29/01/2019 - 10:46

Thuốc chống ung thư từ trứng gà biến đổi gien 

Các nhà khoa học Anh đang lai tạo giống gà biến đổi gien mà trứng chúng đẻ ra có chứa prôtêin hoặc thuốc cần thiết giúp điều trị viêm khớp và một số bệnh ung thư.

Gà biến đổi gien đang được nhân giống để nghiên cứu. Ảnh: BBC

Tình trạng cơ thể không sản sinh đủ prôtêin hoặc các hóa chất nhất định có thể dẫn đến một số bệnh nguy hiểm, bao gồm ung thư. Những trường hợp như vậy thường được kiểm soát bằng các loại thuốc chứa prôtêin bị thiếu, nhưng quy trình tổng hợp này hết sức phức tạp và tốn kém.

Trong nỗ lực cắt giảm chi phí, Tiến sĩ Lissa Herron và các đồng sự tại Viện Roslin thuộc Đại học Edinburgh đã nghiên cứu cấy gien người sản sinh prôtêin vào cấu trúc ADN tạo lòng trắng trứng ở gà thí nghiệm. Họ tập trung vào 2 loại prôtêin cần thiết cho hệ miễn dịch: Interferon Alfa-2A có đặc tính kháng vi-rút và ức chế tế bào ung thư mạnh mẽ cùng với đại thực bào-CSF vốn được phát triển như liệu pháp kích thích khả năng tự tái tạo ở các mô bị tổn thương.

Tiến sĩ Herron khẳng định sự hiện diện của prôtêin người không ảnh hưởng đến sự phát triển của gà và chúng vẫn đẻ trứng như bình thường. Với hàm lượng prôtêin tương đối lớn được tách từ lòng trắng trứng, các nhà nghiên cứu ước tính chỉ cần 3 quả trứng từ gà biến đổi gien là đủ để tổng hợp một liều thuốc. Mô hình này hiệu quả hơn về năng suất so với những phương pháp trước đây. Trong đó, các loại “trứng thuốc” rẻ gấp 100 lần so với chi phí sản xuất thuốc tương tự tại các công ty dược phẩm. Với khoảng 300 trứng có thể thu được mỗi năm, nhóm nghiên cứu tin tưởng số lượng gà đủ lớn có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất thương mại.

Hiện quy trình kiểm nghiệm để áp dụng trên người có thể cần 10 đến 20 năm, nhưng công nghệ này trước mắt có thể được sử dụng như vật liệu nghiên cứu hoặc phục vụ lĩnh vực công nghệ sinh học. Trong đó, các nhà khoa học cho biết đang xem xét ứng dụng mô hình gà biến đổi gien để sản xuất thuốc thú y. Điều này giúp hạn chế sử dụng kháng sinh, giảm nguy cơ phát triển các chủng siêu vi khuẩn kháng kháng sinh mới.

Đây không phải lần đầu tiên y học thế giới tạo ra “trứng thuốc” chống lại các bệnh nguy hiểm. Một số nghiên cứu trước đây cho biết động vật biến đổi gien như dê, thỏ và gà có thể được nuôi để sản xuất prôtêin từ sữa hoặc trứng của chúng. Năm 2017, Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến Quốc gia Nhật Bản (AIST) đã thành công lai tạo giống gà biến đổi gen mà trứng của chúng chứa prôtêin interferon beta vốn được sử dụng để nghiên cứu vi-rút và điều trị các bệnh như chứng đa xơ cứng, viêm gan cùng một số loại ung thư như ung thư da ác tính. Bước đột phá này được kỳ vọng giúp giảm 90% chi phí sản xuất interferon beta bởi một vài microgram prôtêin này hiện có giá tới 900 USD. Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết họ đang tập trung cải thiện và ổn định interferon beta với hàm lượng ước tính tới 100 milligram trong một quả trứng. 

ĐƯỜNG THẤT (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết