11/09/2015 - 09:53

Tổng tuyển cử tại Singapore

Thủ tướng Lý Hiển Long đối mặt với thử thách lớn

Hôm nay 11-9, khoảng 2,5 triệu cử tri Singapore sẽ đi bỏ phiếu bầu chọn quốc hội khóa mới, qua đó quyết định người lãnh đạo chính phủ tiếp theo của quốc gia Đông Nam Á vừa tròn 50 tuổi này.

Còn nhớ trong cuộc bầu cử năm 2011, đảng Hành động Nhân dân (PAP) của Thủ tướng Lý Hiển Long dù giành thắng lợi với 80 trên 87 ghế quốc hội nhưng chỉ nhận được sự ủng hộ của 60,1% cử tri bỏ phiếu. Đây là mức thấp nhất trong lịch sử cầm quyền của PAP, giữa lúc người dân "đảo quốc Sư tử" bất bình về giá nhà, chi phí sống và dân nhập cư đều tăng cao. Trong cuộc bầu cử lần này, Andrew Wood, trưởng bộ phận nghiên cứu nguy cơ thuộc trung tâm nghiên cứu BMI có trụ sở tại Singapore, nhận định PAP có khả năng giành được khoảng 60% số phiếu ủng hộ, tức tương đương với năm 2011.

Thủ tướng Lý Hiển Long thể hiện quyết tâm đưa Singapore tiến lên phía trước. Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, Thủ tướng Lý Hiển Long, người lãnh đạo Singapore từ năm 2004, hy vọng hình ảnh lễ kỷ niệm 50 năm ngày quốc khánh Singapore hôm 9-8 vừa qua sẽ giúp nâng cao vị thế của PAP và điều này đã thúc giục ông kêu gọi cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn thay vì phải đợi đến hơn một năm nữa theo nhiệm kỳ. Chiến dịch vận động tranh cử vì thế chỉ kéo dài 9 ngày, ngắn nhất trong lịch sử các cuộc bầu cử ở Singapore.

Có thể nói, so với cách đây 4 năm, cuộc tổng tuyển cử năm nay được dự báo sẽ đặc biệt căng thẳng. Phó Giáo sư Eugene Tan thuộc Đại học Quản lý Singapore thậm chí còn cho rằng đây là cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt, bởi lần đầu tiên từ khi tuyên bố độc lập năm 1965, Singapore sẽ thiếu vắng nhà lập quốc Lý Quang Diệu, người mới qua đời hồi tháng 3 năm nay và là yếu tố đảm bảo thắng lợi cho PAP trong tất cả các cuộc bầu cử trước đây. Lần đầu tiên toàn bộ 89 ghế nghị sĩ trong Quốc hội khóa mới sẽ có sự cạnh tranh giữa các chính đảng. Đây cũng là lần đầu tiên Singapore có số lượng cử tri đông kỷ lục.

Dù PAP gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng và thành lập chính phủ mới, song cuộc bầu cử này, theo nhận định chung của các chính đảng và giới quan sát sở tại, sẽ định hình đường hướng phát triển tương lai của "đảo quốc Sư tử" trong bối cảnh mới ở cả trong và ngoài nước.

Quốc gia 5,5 triệu dân có mức thu nhập bình quân trên đầu người hàng đầu thế giới này không có nguồn tài nguyên thiên nhiên và phụ thuộc vào chính sách mở cửa nhập cư để thu hút lao động giá rẻ hỗ trợ cho chiến lược biến Singapore thành trung tâm dịch vụ tài chính và sản xuất điện tử toàn cầu. GDP tính trên đầu người của Singapore năm 2014 là 56.284 USD, cao hơn người Mỹ.

Thế nhưng, Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ phải cân bằng yêu cầu của công chúng muốn giảm người nhập cư vào quốc gia nhỏ bé này. Cái khó là nếu siết chặt chính sách nhập cư sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế đất nước. Mật độ giao thông công cộng tăng lên khiến các tuyến tàu hỏa thường xuyên trễ hoặc hủy chuyến cũng khiến người dân không hài lòng, trong khi sự bất bình đẳng xã hội đang là vấn đề lớn. Người nhập cư bị dân bản xứ phàn nàn là tranh việc làm và nhà ở, đồng thời gây căng thẳng giao thông và dịch vụ chăm sóc y tế, theo hãng tin Pháp AFP.

Low Thia Khiang, thủ lĩnh đảng Công nhân (WP) đối lập chính ở Singapore ví von rằng Singapore dưới quyền lãnh đạo của PAP như con tàu viễn dương sang trọng Titanic đang quá tải có thể chìm bất cứ lúc nào. Trước khi Quốc hội khóa 12 được giải tán hôm 23-8 để mở đường cho tổng tuyển cử, WP đã giành được 7 ghế nghị sĩ và có quyền điều hành một hội đồng nhân dân. Việc WP tuyên bố sẽ tranh cử 28 ghế (chưa đủ 1/3 số ghế cần thiết để sửa đổi Hiến pháp nếu đắc cử) cho thấy bản thân đảng này không đặt mục tiêu thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử. Thay vào đó, họ muốn củng cố sự hiện diện mạnh mẽ hơn trong Quốc hội Singapore, thách thức vai trò cầm quyền của PAP.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết