25/09/2019 - 09:11

Úc kêu gọi Trung Quốc chấp nhận là nước phát triển 

Tại diễn đàn Hiệp hội châu Á hồi tháng 6, Úc từng “nhắc khéo” Trung Quốc hành động “có trách nhiệm” với vị thế hiện tại. Lần này trực tiếp hơn, nhân chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Morrison trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại trước Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu hôm 23-9 không chỉ đề cập Trung Quốc như quốc gia công nghiệp mới mà còn chỉ trích các quy tắc thương mại cho phép Bắc Kinh sở hữu vị thế đặc biệt.

Thủ tướng Morrison cho biết cộng đồng quốc tế đã hợp tác với Trung Quốc và giúp nước này phát triển. Đổi lại, Bắc Kinh cần minh bạch trong quan hệ đối tác, nâng cao trách nhiệm trong nỗ lực toàn cầu giải quyết biến đổi khí hậu cũng như hỗ trợ nhiều hơn cho các nước đang phát triển. Theo lãnh đạo Úc, Trung Quốc “phải trưởng thành” bằng việc thừa nhận họ thực chất đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia phát triển thay vì tự xếp loại “đang phát triển” như lâu nay. Ông Morrison khẳng định Canberra hoan nghênh sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh phải chấp nhận sự thịnh vượng và quyền lực đi kèm với trách nhiệm của một cường quốc. Thủ tướng Morrison  đề nghị các tổ chức toàn cầu điều chỉnh để phù hợp vị thế mới của Trung Quốc. Mặt khác, lãnh đạo Úc cho rằng kinh tế Trung Quốc hưởng lợi từ hệ thống thương mại toàn cầu được thiết lập nhờ vai trò chiến lược của Mỹ. Vì lẽ này, ông Morrison đề nghị cộng đồng quốc tế, bao gồm Washington và Bắc Kinh, phải cùng nhau đảm bảo các quy tắc thương mại phù hợp theo thời đại và áp dụng với tất cả mọi người.

Quan điểm của Canberra thách thức nguyên tắc lâu nay của Trung Quốc, rằng họ xứng đáng được “đối xử đặc biệt và khác biệt” tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vượt qua Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ năm 2010, nhưng Trung Quốc kiên quyết bảo vệ quan điểm mình là quốc gia “đang phát triển” trong WTO. Với “sổ hộ nghèo” trong tay, Bắc Kinh được hưởng các quyền lợi đặc biệt như trợ cấp nông nghiệp, miễn các yêu cầu tự do hóa thương mại và áp đặt mức thuế quan cao hơn với hàng hóa nhập khẩu từ các nền kinh tế phát triển.

Tổng thống Trump (phải) và Thủ tướng Morrison tại sự kiện cuối tuần rồi ở bang Ohio. Ảnh: AP

Theo giới quan sát, tuyên bố của Thủ tướng Morrison báo hiệu Úc đã thay đổi chính sách về trách nhiệm toàn cầu. Hành động trực tiếp này nói lên sự ủng hộ của Canberra với chiến dịch do Tổng thống Mỹ Donald Trump dẫn đầu nhằm xóa bỏ vị thế quốc gia đang phát triển của Trung Quốc. Nhiều năm qua, Mỹ vẫn chỉ trích việc nền kinh tế qui mô 12.000 tỉ USD hưởng chung các đặc quyền WTO dành cho các nước nghèo là phi lý. Trong dòng tweet từ năm 2018, Tổng thống Trump trực tiếp xác định Trung Quốc là một “cường quốc kinh tế” nhưng lại nhận được “những lợi ích và lợi thế to lớn, đặc biệt hơn cả Mỹ” nhờ danh xưng “quốc gia đang phát triển”.

Không riêng Trung Quốc, quan điểm của ông Trump cho rằng cách phân loại “lỗi thời” giữa nước phát triển và đang phát triển của WTO đã cho phép một số nước hưởng lợi thế không công bằng và có cam kết lỏng lẻo hơn so với những thành viên còn lại. Hồi tháng 4, đại sứ Mỹ tại WTO Dennis Shea đề nghị một quốc gia nên bị tước danh xưng là nước đang phát triển nếu là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thuộc Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào nhóm có thu nhập cao và chiếm nhiều hơn 0,5% hoạt động thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc và những quốc gia cùng chung vị thế “đang phát triển” khác như Ấn Độ, Nam Phi...đã bác đề xuất này. Đáp lại Tổng thống Trump hồi tháng 7 đã yêu cầu WTO đổi mới quy tắc trong 90 ngày và cảnh báo nếu họ không làm vậy, Mỹ sẽ dừng công nhận một số quốc gia là nước đang phát triển.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, SMH)

Chia sẻ bài viết