31/07/2019 - 09:35

Thương chiến Mỹ - Trung: Hy vọng gì ở vòng đàm phán mới? 

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer hôm 30-7 đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn tại nhà khách quốc gia Tây Giao, thành phố Thượng Hải, bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới kéo dài 2 ngày giữa hai nước.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) tiếp hai quan chức Mỹ. Ảnh: SCMP

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) tiếp hai quan chức Mỹ. Ảnh: SCMP

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa quan chức hai cường quốc kinh tế lớn nhất nhì thế giới kể từ khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí nối lại đàm phán trong cuộc gặp ở Nhật Bản hồi tháng 6.

Theo nhà nghiên cứu Ni Yueju tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, vòng đàm phán này sẽ tập trung vào những vấn đề vẫn chưa được giải quyết, như quyền sở hữu trí tuệ, cân bằng thương mại, biện pháp thuế quan và lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty Trung Quốc. Ngoài ra, hai bên có thể thảo luận chuyện Trung Quốc nối lại việc mua nông sản Mỹ.  Trong khi đó, các nguồn tin thạo tin dự báo, đại diện hai nước còn luận bàn xung quanh vấn đề của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei.

Phát biểu với hãng tin CNBC, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng ông “không kỳ vọng đạt được bất kỳ thỏa thuận lớn nào” trong vòng đàm phán này. Trong khi đó, Jake Parker, giám đốc Văn phòng Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung tại Trung Quốc cho biết, kỳ vọng về một bước đột phá lớn là rất thấp. Tuy vậy, ông Parker hy vọng cả hai bên sẽ có cách tiếp cận thực dụng và thực tế để đi đến thỏa hiệp. Còn Tổng thống Trump thì cho rằng có thể Bắc Kinh sẽ không đặt bút ký vào một thỏa thuận thương mại với Washington cho đến khi có kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. “Cá nhân tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ ký một thỏa thuận dù tôi chỉ có 2% thua trong cuộc bầu cử. Thay vào đó, Trung Quốc có thể sẽ nói “Hãy chờ đợi. Có lẽ ông Trump sẽ thua và chúng ta sẽ đàm phán với một nhà lãnh đạo khác” - chủ nhân Nhà Trắng bình luận trước thềm diễn ra vòng đàm phán thương mại mới với Trung Quốc.

Về phần mình, các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng loạt đưa tin nước này đã mua thêm nhiều nông sản Mỹ. Cụ thể, Tân Hoa Xã hôm 28-7 cho biết, hàng triệu tấn đậu nành Mỹ đã được chuyển tới Trung Quốc kể từ ngày lãnh đạo hai nước gặp nhau tại Nhật Bản. Song, dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy chỉ có 1,02 triệu tấn đậu nành được chuyển đến Trung Quốc trong giai đoạn từ ngày 28-6 đến 18-7. Còn Đài truyền hình trung ương Trung Quốc dẫn dữ liệu của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia và Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, các doanh nghiệp nước này đã liên lạc với các nhà cung ứng Mỹ để mua đậu nành, bông, thịt heo, cao lương và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác kể từ ngày 19-7. Trong đó, một vài thỏa thuận đã được ký kết.

Tờ Nhân dân Nhật báo trong một bài bình luận gọi đó là “động thái thực tiễn” mà một lần nữa cho thấy sự chân thành của Trung Quốc nhằm phá bỏ thế bế tắc hiện tại trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, với động này, CNBC cho rằng Bắc Kinh muốn Washington đáp lại bằng cách dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Huawei. Trước đó, chính quyền Trump đã đưa hãng công nghệ này vào danh sách đen thương mại của Mỹ, cấm hãng này mua các bộ phận và linh kiện từ các công ty xứ cờ hoa.

Theo Reuters, Tổng thống Trump hồi tuần trước đã có cuộc gặp với giám đốc điều hành 7 “ông lớn” công nghệ Mỹ, gồm Google và Broadcom, để thảo luận về Huawei cũng như những vấn đề có liên quan. Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Mỹ quyết định cho phép những công ty này bán linh kiện cho Huawei nếu điều này không đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Wendy Cutler, cựu quan chức thương mại Mỹ và hiện là Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, cho rằng bằng cách công khai cuộc gặp, Washington muốn gửi đi tín hiệu rằng Bắc Kinh nên “nương tay” với các sản phẩm nông nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa cấp phép cho cho tổng cộng khoảng 50 đơn yêu cầu xuất khẩu linh kiện cho khoảng 35 công ty và điều này gây tâm lý hoài nghi về sự nhượng bộ của chính quyền Trump trước Trung Quốc.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết