12/11/2017 - 09:46

Uber và NASA hợp tác phát triển dịch vụ “taxi bay” 

Hãng taxi công nghệ Uber vừa ký thoả thuận với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm phát triển một hệ thống kiểm soát không lưu hoàn toàn mới để quản lý những chiếc máy bay tự lái tầm thấp. Thỏa thuận này giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến vận hành hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn máy bay trên các đô thị và cho phép chúng hoạt động song song với các hệ thống kiểm soát không lưu hiện có.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Web ở Lisbon (Bồ Đào Nha) ngày 8-11, Giám đốc sản phẩm của Uber, ông Jeff Holden, cho biết hãng này đang nỗ lực giành lấy sự chấp thuận của các cơ quan quản lý hàng không trước khi đưa dịch vụ vào hoạt động. “UberAir mỗi ngày sẽ thực hiện nhiều chuyến bay hơn so với trước đây. Việc thực hiện điều này một cách an toàn và hiệu quả cần một sự thay đổi cơ bản trong công nghệ quản lý không phận”, ông Holden nói. Theo ông, kết hợp chuyên môn về công nghệ phần mềm của Uber với kinh nghiệm hàng chục năm của NASA để giải quyết vấn đề trên là một bước tiến quan trọng đối với dự án Uber Elevate.

Trong một tuyên bố, NASA cho biết họ đã ký một thỏa thuận chung với Uber hồi tháng 1, cho phép công ty gia nhập đội ngũ các đối tác công nghiệp của NASA trong dự án phát triển một loạt các hệ thống quản lý không lưu dành cho thiết bị bay không người lái. Theo thỏa thuận này, Uber tham gia vào giai đoạn 4 của dự án – thử nghiệm vận hành các máy bay ở các khu đô thị có mật độ dân cư cao – dự kiến ​​bắt đầu vào tháng 3-2019.

Giám đốc Holden cho biết Uber dự kiến ra mắt dịch vụ taxi bay trong đô thị từ năm 2023 và đang làm việc với các cơ quan điều tiết hàng không ở Mỹ và châu Âu để giành được sự chấp thuận đối với loại hình dịch vụ mà ông gọi là “đi chung trên trời”. Mặc dù vậy, công ty không có ý định tự chế tạo taxi bay, mà cho biết sẽ hợp tác với 5 nhà sản xuất máy bay để phát triển và sản xuất máy bay VTOL (có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng). Hồi đầu năm, Uber cũng mời hai cựu chuyên gia của NASA, Mark Moore và Tom Prevot, lần lượt điều hành đội thiết kế máy bay và chương trình phần mềm quản lý không lưu. Trong 32 năm làm việc tại NASA, ông Moore đã tiên phong trong dự án động cơ đẩy bằng điện mà Uber tin là công nghệ cốt lõi để hiện thực hóa khả năng vận chuyển bằng đường không nơi đô thị.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Web, Giám đốc Holden còn thông báo công ty sẽ đưa thành phố Los Angeles của Mỹ vào danh sách những nơi sẽ thí điểm dịch vụ taxi bay vào năm 2020, cùng với phi trường Dallas-Fort Worth (Mỹ) và Dubai (Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất). Tại sự kiện này, Uber cũng đã trình chiếu một video giới thiệu mô phỏng qui trình sử dụng dịch vụ taxi bay. Trong đó, một nữ hành khách gọi taxi qua ứng dụng Uber trên điện thoại thông minh, rồi đến trạm đón máy bay trên mái của một tòa nhà gần đó. Cô đi qua cửa trạm bằng cách quét điện thoại và được cân nhanh để đảm bảo không quá tải đối với những chiếc taxi bay của Uber. Các nhân viên đeo tai nghe, kính bảo hộ và áo khoác có in thương hiệu Uber mỉm cười dẫn cô và một số hành khách khác lên máy bay. Trong suốt hành trình, cô nhìn ra cửa sổ thương cảm những người bị mắc kẹt trong dòng xe đông đúc dưới mặt đất, rồi nghĩ đến gia đình đang đợi cô ở nhà. Đoạn phim kết thúc bằng dòng chữ: “Gần hơn bạn nghĩ”.

Trên thực tế, loại máy bay có thể đón trả khách bằng cách cất và hạ cánh thẳng đứng như Uber hình dung và cơ sở hạ tầng hỗ trợ phương tiện như vậy hiện chưa có. Tuy nhiên, viễn cảnh này không phải là không khả thi, bởi đến nay đã có ít nhất 19 công ty đang triển khai kế hoạch sản xuất “xe bay”, bao gồm các nhà sản xuất máy bay lớn như Boeing và Airbus, các công ty mới khởi nghiệp nhỏ như Kitty Hawk của người sáng lập Google - Larry Page. Hơn nữa, Uber cũng đã có những bước tiến quan trọng trong việc hợp tác với một số nhà sản xuất máy bay, các công ty bất động sản và các cơ quan quản lý để có cơ hội phát triển dịch vụ taxi bay theo yêu cầu.

THANH TRÚC (Theo Reuters, Techcrunch, Twitter)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
taxi bayUberNASA