03/09/2017 - 04:33

Trở lại Côn Đảo 

Tôi đã nhiều lần đến thăm Côn Đảo, nơi được mệnh danh là địa ngục trần gian, nhưng lần nào trở lại, nỗi bồi hồi, xúc động vẫn vẹn nguyên như lần đầu được ra thăm cách nay 15 năm.

Hình ảnh đầu tiên khắc ghi vào tâm trí tôi là cứ mỗi khi tàu từ đất liền ra đảo, dù có người thân hay không, bà con trên đảo cũng ra đón chào, vẫy tay như đón người nhà, mong muốn được nghe thông tin từ đất liền và hy vọng trong số khách ra thăm đảo có người nhà hoặc người mình từng quen biết.

Gần đây, Công ty cổ phần tàu cao tốc Superdong Kiên Giang khai trương đường biển từ cảng Trần Đề (Sóc Trăng) đi Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu) nhằm kéo Côn Đảo gần hơn với đất liền bởi từ Sóc Trăng đến Côn Đảo chỉ mất khoảng 2 giờ 30 phút, ngắn hơn rất nhiều so với 12 tiếng đi từ Vũng Tàu. Từ đây hứa hẹn kinh tế du lịch, giao thương hàng hóa giữa các địa phương vùng ĐBSCL và Côn Đảo thuận lợi, đặc biệt là mở ra hướng phát triển du lịch cho tuyến Nam Sông Hậu lâu nay chưa được chú ý. Sự kiện này được khách nội địa cũng như khách quốc tế chào đón.

Côn Đảo cội nguồn

Huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ. Với vị trí cách trở, Côn Đảo từng là nơi chính quyền thực dân, đế quốc lưu đày, giam giữ những cán bộ cách mạng ta, đa số có mức án từ chung thân đến tử hình. Trong lòng những chiến sĩ kiên trung, nhà tù Côn Đảo đã trở thành trường học lớn, nung nấu tinh thần đấu tranh bất khuất.

Du khách tham quan nhà tù tại Côn Đảo.

Từ khi thực dân Pháp thành lập nhà tù Côn Đảo năm 1862 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, nhà tù Côn Đảo trải qua 113 năm với 53 “chúa đảo”. Hàng trăm xà lim, phòng giam, phòng biệt lập trong các hệ thống nhà tù Côn Đảo và ít nhất 18 sở tù để đày ải những người yêu nước và tù chính trị làm lao dịch khổ sai. Nơi đây đã giam cầm hàng vạn cán bộ, đảng viên; trong đó, có hàng nghìn chiến sĩ và đồng bào yêu nước đã hy sinh. Nghĩa trang Hàng Dương là nơi an nghỉ của hơn 2 vạn người tù. Nhà tù Côn Đảo sau ngày thống nhất đất nước đã được trùng tu, trở thành di tích lịch sử tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Hệ thống nhà tù Côn Đảo thời Pháp bao gồm các trại giam Bagne (Banh) I- hay còn gọi là Trại Phú Hải; Bagne II- Trại Phú Sơn; Bagne III- Trại Phú Thọ- Khu biệt lập chuồng gà; Bagne III phụ- Trại Phú Cường; Khu biệt lập chuồng bò; Chuồng cọp. Ác độc nhất là khu biệt giam Chuồng cọp. Mỗi chuồng giam có những hàng song trần ở trên nóc chuồng giam, bên trên là lối đi dành cho cai ngục theo dõi tù nhân, họ coi người tù không khác gì thú vật, sẵn sàng cầm những chiếc gậy dài chọc xuống người tù. Vào những ngày lạnh, cai ngục đổ nước bẩn xuống buồng giam; lúc trời nắng nóng thì rắc vôi bột mịt mù sau đó tạt nước khiến người tù sinh ghẻ lở.

Người tù ở Côn Đảo bị bỏ đói, xiềng chân, tra tấn và lao dịch khổ sai. Nhiều cuộc đấu tranh của những người tù Côn Đảo đã nổ ra để phản đối lại chính sách bạo tàn của thực dân Pháp. Những người tù đã bí mật thành lập chi bộ Đảng để tập hợp, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị, biến nhà tù Côn Đảo thành trường học.

