06/09/2013 - 21:27

Trung Quốc trong nỗi lo số liệu kinh tế giả

Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc dẫn nguồn từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) ngày 5-9 cho biết, họ vừa phát hiện một vụ làm giả số liệu kinh tế nghiêm trọng ở huyện Lục Lương thuộc tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc. Vụ việc khiến nhiều chuyên gia nghi ngại về tính xác thực xung quanh mức độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các doanh nghiệp bị ép khai gian

 

Theo báo cáo của NBS, chính quyền huyện Lục Lương đã buộc các doanh nghiệp địa phương "thổi phồng" báo cáo về sản lượng công nghiệp, dẫn đến những số liệu kinh tế cao một cách giả tạo. Ví dụ, 28 doanh nghiệp tại Lục Lương đã báo cáo giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 2012 là 6,34 tỉ NDT (tương đương 1,03 tỉ USD), trong khi con số thực tế chỉ đạt 2,82 tỉ NDT. Tương tự, 6 tháng đầu năm nay, 25 công ty đóng tại huyện này báo cáo giá trị sản lượng công nghiệp đạt 2,74 tỉ NDT, nhưng theo thẩm tra sơ bộ của NBS thì chỉ có 1,06 tỉ NDT.

Về phần mình, các công ty than vãn rằng nếu họ không kê khống số liệu, báo cáo của họ sẽ bị chính quyền địa phương trả lại. Họ còn tiết lộ báo cáo giả giúp họ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, chẳng hạn như bảo đảm các khoản vay tại ngân hàng.

Không chỉ vậy, huyện Lục Lương còn bị phát hiện làm giả số liệu đầu tư. Cơ quan thống kê cho rằng hành vi sai trái này "ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính xác thực và độc lập trong số liệu của doanh nghiệp". Báo cáo cũng nói thêm là mặc dù không hiểu tại sao chính quyền kê khống số liệu, nhưng "có một sự thật rõ ràng là năng lực quản lý của các lãnh đạo địa phương được đánh giá dựa trên số liệu kinh tế". "Số liệu đẹp đồng nghĩa với cơ hội thăng tiến"- báo cáo này viết.

  “Có một sự thật rõ ràng là năng lực quản lý của các lãnh đạo địa phương được đánh giá dựa trên số liệu kinh tế. Số liệu đẹp đồng nghĩa với cơ hội thăng tiến”.
Trích báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Được biết từ tháng 2-2012, NBS đã giới thiệu hệ thống thu thập số liệu thống nhất để qua đó, các công ty có thể gửi số liệu trực tiếp đến trung tâm thống kê của chính phủ hoặc các chi nhánh cấp huyện được ủy quyền. Đây là nỗ lực nhằm bảo đảm tính chính xác của dữ liệu kinh tế chính thức và loại trừ sự bất nhất trong các con số. Chương trình này áp dụng cho khoảng 700.000 công ty lớn vốn đóng góp tới 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, nhưng không bắt buộc đối với nhiều công ty nhỏ và vừa cũng như các doanh nghiệp cá thể.

Số liệu tăng trưởng có đáng tin cậy?

Thông tin do cơ quan thống kê Trung Quốc tiết lộ làm dấy lên lo ngại xung quanh chất lượng tăng trưởng kinh tế của nước này và các nhà phân tích cho rằng tình trạng làm giả số liệu là một vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách cần giải quyết. "Sự thật là chính phủ nước này giờ đã thừa nhận những điều mà người ta (các chuyên gia kinh tế) nghi ngờ bấy lâu nay"- chiến lược gia Patrick Chovanec thuộc Tập đoàn Quản lý Tài sản Silvercrest của Mỹ nhận định. Nếu NBS tiếp tục kiểm tra số liệu trên khắp cả nước, nhiều nghi vấn sẽ nổi lên quanh chất lượng về số liệu thống kê quốc gia.

Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ), được ghi nhận là có tốc độ tăng trưởng chậm lại trong những tháng gần đây. GDP trong quý II-2013 chỉ tăng 7,5%, giảm so với mức 7,7% trong quý I. Hiện các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang thực thi nhiều biện pháp để giữ mức tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tình trạng thổi phồng số liệu đã tạo ra khó khăn cho những người làm chính sách trong bối cảnh họ tìm cách tạo ra một đợt tăng trưởng mới. Theo lý giải của chuyên gia Patrick, Chính phủ Trung Quốc thường hoạch định chính sách kinh tế dựa trên giả thuyết các số liệu chính thức là chính xác.

"Nếu tình trạng này lan rộng và các con số đều bị thổi phồng thì nghĩa là tăng trưởng GDP của Trung Quốc có lẽ không mạnh như đã thấy, đồng thời các nhà hoạch định chính sách có thể đã đánh giá thấp sự nghiêm trọng của các vấn đề mà Trung Quốc đang đối mặt" – ông Patrick kết luận.

THANH TRÚC
(Theo People’s Daily, BBC, India Times)

Báo Pháp:
Thời kỳ vàng son của kinh tế Trung Quốc đã qua

Phụ trang địa chính trị của báo “Le Monde” (Pháp) số ra mới đây dành hai trang lớn để nói về “30 năm tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc đã thuộc về dĩ vãng”.
Theo nhận định của tờ báo, dân số già hóa, kinh tế phát triển mất cân đối trên toàn lãnh thổ là những dấu hiệu cho thấy sau 3 thập kỷ tăng trưởng thần kỳ, kinh tế Trung Quốc đang bị “hụt hơi”. Trong khi đó, các doanh nhân Trung Quốc cho rằng họ phải có tiếng nói trong các hoạt động kinh tế và tài chính của đất nước để bảo vệ quyền lợi.

Cũng liên quan đến tình hình kinh tế, Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc ngày 5-9 công bố báo cáo thường niên nhận định rằng nếu muốn bảo toàn được tăng trưởng, Bắc Kinh cần mở rộng tự do hóa khu vực ngân hàng, cơ cấu lại các tập đoàn nhà nước và giảm bớt trợ cấp cho những doanh nghiệp đầu tàu.

Chia sẻ bài viết