25/07/2020 - 18:41

Úc bác hết mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông 

Trong công hàm đề ngày 23-7 gởi lên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), phái đoàn thường trực Úc tại LHQ chính thức bác bỏ các yêu sách phi lý mà Bắc Kinh đặt ra ở Biển Đông, từ yêu sách “Tứ Sa” đến đường cơ sở thẳng tại quần đảo Hoàng Sa hay các đảo nhân tạo.

Tàu chiến Úc đang tham gia tập trận với hải quân Mỹ và Nhật Bản. Ảnh: DOF

Chính phủ Úc gởi công hàm phản đối trên cho LHQ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 14-7 đã đưa ra quan điểm chính thức của Chính phủ Mỹ bác bỏ hầu hết yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp “nuốt trọn” 80-90% diện tích Biển Ðông của Trung Quốc.

Mọi yêu sách đều phi pháp

“Chính phủ Úc bác bỏ tất cả các yêu sách của Trung Quốc trái với Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), cụ thể là các yêu sách vùng biển không tuân thủ quy định công ước về đường cơ sở, các vùng biển và phân loại những thực thể” - công hàm nhấn mạnh, đồng thời tuyên bố cái gọi là “quyền lịch sử và quyền hàng hải” mà Trung Quốc đưa ra để biện minh cho đường 9 đoạn là “trái với UNCLOS” và “vô giá trị”. Công hàm của Úc nhấn mạnh Tòa trọng tài thường trực (PCA) hồi tháng 7-2016 đã xác định Trung Quốc không có “quyền lịch sử” ở Biển Ðông và cái Trung Quốc gọi là “đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý.

“Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hoặc nhóm đảo trên Biển Ðông, bao gồm xung quanh cái gọi là “Tứ Sa” hay “thềm lục địa” hoặc các quần đảo xa bờ. Úc phản đối các yêu sách đòi hỏi vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên đường cơ sở thẳng kiểu đó” - công hàm khẳng định. Yêu sách “Tứ Sa” mà Trung Quốc đưa ra gồm “Ðông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa” - cách Bắc Kinh gọi quần đảo Ðông Sa đang do Ðài Loan quản lý, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Riêng “quần đảo Trung Sa” thực chất là bãi Macclesfield với các thực thể chìm hoàn toàn dưới nước.

Ðề cập tới các đảo nhân tạo trái phép mà Trung Quốc xây trên những thực thể chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, công hàm của Úc khẳng định đá và bãi cạn, bãi chìm vẫn sẽ chỉ là đá và bãi cạn, bãi chìm. Các thực thể đã được con người cải tạo không thể hưởng quy chế của đảo tự nhiên. “Úc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với những vùng biển xung quanh các thực thể lúc chìm lúc nổi hoặc chìm dưới biển không phù hợp với UNCLOS. Việc xây dựng hoặc các hình thức cải tạo nhân tạo khác không làm thay đổi phân loại của UNCLOS đối với các thực thể này. Không có cơ sở pháp lý để đưa ra các yêu sách vùng biển vượt quá những gì các thực thể này được hưởng theo UNCLOS khi ở trạng thái tự nhiên”.

Ðáng chú ý, công hàm của Úc không chấp nhận công hàm ngày 17-4-2020 của Trung Quốc, trong đó ngang ngược cho rằng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam “đã nhận được sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế”. “Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước tuyên bố của Trung Quốc rằng họ đã thực thi chủ quyền liên tục và hiệu quả đối với các thực thể lúc chìm lúc nổi do các thực thể này không thể được xem là một phần cấu thành lãnh thổ quốc gia” - công hàm nêu rõ, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết năm 2016 của PCA về Biển Ðông. “Chúng tôi khuyến khích các bên có yêu sách ở Biển Ðông, đặc biệt là Trung Quốc, làm rõ các yêu sách vùng biển và giải quyết sự khác biệt bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật quốc tế, nhất là UNCLOS 1982” - đoạn cuối của công hàm Úc nhấn mạnh.

Úc-Mỹ tăng cường hợp tác đối phó Trung Quốc

Sau công hàm trên, Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds của Úc ngày 26-7 sẽ sang Mỹ dự diễn đàn tham vấn cấp bộ trưởng thường niên Úc-Mỹ (AUSMIN). Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper bên phía Mỹ tham gia hội nghị an ninh này. Trong bài viết chung trên tờ The Weekend Australian trước lên đường sang Mỹ, Ngoại trưởng Payne và Bộ trưởng Reynolds chỉ trích “hành vi cưỡng bức” của Trung Quốc trên Biển Ðông và luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt cho Hong Kong.

Bài viết còn liệt kê hàng loạt hành động làm tổn hại thế giới của Trung Quốc như che giấu dịch bệnh COVID-19, tấn công mạng. Vì vậy, 2 bộ trưởng Úc nhấn mạnh tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn với Mỹ có nghĩa quan trọng trong bối cảnh khu vực đối mặt với nhiều thách thức.

Chuyến thăm Mỹ của các quan chức chính phủ Úc nhằm thảo luận biện pháp đối phó Trung Quốc diễn ra giữa lúc quan hệ Mỹ-Trung đang lâm vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng chưa từng có kể từ sau năm 1979. Sau khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán tại thành phố Houston (bang Texas), Bắc Kinh đã đáp trả khi yêu cầu Washington đóng cửa lãnh sự quán tại thành phố Thành Ðô (tỉnh Tứ Xuyên).

Theo hãng tin AFP, nhân viên ngoại giao cuối cùng của Trung Quốc tại Tổng lãnh sự quán ở  Houston đã rời đi ngày 24-7 trước thời hạn chót 72 giờ. Trong khi đó, theo hãng tin Reuters ngày 25-7, an ninh được siết chặt bên ngoài Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Ðô vào thời điểm các nhân viên ngoại giao Mỹ chuẩn bị rời khỏi đây. Một biểu tượng lãnh sự quán bên trong Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Ðô đã được gỡ bỏ, trong khi một số xe của lãnh sự quán đã di chuyển ra vào tòa nhà này. Lực lượng an ninh tập trung bên ngoài và phong tỏa giao thông ở đường phố đặt trụ sở phái bộ ngoại giao Mỹ.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết