25/03/2024 - 08:23

Tình thương và trách nhiệm 

Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) TP Cần Thơ luôn nỗ lực làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Ðồng thời, quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cũng như tạo điều kiện để đội ngũ viên chức, người lao động (VC, NLÐ) học tập nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng... nhằm góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác chăm sóc đối tượng yếu thế tại Trung tâm.

Quan tâm, chăm sóc trẻ nhóm sơ sinh là niềm vui hằng ngày của các cô. Ảnh do đơn vị cung cấp

Tận tâm, chu đáo

Từ sáng sớm, nhân viên nhà bếp chuẩn bị sẵn sàng nguyên liệu để chế biến bữa ăn, phục vụ các đối tượng hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm. Các phần ăn nóng sốt, đảm bảo dinh dưỡng, hợp vệ sinh, phục vụ chu đáo từng nhóm đối tượng.

Ngày làm việc của cô Lư Thảo Ngọc và cô Chung Minh Huệ ở nhóm sơ sinh bắt đầu từ 6 giờ 30 phút. Sau khi tiếp nhận, nắm tình hình ca trực trước, cô Ngọc và cô Huệ vui vẻ bắt tay vào việc. Các cô đút bé ăn, làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo sạch sẽ và bày các trò chơi; sau đó thu gom quần áo, giặt giũ, lau dọn phòng ở, nhà vệ sinh… Cô Ngọc cho biết: “Nhóm có 27 trẻ. Mỗi người chúng tôi đảm trách phần việc của mình nhưng luôn choàng gánh, hỗ trợ nhau để các bé được chăm sóc tốt nhất. Chúng tôi quan tâm theo dõi tình hình sức khỏe từng bé, để báo nhân viên y tế kịp thời thăm khám, cấp thuốc đối với các bệnh lý thông thường. Những trường hợp phải nhập viện, các cô phân chia túc trực, chăm sóc đến khi bình phục”.    

Cô Chu Thị Then trực tiếp chăm sóc các đối tượng thuộc nhóm tâm thần, chia sẻ, năm 2009, sau khi nghỉ việc nhân viên bán hàng siêu thị, cô vào làm việc tại Trung tâm. Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, được các đồng nghiệp nhiệt tình hướng dẫn, cô Then quen việc và gắn bó đến nay vì yêu thương, đồng cảm và muốn được sẻ chia những thiệt thòi với các đối tượng. Cô Then nói: “Nhóm chia ca (ban ngày 2 người, ban đêm 3 người/ca) trực tiếp chăm sóc 25 người tâm thần, từ ăn uống, ngủ nghỉ đến vệ sinh cá nhân. Ðó là chưa kể phải túc trực ngày đêm chăm sóc khi người bệnh tâm thần nhập viện điều trị. Mỗi trường hợp điều trị khỏi bệnh, xuất viện, chúng tôi vui mừng khôn tả, thêm động lực để làm tốt công việc”.

Theo ông Lý Trọng Nhân, Trưởng Phòng Y tế, khi cần, VC, NLÐ các nhóm được linh động điều phối đảm trách hoạt động, nhất là thời điểm nhiều đối tượng mắc bệnh cùng nhập viện, các cô trong nhóm phải theo chăm sóc... Bên cạnh đảm bảo tốt chuyên môn, các VC, NLÐ được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ; đồng thời, được tạo điều kiện tham gia các sự kiện, sinh hoạt vui chơi để thư giãn, nạp “năng lượng”.

Ðồng cảm và sẻ chia   

Trung tâm CTXH thành phố đang chăm sóc và nuôi dưỡng 100 đối tượng, từ 1 tháng tuổi đến 53 tuổi, với 5 nhóm: sơ sinh có 27 em; thiếu nhi nam có 17 em; thiếu nhi nữ 17 em; 14 người bại não; 25 người tâm thần. Có 42 VC, NLÐ trực tiếp đảm trách việc chăm sóc đối tượng. Ngoài chế độ trợ cấp tiền ăn theo quy định, các đối tượng được bổ sung thực phẩm dinh dưỡng từ nguồn hỗ trợ vào các bữa ăn phụ. Hằng ngày, thực đơn được thay đổi phù hợp, đảm bảo dinh dưỡng, ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Trung tâm còn bố trí VC, NLÐ túc trực tại phòng chăm sóc đặc biệt để theo dõi diễn biến sức khỏe số đối tượng mới nhiễm bệnh, sau điều trị bệnh. Năm 2023, có 1.786 lượt đối tượng được khám và điều trị tại chỗ các bệnh lý thông thường; 149 lượt đối tượng bệnh nặng được khám và điều trị tại bệnh viện; 256 lượt đối tượng được hướng dẫn tập vật lý trị liệu phục hồi thể trạng, sức khỏe.

Thời gian tới, Trung tâm CTXH thành phố xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị phục vụ nuôi dưỡng đặc biệt người bệnh nặng; chăm sóc y tế, mua và sử dụng thuốc điều trị cũng như quan tâm thay đổi thực đơn, nâng chất lượng bữa ăn dinh dưỡng hằng ngày cho đối tượng. Ông Hồ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm CTXH thành phố, cho biết: “Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt được chú trọng, ngày càng nâng cao chất lượng. Ban Giám đốc Trung tâm luôn nhắc nhở, động viên đội ngũ VC, NLÐ làm tốt công tác chăm sóc, đảm bảo sức khỏe ổn định, an toàn cho các đối tượng. Ðồng thời, quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cũng như tạo điều kiện để VC, NLÐ tham gia các khóa tập huấn chuyên môn, học tập nâng cao trình độ; các hoạt động tập thể giao lưu, học tập kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả chăm sóc đối tượng yếu thế tại Trung tâm”.

ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết