25/09/2012 - 09:10

Trung-Nhật đều muốn tránh xung đột quân sự

Tàu hải giám và ngư chính của Trung Quốc ngày 24-9 lại lởn vởn tại vùng biển đang dưới sự kiểm soát của Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng hai quốc gia Đông Bắc Á này sẽ nỗ lực kiềm chế tránh xảy ra cuộc xung đột vũ trang.

Rượt đuổi nhau trên vùng tranh chấp

Các phóng viên người Nhật của hãng tin AFP và Reuters dẫn nguồn từ Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản cho biết rạng sáng 24-9, hai tàu hải giám thuộc Cục Hải dương Quốc gia - Bộ Tài nguyên và Đất đai và một tàu ngư chính thuộc Bộ Nông nghiệp của Trung Quốc đã tái xâm nhập vùng biển gần Uotsurijima, đảo lớn nhất trong chuỗi hòn đảo mà người Nhật gọi là Senkaku và phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Tàu tuần tra Nhật Bản (trên) “kè” tàu hải giám Trung Quốc.
Ảnh: Reuters 

Osamu Fujimura, người phát ngôn chính phủ, đồng thời là Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản tuyên bố Tokyo "phản đối mạnh mẽ" sự xâm lấn này của tàu Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao. Theo hãng tin Anh BBC, Bộ ngoại giao Nhật Bản đang cử Thứ trưởng Chikao Kawai đến Bắc Kinh trong hai ngày để xoa dịu căng thẳng.

Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản cho hay ngoài 3 tàu trên, hiện còn 6 tàu khác của Trung Quốc vẫn quanh quẩn ở vùng biển quốc tế, có thể đi vào khu vực chủ quyền của Nhật Bản.

Từ cách đây hơn một tuần, có tất cả 14 tàu hải giám và ngư chính của Trung Quốc liên tục thay nhau ra vào vùng biển vốn có sự hiện diện của tàu tuần tra Nhật Bản. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện tàu đánh cá có thể lên đến 1.000 chiếc mà phương tiện truyền thông Trung Quốc mới đây đã loan báo sau làn sóng biểu tình bạo lực chống Nhật tại nước này.

Tránh đối đầu quân sự

Theo hãng tin Anh Reuters, các nhân vật "diều hâu" ở Trung Quốc đã nhiều lần thúc giục chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột quân sự với Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng dâng cao trên Biển Hoa Đông, nhưng phần lớn các chuyên gia tin rằng nguy cơ hai kình địch châu Á này phải quyết chiến là rất thấp, dù mối quan hệ song phương đang trong giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất từ nhiều thập niên qua.

Linda Jakobson, giám đốc chương trình Đông Á thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy có trụ sở tại Sydney (Úc) cho rằng nguy cơ lớn nhất thật sự có thể xảy ra là có một cuộc va chạm chết chóc ngoài ý muốn trên biển để hai bên có cớ tăng cường trả đũa lẫn nhau, nhưng rốt cuộc cả Tokyo và Bắc Kinh phải cố gắng tìm cách tháo ngòi nổ trước khi nó trở thành một cuộc đối đầu quân sự toàn diện.

Ông xu Guanglyu, cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc và hiện là cố vấn cấp cao của một cơ quan nghiên cứu trực thuộc chính phủ tại Bắc Kinh, cũng nhận định khả năng xảy ra xung đột Trung-Nhật là rất nhỏ vì cả hai không muốn đi vào con đường nguy hiểm đó.

Chuyên gia quân sự Narushige Michishita thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia tại Tokyo nhấn mạnh điều tốt lành là tàu hải giám thuộc chính phủ, chứ không phải của hải quân Trung Quốc. Sự hiện diện của tàu này dù nói là để "thực thi chủ quyền quốc gia", nhưng đồng thời có thể giúp ngăn chặn tàu đánh cá của ngư dân gây ra rắc rối.

Một cựu sĩ quan quân đội cao cấp của Nhật cũng như nhiều chuyên gia quân sự khác đều nhìn nhận tàu tuần tra của Trung Quốc có tính kỷ luật tốt như tàu của Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản, đồng thời hai bên luôn giữ thông tin liên lạc, kiểm soát rất tốt hành vi của mình, tránh để xảy ra một cuộc chiến với hậu quả khó lường.

Thử thách quan hệ ngoại giao-kinh tế

Ông Fujimura ngày 24-9 ra tuyên bố "lấy làm tiếc" việc Bắc Kinh đưa ra quyết định chưa có tiền lệ về việc hủy bỏ kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhật Bản và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao dự kiến diễn ra ngày 27-9. Trong tình hình gay cấn này, ông vẫn nhấn mạnh: "Điều quan trọng là chúng ta (Nhật-Trung) cần làm sâu sắc mối quan hệ chiến lược toàn diện và mang lại lợi ích cho nhau, không để cho một sự kiện đơn lẻ làm ảnh hưởng quan hệ".

Nhật báo Phố Wall của Mỹ hôm qua cũng đăng tải nội dung trả lời phỏng vấn của Thủ tướng Yoshihiko Noda cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản đang bị phía chính quyền Trung Quốc "quấy rối" làm chậm trễ thủ tục hải quan và visa xuất nhập cảnh, và cảnh báo rằng sự "ăn miếng trả miếng" trong thương mại không chỉ gây tổn hại cho chính hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới này mà cả cho nền kinh tế toàn cầu.

Zhou Yongsheng, giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh, cũng cho rằng những hành động trừng phạt thương mại của Trung Quốc là "con dao hai lưỡi". Trung Quốc và Nhật Bản có mối quan hệ hợp tác đầu tư phụ thuộc vào nhau, nếu chiến tranh thương mại xảy ra thì cả hai cùng thua, chứ không phải cùng thắng.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết