quan hệ với Ấn Ðộ sau khi tiết lộ khả năng ông chọn New Delhi làm điểm đến đầu tiên khi công du nước ngoài như những người tiền nhiệm khác. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Maldives Ahmed Shaheed cho biết, chính quyền mới khó thay đổi chính sách đối ngoại quan trọng với Ấn Ðộ khi láng giềng Nam Á tham gia sâu vào lĩnh vực tài chính, thương mại và phát triển cơ sở hạ tầng ở Maldives. Thay vào đó họ sẽ mở rộng quan hệ hơn với Trung Quốc, đặc biệt tìm cách giảm bớt sự phản đối trong nước đối với cáo buộc “bẫy nợ” trong các dự án hợp tác với Bắc Kinh.

MAI QUYÊN (Thep AP, Aljazeera)

Chia sẻ bài viết