Mộ Liệt sĩ – AHLLVT Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo. Ảnh: H.V

Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Côn Đảo, năm 1955, Mỹ ngụy tiếp quản Côn Đảo, xây dựng thêm 4 trại giam mới gồm Trại 5 (Trại Phú Phong); Trại 6 (Trại Phú An); Trại 7 (Trại Phú Bình- Chuồng Cọp kiểu Mỹ) và Trại 8 (Trại Phú Hưng). Những người tù bị đưa về đây, với những công cụ tra tấn rùng rợn, phi nhân tính nhằm trấn áp cả thể xác lẫn tinh thần.

Ngày nay, hệ thống nhà tù Côn Đảo vẫn còn đó với 9 trại, được mở và thuyết minh cho người dân khắp nơi đến chứng kiến. Ngày 10-5-2012, Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Côn Đảo không còn xa

Côn Đảo được thiên nhiên ban tặng môi trường sinh thái tự nhiên phong phú, vườn quốc gia gồm rừng và biển với nhiều loại động, thực vật quý hiếm, khí hậu ôn hòa quanh năm. Côn Đảo có ngư trường rộng lớn đang là địa bàn đánh bắt hải sản của ngư dân các tỉnh từ miền Trung trở vào. Du lịch sinh thái môi trường và du lịch về lịch sử cách mạng là mũi nhọn trên bước đường phát triển của Côn Đảo. Với vị trí địa lý, tự nhiên và xã hội, môi trường sinh thái, ngày 25-10-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 264/2005/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển kinh tế xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng Côn Đảo thành Khu Kinh tế du lịch- dịch vụ chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế. Côn Đảo bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, giá trị thiên nhiên biển- đảo, vườn quốc gia và khu di tích lịch sử cách mạng. Côn Đảo lấy phát triển du lịch bền vững làm nền tảng, cùng với đó là phát triển các loại hình du lịch: sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, văn hóa lịch sử và các loại hình dịch vụ giải trí hiện đại khác. Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu cũng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển Côn Đảo đến năm 2020. Trong các năm qua, Côn Đảo ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông và các cảng hàng không, cảng biển, giữ gìn và quản lý môi trường từ việc cung cấp nước sạch đến thu gom, xử lý rác thải, tạo ra môi trường trên đảo- dưới biển xanh- sạch- đẹp, đảm bảo phát triển một cách bền vững.   

Bãi biển Côn Đảo.

Giờ đây, đến Côn Đảo có đường bay từ Cần Thơ, tăng tần suất bay TP Hồ Chí Minh- Côn Đảo từ 7 chuyến/tuần lên 14 chuyến/tuần, tàu cao tốc Bà Rịa- Vũng Tàu- Côn Đảo; Trần Đề- Côn Đảo, sóng điện thoại di động phủ khắp đảo… Côn Đảo nay đã thu hút gần 10 dự án đầu tư vào du lịch từ ngoài, với tổng mức đầu tư trên 400 triệu USD và gần 10 dự án trong nước quy mô lớn, tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng. Trong đó Dự án Cảng thương mại dịch vụ dầu khí với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD đang triển khai.

Tháng 7-2017, Công ty cổ phần tàu cao tốc Superdong Kiên Giang khai trương chuyến tàu cao tốc Superdong Côn Đảo I đưa du khách đến Côn Đảo trong lộ trình vận hành 2 giờ 30 phút. Theo bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tàu cao tốc Superdong Kiên Giang, từ giữa tháng 3-2017, công ty khởi động Dự án bến tàu cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo tại thị trấn Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, gồm cầu cảng, kè bờ, nhà ga bán vé, nhà chờ, nhà hàng, phòng đọc sách, bãi xe, khách sạn, công viên, khu vui chơi giải trí… với tổng kinh phí 140 tỉ đồng (trong đó tàu cao tốc Superdong Côn Đảo I là 50 tỉ đồng). Ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Ban Quản lý các khu di tích Côn Đảo, cho biết: “Với người dân Côn Đảo, tuyến tàu cao tốc Trần Đề- Côn Đảo là một trong những tuyến giải quyết khó khăn về vận tải, rút ngắn thời gian đi lại từ Côn Đảo đến đất liền”.

Giờ đây, bên cạnh giữ gìn và phát huy di tích lịch sử, Côn Đảo sẽ phát triển bền vững như một vùng kinh tế đặc thù. 

QUỐC KHÁNH- HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết