23/11/2019 - 07:48

Tương lai nào cho Thủ tướng Israel? 

Ngày 21-11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (ảnh) đã bị khởi tố một loạt tội danh tham nhũng, nhiều khả năng sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị kéo dài nhiều thập niên của ông.

Tổng chưởng lý Avichai Mandelblit cho biết Thủ tướng Netanyahu bị truy tố theo các tội danh “nhận hối lộ, lừa đảo và lợi dụng tín nhiệm”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Israel một thủ tướng đương nhiệm bị khởi tố.

Ảnh: AFP

Trong số 3 vụ án chống lại vị lãnh đạo 70 tuổi, Vụ 4.000 được xem là nghiêm trọng nhất. Thủ tướng Netanyahu bị cho đã thương lượng với Shaul Elovitch, cổ đông kiểm soát tập đoàn viễn thông Bezeq và cũng là bạn của ông, để trang tin Walla chỉ đăng những bài có lợi cho mình. Đổi lại là những chính sách ưu ái Bezeq. Trong khi đó, Vụ 1.000 liên quan đến cáo buộc Thủ tướng Netanyahu và gia đình nhận nhiều quà cáp trị giá hơn 200.000USD, bao gồm rượu sâm-panh, xì gà đắt tiền và trang sức từ những nhân vật giàu có ở nước ngoài trong giai đoạn 2011-2016. Riêng ở Vụ 2.000, Thủ tướng Israel bị tố là tìm cách bắt tay với chủ tờ Yediot Aharonot để báo này xuất bản những bài có lợi cho ông, đổi lại tờ báo đối thủ Israel HaYom bị chèn ép không phát triển được. Nếu bị kết tội, ông Netanyahu có thể phải đối mặt với án tù 10 năm vì tham nhũng và mức án tối đa 3 năm vì tội lừa đảo và lợi dụng tín nhiệm.

Phát biểu trên truyền hình vào tối cùng ngày, Thủ tướng Netanyahu gọi cáo trạng nói trên là “cuộc đảo chính trị”. Ông chỉ trích Avichai Mandelblit đưa ra lời buộc tội vào “thời điểm chính trị nhạy cảm nhất kể từ khi thành lập đất nước Israel đến nay”. Trước đó, ông cũng đã phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định sẽ không từ chức. Thật ra về mặt pháp lý, nhà lãnh đạo Israel không buộc phải trả ghế cho đến khi ông bị kết án và mọi kháng cáo đều bị bác, nhưng sắp tới nhiều khả năng ông phải chịu sức ép chính trị lớn hơn. Chuyên gia Ofer Zalzberg thuộc tổ chức Nhóm khủng hoảng quốc tế nhận định tuyên bố của Tổng chưởng lý Mandelblit sẽ làm suy yếu trầm trọng vị thế của Thủ tướng Netanyahu và có thể ông sẽ đối mặt với những thách thức về vai trò lãnh đạo từ nội bộ đảng bảo thủ Likud. Các thành viên “nổi loạn” có thể sẽ yêu cầu bầu cử để chọn ra lãnh đạo mới của đảng.

Được biết ông Gideon Sa’ar, đối thủ chính trị chính của Thủ tướng Netanyahu trong nội bộ Likud, đã bày tỏ mong muốn tổ chức cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch mới nếu Israel phải tiến hành tổng tuyển cử lần ba. Nếu vượt qua cuộc bỏ phiếu nội bộ, lãnh đạo đảng Likud vẫn có thể tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ thủ tướng. Ông Netanyahu hiện là thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhà nước Do Thái, với tổng cộng hơn 13 năm.

Ngoài ra, toàn bộ tiến trình xét xử và kết tội thủ tướng có thể bị trì hoãn trong nhiều tháng và Thủ tướng Netanyahu có thể xin quốc hội cấp cho ông quyền miễn trừ truy tố thông qua cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, yêu cầu này cần có sự chấp thuận của một ủy ban đặc biệt, chỉ có điều ủy ban này vẫn còn bị tê liệt do bế tắc trên chính trường hiện nay.

Lãnh đạo đảng Xanh - Trắng Benny Gantz hôm 20-11 thừa nhận với Tổng thống Reuven Rivlin về thất bại trong việc thành lập chính phủ liên minh, sau khi không thể đạt được nhất trí với Chủ tịch đảng Yisrael Beiteinu Avigdor Lieberman và ông Netanyahu. Nhằm tránh nguy cơ phải tổ chức bầu cử lần thứ ba liên tiếp sau khi cả Thủ tướng Netanyahu lẫn ông Gantz đều không thể thành lập chính phủ, Tổng thống Rivlin ngày 21-11 đã giao nhiệm vụ cho quốc hội tìm kiếm một thủ tướng mới.

Với quyết định trên, Quốc hội Israel 120 ghế sẽ có 21 ngày để chọn ra một nghị sĩ mới nhận được sự ủng hộ của ít nhất 61 nghị sĩ khác nhằm đứng ra thành lập chính phủ, có sự tham gia của hai ông Netanyahu và Gantz. Nếu không có nhân vật nào đáp ứng được điều kiện này, Israel sẽ phải tổ chức bầu cử lần thứ ba trong vòng chưa đầy một năm. 

HẠNH NGUYÊN (Theo NBC News, CNN)

Chia sẻ bài viết