14/05/2009 - 20:16

Trường hợp nào thì bị tạm giữ theo thủ tục hành chính?

Hỏi: Tôi có người em trai năm nay trên 18 tuổi, thường xuyên uống rượu gây rối, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương. Gần đây, trong lần gây rối em trai tôi bị tạm giữ ở phường gần một ngày mới được thả về. Xin cho biết trường hợp nào thì bị tạm giữ theo thủ tục hành chính và thời hạn tạm giữ là bao lâu?

NGUYỄN VĂN TÍNH
(quận Bình Thủy, TP Cần Thơ)

Xung quanh thắc mắc này, Luật sư Huỳnh Minh Triết, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ giải đáp như sau: Theo qui định tại Nghị định số 19/2009/NĐ-CP ngày 19-2-2009 của Chính phủ ban hành “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính ban hành kèm theo Nghị định số 162/2004/NĐ-CP ngày 7-9-2004 của Chính phủ” thì tạm giữ người theo thủ tục hành chính là biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm hành chính do người có thẩm quyền quyết định. Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau: Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc thương tích cho người khác. Cần phải thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng để làm căn cứ cho việc quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính. Người bị bắt giữ theo quyết định truy tìm của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Người có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch UBND cấp xã theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Về thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính, không được quá 12 giờ. Trong trường hợp cần thiết, có thể được kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. Đối với trường hợp vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài hơn, nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. Khi hết thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính, người ra quyết định tạm giữ phải chấm dứt ngay việc tạm giữ đối với người bị tạm giữ và phải ghi vào sổ theo dõi tạm giữ hành chính, có chữ ký xác nhận của người bị tạm giữ. Trường hợp người bị tạm giữ từ chối ký xác nhận thì người ra quyết định tạm giữ phải lập biên bản hoặc phân công cho người đang trực tiếp thi hành nhiệm vụ tiến hành lập biên bản và ghi rõ lý do vào biên bản, biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến (nếu có), người lập biên bản, người đã ra quyết định tạm giữ.

V.L (thực hiện)

Chia sẻ bài viết