08/02/2020 - 19:01

Trung Á trong chiến lược mới của Mỹ 

Ngay sau chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Kazakhstan và Uzbekistan mới đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chính thức công bố chiến lược mới về Trung Á.

Động cơ cập nhật chính sách trên không phải do Washington thay đổi những ưu tiên tại Trung Á, mà bởi những chuyển biến ở khu vực này trong vài năm qua đưa đến các kịch bản mới. Trong số những thay đổi “tạo ra thách thức cũng như cơ hội mới cho Mỹ”, Lisa Curtis - phụ trách khu vực Nam và Trung Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - viện dẫn sự thay đổi lãnh đạo tại một số quốc gia, những mối đe dọa mới bắt nguồn từ ý thức hệ cực đoan, ảnh hưởng sâu sắc của Trung Quốc tại Trung Á và những cơ hội để khu vực này ủng hộ nỗ lực hòa bình của Mỹ ở Afghanistan. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng nhiều vấn đề tại đây vẫn không thay đổi và sẽ tiếp tục quan trọng, bao gồm “Nga duy trì ảnh hưởng ở mọi lĩnh vực”.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và những người đồng cấp các nước Trung Á trong họp bộ trưởng C5+1 tại Uzbekistan mới đây. Ảnh: Eurasianet

“Trước hết, Mỹ xem chiến lược mới như một lời tái khẳng định quy tắc hướng dẫn lâu nay rằng nước này ủng hộ mạnh mẽ sự độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia Trung Á” - bà Curtis nhấn mạnh. Có 6 mục tiêu chính sách được nêu trong chiến lược nói trên. Đó là ủng hộ và tăng cường chủ quyền và độc lập của riêng lẻ các nước Trung Á cũng như cả khu vực; giảm mối đe dọa về chủ nghĩa khủng bố; mở rộng và duy trì sự hỗ trợ ổn định ở Afghanistan; khuyến khích sự liên kết giữa Trung Á và Afghanistan; đẩy mạnh cải cách pháp quyền và tôn trọng nhân quyền; tăng cường sự đầu tư của Mỹ và phát triển của khu vực này.

Trả lời phỏng vấn sau khi công bố chính sách mới, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Nam và Trung Á Alice Wells cho rằng sự thay đổi lớn là Afghanistan là quốc gia Trung Á và “chúng ta cần có những chính sách thể hiện điều đó và giúp khu vực này đạt được mức độ liên kết với nhau”.

Các chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ thường tách chính sách Afghanistan ra khỏi chính sách Trung Á, một phần vì Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov “chưa sẵn sàng bắt tay với Afghanistan”. Tuy nhiên, báo The Diplomat nhận định việc ông Karimov qua đời hồi năm 2016 sau 27 năm nắm quyền được cho giúp mở ra thời đại mở cửa và cải cách hiện nay tại Uzbekistan. Sau đó, tìm kiếm chiến lược “láng giềng tốt” của Uzbekistan và nỗ lực tăng cường hợp tác trong khu vực mở ra những cánh cửa mới. Tháng 3 năm ngoái, Tổng thống Kazhkhstan Nursultan Nazarbayev tuyên bố từ chức, kết thúc 3 thập niên nắm quyền. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Pompeo ghé thăm hai quốc gia này trong chuyến công du Trung Á vừa qua lại được xem là tín hiệu về một điều gì đó khác biệt. Đây là cũng chuyến công cán đầu tiên của một thành viên trong nội các Mỹ tới khu vực này trong 5 năm qua.

Một thay đổi quan trọng khác mà theo cách diễn đạt của Alice Wells là “bạn có thể đóng vai trò tại Trung Á”. Nhờ Uzbekistan, hợp tác sâu rộng hơn trong khu vực chắc chắn khả thi và thành quả của những nỗ lực này đang xuất hiện. Cụ thể, đó là việc Uzbekistan và Tajikistan mở cửa hơn 10 cửa khẩu biên giới, những kế hoạch để Uzbekistan đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện tại Tajikistan (thay vì đe dọa nhau về “chiến tranh nước”) và nối lại đàm phán về thị trường điện trong khu vực. Chiến lược mới cũng nêu rõ các chính phủ mới trong khu vực thể hiện cam kết sâu sắc hơn trong việc theo đuổi việc cải cách kinh tế và chính trị, bao gồm thông qua hợp tác song phương với Mỹ.

Chiến lược mới của Mỹ tại Trung Á được đưa ra trong bối cảnh không chỉ Nga mà cả Trung Quốc đã đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt với các nước trong khu vực trọng yếu này. Trong chuyến thăm Trung Á trước đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký hàng loạt thỏa thuận trị giá 56 tỉ USD theo sáng kiến “Vành đai, con đường”.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết