07/12/2008 - 09:50

Triển khai thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân (kỳ 25)

Câu hỏi 119: Luật thuế TNCN điều tiết vào những người làm ăn chân chính, làm cho liên doanh nước ngoài? Thế còn các vị quan chức to, người ta mang quà tới biếu xén nhờ vả, có nên đánh thuế quà biếu không?

Trả lời: Việc thu thuế phải căn cứ vào pháp luật và cơ quan thuế chỉ thu thuế đối với các khoản thu nhập được luật quy định. Những khoản thu nhập khác không thuộc điều chỉnh của luật thuế sẽ được điều chỉnh bởi các luật, pháp lệnh liên quan, ví dụ Luật Phòng, chống tham nhũng, các quy định liên quan tới đăng ký kê khai tài sản...

Câu hỏi 120: Khi cả nước ta đang dùng thanh toán bằng tiền mặt như thế này thì Luật thuế TNCN có quản lý hết được nguồn thu hay không?

Trả lời:

Đây cũng là vấn đề đặt ra cho ngành thuế. Trong lúc việc thanh toán bằng tiền mặt phổ biến thì cùng với việc xúc tiến đề án triển khai thanh toán qua ngân hàng của Chính phủ, cơ quan thuế cũng áp dụng các phương pháp quản lý thuế để tăng cường quản lý nguồn thu.

Trước hết ngành thuế sẽ áp dụng biện pháp khấu trừ tiền thuế để nộp vào ngân sách trước khi trả thu nhập cho các cá nhân có thu nhập chịu thuế như: thu nhận từ tiền lương tiền công, đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, trúng thưởng... Đối với các khoản thu nhập khác thì người nộp thuế phải tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu kê khai. Cơ quan thuế sẽ thực hiện cấp mã số thuế, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, kết nối đối chiếu thông tin với các cơ quan hữu quan để kiểm tra, đối chiếu thu nhập...

Bên cạnh việc tuyên truyền chính sách thuế, tôn vinh các cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế sẽ xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, cố tình trốn tránh, gian lận thuế để đảm bảo bình đẳng về nghĩa vụ thuế.

Câu hỏi 121: Mức lương hằng tháng của tôi dưới mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Nhưng cuối năm, khi công ty thưởng tháng lương thứ 13 thì phòng kế toán lại chuyển tháng lương này vào lương tháng cuối cùng của năm và tôi bị trừ tiền thuế TNCN vì tổng tiền nhận tháng đó ở mức phải đóng thuế. Xin hỏi công ty làm như vậy có đúng luật không?

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện hành, lương tháng 13 hay tất cả các khoản thưởng tháng, năm, lễ, tết... đều được gọi là khoản thu nhập thường xuyên. Thu nhập thường xuyên chịu thuế là số tiền của cá nhân thực nhận tính bình quân tháng trong năm trên 5 triệu đồng/tháng. Vào mỗi tháng, nếu thu nhập của người lao động ở mức phải đóng thuế thu nhập, công ty phải thực hiện việc khấu trừ tại nguồn để tạm nộp thuế cho phần thu nhập vượt quá này. Vào cuối năm, công ty sẽ phải thực hiện quyết toán thuế, tổng hợp toàn bộ thu nhập các tháng trong năm của người lao động để tính thu nhập chịu thuế bình quân tháng làm căn cứ xác định số thuế phải thực nộp cả năm, đối chiếu với số đã nộp hàng tháng, nếu thiếu thì nộp thêm còn thừa thì được thoái trả.

Vì vậy trong trường hợp của bạn, việc công ty khấu trừ ngay lúc phát sinh thu nhập chịu thuế là phù hợp, nhưng bạn phải kiểm tra lại là vào cuối năm công ty có thực hiện việc tính toán lại thu nhập bình quân tháng của bạn như đã nói trên để xác định chị có thuộc diện phải chịu thuế thu nhập hay không, nếu thu nhập bình quân tháng của bạn không phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì công ty sẽ phải hoàn trả tiền thuế thu nhập tạm nộp của chị.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm 1-1-2009 khi Luật thuế TNCN có hiệu lực sẽ áp dụng cách tính thuế khác hiện nay. Theo đó, tổng thu nhập từ tiền lương hằng tháng của chị trừ đi khoản giảm trừ gia cảnh cho bản thân chị (4 triệu đồng/tháng), trừ đi khoản giảm trừ của người phụ thuộc nếu có (1,6 triệu đồng/tháng), trừ đi các khoản đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phần còn lại (nếu có) sẽ là thu nhập tính thuế.

Câu hỏi 122: Tôi có thu nhập lương bình quân 10 triệu đồng/tháng, vợ tôi khoảng 3 triệu đồng/tháng. Chúng tôi có một con nhỏ, hai em trai đang học đại học và cha mẹ của tôi đã già(cha tôi có lương hưu khoảng 1,5 triệu đồng/tháng). Như vậy giảm trừ gia cảnh của tôi được tính như thế nào khi tính thuế TNCN?

Trả lời:

Vợ bạn có thu nhập 3 triệu đồng/tháng, sau khi giảm trừ gia cảnh cho chính bản thân là 4 triệu đồng/tháng sẽ không còn thu nhập để đóng thuế TNCN. Nhưng vợ bạn có khả năng lao động và có thu nhập nên không được tính là người phụ thuộc của bạn.

Cha của bạn có lương hưu 1,5 triệu đồng/tháng, thu nhập từ lương hưu thì được miễn thuế TNCN. Nhưng mức lương hưu này của cha bạn có thể cao hơn mức quy định của Chính phủ (dự kiến là mức lương tối thiểu chung) đối với trường hợp cha mẹ có thu nhập thấp để tính là người phụ thuộc, vì vậy cha của bạn không được tính là người phụ thuộc.

Em đang học đại học chỉ có thể được tính là người phụ thuộc của cha mẹ, không thể tính là người phụ thuộc của anh chị, cho dù anh chị có nuôi em ăn học ngoại trừ trường hợp em không có nơi nương tựa (không có cha mẹ) được anh chị trực tiếp nuôi dưỡng. Vì vậy, hai em trai của bạn không phải là người phụ thuộc của bạn.

Mẹ bạn và con nhỏ của bạn được tính là người phụ thuộc của bạn, với mức 1,6 triệu đồng/người/tháng, tổng cộng là 3,2 triệu/tháng; với điều kiện là đã kê khai là người phụ thuộc của bạn thì không được kê khai trùng cho người nộp thuế khác.

Như vậy thu nhập chịu thuế của bạn sẽ là: 10 triệu (lương) - 4 triệu (giảm trừ gia cảnh chính bản thân) - 3,2 triệu (hai người phụ thuộc) = 2,8 triệu. Bạn sẽ nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần, với mức thuế suất 5%, vậy số thuế bạn phải nộp là: 2,8 triệu x 5% = 140.000 đồng/tháng.

(Còn tiếp)

Nguồn: “Luật Thuế thu nhập cá nhân và giải đáp các tình huống” - Bộ Tài chính

Chia sẻ bài viết