06/11/2018 - 09:38

Tình trạng ‘’làm việc tới chết’’ tại Hàn Quốc 

Chae Soo-hong làm việc tại một công ty thực phẩm chuyên cung ứng jangjorim, món thịt heo được nấu với nước tương nổi tiếng tại Hàn Quốc. Nhiệm vụ của anh là đảm bảo khâu sản xuất đạt tiêu chuẩn và đúng thời hạn.

Những ngày trong tuần, Chae thường đi đến các nhà máy để giám sát khâu sản xuất. Còn vào ngày thứ 7, anh đến văn phòng công ty để làm công việc giấy tờ. Ngay cả sau khi về nhà, anh cũng không được “rảnh tay”, phải nhận các cuộc gọi từ các nhân viên nhà máy, chủ yếu là lao động nhập cư nước ngoài vốn cần được giúp thích nghi cuộc sống tại Hàn Quốc.

Chae Soo-hong và vợ lúc sinh thời. Ảnh: CNN

Và khi công ty ngày càng có nhiều việc để làm, Chae càng bị công việc đè nặng. Theo CNN, Chae qua đời lúc 7 giờ tối một ngày thứ 7 của tháng 8-2017. Đồng nghiệp phát hiện anh gục ngã trên sàn văn phòng làm việc. Đến nay, nguyên nhân dẫn tới cái chết của Chae vẫn chưa được xác định.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ Hàn Quốc, Chae chỉ là một trong số hàng trăm người phải bỏ mạng trong năm 2017 do làm việc quá sức.  Cũng trong năm ngoái, một nhân viên bưu điện bị thương trong một vụ tai nạn nhưng vẫn buộc phải đi làm. Anh này sau đó đã để lại một “tâm thư” rồi tự sát. Còn hồi tháng 7 năm nay, một nhân viên khác đã tự thiêu ngay tại văn phòng làm việc. Cái chết của anh xảy ra chỉ 2 tháng sau khi 2 nhân viên khác bị nghi tử vong do làm việc quá sức.

Trong số các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) - câu lạc bộ các nước giàu nhất thế giới, dân Hàn mỗi tuần làm việc nhiều giờ hơn so với công dân các nước khác. Trước tình trạng này, chính phủ xứ kim chi hồi tháng 7 đã ban hành quy định nhằm giảm số giờ làm việc từ mức tối đa 68 tiếng/tuần xuống còn 40 tiếng/tuần, trong khi giờ làm thêm còn 12 tiếng/tuần. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, quy định này sẽ giúp mang lại “cơ hội tránh xa một xã hội làm việc quá sức và hướng tới một xã hội dành nhiều thời gian với gia đình”. “Điều quan trọng đây sẽ là một giải pháp cơ bản để bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân khi mà nó có thể giúp làm giảm số người chết do làm việc quá sức, do tai nạn công nghiệp cũng như tai nạn do lái xe khi buồn ngủ” – Tổng thống Moon nhấn mạnh.

Song, quy định nói trên đến tháng 1-2019 mới được thực thi hoàn toàn, và nó ban đầu chỉ được áp dụng ở các công ty có hơn 300 nhân viên.  Theo CNN, một trong những công ty đầu tiên thực hiện quy định này là KT, nhà cung cấp dịch vụ di động lớn thứ hai Hàn Quốc. Theo đó, người lao động tại đây được về nhà khi hết giờ làm việc và không được khuyến khích làm thêm giờ. Kim Jung-jun, người hiện đang làm mảng quan hệ công chúng của công ty, cho biết quản lý của anh mỗi ngày sẽ rung chuông và thông báo khi hết giờ làm việc, hối thúc mọi người hoàn thành công việc của mình. Trong thời gian 3 tháng kể từ khi quy định mới bắt đầu có hiệu lực, Kim nói rằng anh ngủ được nhiều hơn và có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình và bạn bè.

Quy định mới cũng mang lại nhiều lợi ích hơn cho xã hội. Bộ Lao động Hàn Quốc hồi tháng 8 cho biết khoảng 43.000 việc làm đã được tạo ra bởi các công ty buộc phải thuê thêm lao động thay vì ép các nhân viên hiện tại của công ty phải làm thêm giờ.

Báo động tỷ lệ tự tử cao kỷ lục ở giới trẻ Nhật Bản 

Tỷ lệ tự tử ở giới trẻ Nhật Bản đã tăng lên ngưỡng cao kỷ lục trong vòng 30 năm trở lại đây, cho dù tổng số vụ tự tử tại nước này đã giảm đều trong 15 năm qua.

Bộ Giáo dục Nhật Bản ngày 5-11 công bố kết quả khảo sát cho thấy có tổng cộng 250 trẻ em bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đã tự tử trong năm tài chính tính đến tháng 3 vừa qua. Đây là mức cao nhất tính từ năm 1986 khi có tới 268 học sinh tự tử. Trong số 250 trường hợp, có 33 em được cho là tự tử vì lo ngại tới tương lai bản thân, 31 em có vấn đề về gia đình, 10 em bị bắt nạt, 140 trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số vụ tự tử ở tất cả các nhóm tuổi tại nước này năm 2017 đã giảm xuống 21.321 vụ, từ mức cao đỉnh điểm 34.427 vụ  năm 2003.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết