24/08/2013 - 19:54

Trung - Ấn tranh giành “miền đất hứa” châu Phi

Trên khắp châu Phi, tại các công trình xây dựng, đường phố, bến cảng hay sân bay, sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Tại "miền đất hứa" này, một sự cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra giữa Trung Quốc với các nền kinh tế lớn mới nổi như Brazil, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là "kỳ phùng địch thủ" láng giềng Ấn Độ.

 Mô hình tòa tháp 21 tầng mà công ty Wu Yi của Trung Quốc đang xây dựng tại Kenya. Ảnh: Getty Images

Ấn Độ từng chịu thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1962. Kể từ đó tranh chấp biên giới được xem là điểm "nóng" trong mối quan hệ giữa hai cường quốc đông dân nhất hành tinh. Với mục tiêu tìm kiếm các nguồn lực đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, Trung Quốc và Ấn Độ đang đẩy mạnh cạnh tranh trên nhiều "mặt trận", trong đó châu Phi, một thị trường đầy tiềm năng, dĩ nhiên không thể bị bỏ qua.

Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự "bành trướng" của Bắc Kinh tại lục địa đen, New Delhi đã cam kết chi 5,7 tỉ USD thông qua các khoản tín dụng và tài trợ cho các dự án phát triển ở đây. Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của châu Phi, sau Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Mỹ. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhập khẩu của châu Phi từ Ấn Độ đã tăng với tỷ lệ trung bình 23,1%/năm trong giai đoạn 2005-2011, xấp xỉ mức tăng trong nhập khẩu từ Trung Quốc (25,6%). Tuy nhiên, xét về giá trị, tổng kim ngạch thương mại Ấn Độ - châu Phi năm 2011 mới đạt 63 tỉ USD, chỉ bằng 38% tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc – châu Phi (166 tỉ USD). Ấn Độ đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại với lục địa đen lên 100 tỉ USD vào năm 2015, trong bối cảnh quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và châu Phi bắt đầu xuất hiện một số trở ngại.

Không những cạnh tranh thương mại, Trung Quốc và Ấn Độ còn "giành giật" trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là các dự án lớn về xây dựng kết cấu hạ tầng. Chẳng hạn tại Đại học Nairobi (Kenya), công ty Wu Yi của Trung Quốc đang xây dựng một tòa tháp 21 tầng mà khi hoàn tất nó sẽ trở thành khu giảng đường có sức chứa lên đến 3.000 sinh viên và một sân đậu máy bay trực thăng. Trong vòng hai năm tới, đây sẽ là công trình kiến trúc cao nhất khu vực. Được biết, Wu Yi được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn để tiếp cận Kenya, và hiện công ty này đang thực hiện tới 18 dự án ở đây.

Nói về các khoản đầu tư tại châu Phi, Trung Quốc luôn đi trước Ấn Độ một bước. Tuy nhiên, các công ty Ấn Độ đang tìm cách mở rộng hoạt động trong các lĩnh vực họ có thế mạnh như viễn thông, nông nghiệp, công nghiệp ô tô và giáo dục. Năm 2010, tập đoàn cung cấp dịch vụ viễn thông Bharti Airtel lớn nhất Ấn Độ đã mua lại công ty Zain Telecom hoạt động ở 15 quốc gia châu Phi và có kế hoạch "tậu" thêm Warid Telecom Uganda. Trong khi đó, Tata Group, tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Ấn Độ, vừa công bố dự án đầu tư 2,7 tỉ USD phát triển ngành công nghiệp ô tô và du lịch tại châu Phi. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tranh giành các hợp đồng khai thác các nguồn tài nguyên dồi dào tại châu Phi. Bên cạnh dầu mỏ và khí đốt, châu lục lớn thứ hai thế giới này còn có trữ lượng lớn khoáng sản vàng, bạc, đồng, nhôm, uranium và kim cương. Công ty quặng mỏ lớn nhất Ấn Độ là Vedanta Resources mới đây tiết lộ họ đã đầu tư tổng cộng 4 tỉ USD trong hơn 9 năm qua tại châu Phi.

TRÍ VĂN (Theo BBC, DW)

Chia sẻ bài viết