29/08/2016 - 21:51

Trung Quốc tăng cường bán vũ khí cho Mỹ La-tinh

Những năm gần đây, Trung Quốc đã khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực buôn bán vũ khí toàn cầu. Không chỉ số lượng và chất lượng vũ khí xuất khẩu gia tăng một cách nhanh chóng, phạm vi khách hàng của Bắc Kinh cũng mở rộng đáng kể trong thập kỷ qua. Trong đó, Mỹ La-tinh là một trong những vùng trọng điểm mà Trung Quốc hướng đến.

Hiện Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu của Mỹ La-tinh. Trong đó, Venezuela được xem là thị trường lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính, trong giai đoạn 2011-2015, Caracas đã chi 373 triệu USD để mua vũ khí từ Bắc Kinh.

Máy bay huấn luyện chiến đấu Karakorum của Trung Quốc. Ảnh: The Diplomat

Trung Quốc cũng đã xâm nhập vào nhiều quốc gia khác trong khu vực, nhất là Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA) có xu hướng theo cánh tả. Chẳng hạn, Bolivia hồi năm 2009 và 2012 đã ký các thỏa thuận với Trung Quốc trị giá lần lượt là 58 triệu và 113 triệu USD để mua máy bay huấn luyện chiến đấu Karakorum và trực thăng Panther. Trong khi đó, các quốc gia không thuộc ALBA trong những năm gần đây cũng hết sức quan tâm đến việc mua vũ khí của Trung Quốc. Chẳng hạn, Peru - một đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ- hồi năm 2009 đã mua 15 tên lửa vác vai FN-6 cùng với hơn 10 tên lửa đất đối không của Trung Quốc trong một thỏa thuận trị giá 1,1 triệu USD. Sau đó, Peru trong năm 2013 đã mua 27 bệ phóng tên lửa của Trung Quốc với tổng trị giá 39 triệu USD.

SIPRI ước tính, Trung Quốc chiếm tới 22% thị phần thị trường nhập khẩu vũ khí tại Mỹ La-tinh trong giai đoạn 2011-2015.

Tuy nhiên, việc bán vũ khí của Trung Quốc tại Mỹ La-tinh không phải lúc nào cũng "ngon ăn". Khi Christina Fernández de Kirchner còn là Tổng thống Argentina, trong chuyến công du đến Trung Quốc hồi tháng 2-2015, bà tuyên bố Buenos Aires có kế hoạch đặt mua hệ thống vũ khí của Bắc Kinh với tổng trị giá gần 1 tỉ USD, gồm 110 xe bọc thép, 5 tàu tuần tra biển lớp Malvinas và 14 chiến đấu cơ đa nhiệm JF-17 Thunder. Nhưng với thất bại trong cuộc bầu cử hồi tháng 11-2015 của bà Kirchner trước ông Mauricio Macri, nhân vật phản đối chủ trương xích lại gần Nga, Trung Quốc và ALBA của người tiền nhiệm, thì nhiều khả năng kế hoạch đặt mua vũ khí Trung Quốc của Argentina sẽ không được thông qua.

Hiện chưa rõ lý do vì sao các công ty quốc phòng Trung Quốc đang rất tích cực tìm cách xâm nhập Mỹ La-tinh dù khu vực này chỉ tiêu thụ khoảng 6% tổng số vũ khí bán ra toàn cầu của Trung Quốc trong giai đoạn 2011-2015. Theo giới phân tích, sở dĩ Trung Quốc "dòm ngó" Mỹ La-tinh là do nước này cho rằng nhờ những thỏa thuận buôn bán vũ khí tại đây, Bắc Kinh sẽ dễ dàng đạt được các mục tiêu kinh tế chiến lược cũng như xây dựng tầm ảnh hưởng của mình ở Mỹ La-tinh.

TRÍ VĂN (Theo The Diplomat)

Chia sẻ bài viết