02/01/2021 - 06:23

Thế giới kỳ vọng vào năm mới 

Trong bối cảnh dịch giã chưa có hồi kết, thế giới đón mừng năm mới theo những cách chưa từng có và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp hơn.

Người dân Úc tại thành phố Melbourne  hân hoan đón chào năm mới 2021. Ảnh: Getty Images

Người dân Úc tại thành phố Melbourne  hân hoan đón chào năm mới 2021. Ảnh: Getty Images

Cầu pha lê vắng khán giả

 Đúng 11h59’ đêm 31-12 (giờ Mỹ), quả cầu pha lê đã được thả xuống Quảng trường Thời đại ở thành phố New York vào thời khắc đón mừng năm mới. Đây là truyền thống đón năm mới ở New York, song lần đầu tiên quả cầu pha lê được thả xuống mà không có sự chứng kiến trực tiếp của khán giả nào do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.  Quảng trường Thời đại sáng rực nhờ biển hiệu và sân khấu biểu diễn ngoài trời, nhưng chỉ lác đác bóng người, hoàn toàn trái ngược với cảnh tượng “biển người” thường thấy hằng năm trong đêm đếm ngược đón mừng năm mới tại đây.  Cảnh sát được triển khai tại quảng trường để đảm bảo người dân thực hiện giãn cách xã hội và không tập trung đông người dưới bất cứ hình thức nào.

Quả cầu pha lê có đường kính 3,65m, được tạo nên từ 2.688 mảnh tam giác pha lê với nhiều kích thước khác nhau và cần đến 32.256 bóng đèn LED để thắp sáng. Thả quả cầu pha lê đã trở thành thông lệ mỗi năm tại thành phố này từ năm 1907 - thời điểm quả cầu này được làm từ sắt và gỗ với đường kính 1,5m. Để có hình dáng và chất liệu như hiện tại, quả cầu đã trải qua tổng cộng 7 lần cải tạo và nâng cấp. Hằng năm, quả cầu được thay mới 192 mảnh tam giác pha lê và mỗi năm quả cầu mang một thông điệp và ý nghĩa riêng. Trong lịch sử Mỹ, thành phố New York từng hủy sự kiện thả quả cầu pha lê vào năm 1942 và 1943 do thành phố áp đặt lệnh hạn chế trong thời kỳ chiến tranh.

 Trong khi đó, ngoài thông điệp chúc mừng năm mới của Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump, cũng trên Twitter, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã truyền thông điệp kêu gọi người dân Mỹ “đoàn kết, hàn gắn và tái thiết đất nước”. Ông Biden cho rằng những thách thức mà nước Mỹ đối mặt sẽ không thể biến mất trong một sớm một chiều, nhưng ông vẫn hy vọng những ngày tốt đẹp sẽ tới.

Châu Âu lặng lẽ

Do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến nguy hiểm ở châu Âu nên hầu hết người dân lục địa già đều trải qua một đêm giao thừa khá lặng lẽ, đìu hiu.

Tại Bỉ, nhiều người chọn giải pháp đón năm mới ở nhà cùng người thân do chính phủ phải áp lệnh giới nghiêm và siết chặt biện pháp kiểm soát. Tại Anh, người dân cũng không được tụ họp đón mừng năm mới,  nhất là ở thủ đô Luân Đôn, do tình trạng báo động đã được nâng lên mức cao nhất kể từ ngày 1-1.

Đón năm mới tại nhà, không có những màn pháo hoa hay tụ tập cũng là bức tranh chung ở nhiều quốc gia châu Âu khác như Đức, Pháp, Tây Ban Nha…Theo thống kê, trong  ngày 30-12-2020, châu Âu ghi nhận thêm hơn 270.000 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm đến nay lên hơn 23,6 triệu người, trong đó có gần 544.000 người đã tử vong.

Không giống như nhiều nước châu Âu, Nga tránh tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt với hy vọng hỗ trợ nền kinh tế bị dịch bệnh tàn phá nặng nề. Tuy vậy, phần lớn người dân Nga lựa chọn đón năm mới năm nay ở nhà, trong phạm vi gia đình, cùng với người thân, bạn bè. Trong bài phát biểu mừng năm mới được phát sóng trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận làn sóng dịch COVID-19 thứ hai vẫn chưa chấm dứt và đang tiếp tục tàn phá đất nước, nhấn mạnh “cuộc chiến chống dịch bệnh không dừng lại dù chỉ 1 phút”. Ông kêu gọi toàn thể người dân Nga “chung sức, chung lòng” nhằm đẩy lùi đại dịch.

Châu Á lạc quan

Người dân nhiều nước châu Á đã cùng nhau đón chào năm mới 2021 trong không khí trầm lắng hơn mọi năm do đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành. Tuy nhiên, ở một vài nơi vẫn có những nét sôi động, mang đến niềm vui và tinh thần tích cực với hy vọng thế giới sẽ có một năm mới nhiều may mắn hơn.

Người dân Thái Lan đã đón năm mới với màn trình diễn pháo hoa và ánh sáng kéo dài 5 phút bên bờ sông Chao Phra-ya nổi tiếng. Dù chương trình năm nay phải rút gọn nhưng vẫn có một điểm nhấn đáng nhớ là thông điệp động viên của người dân Thái Lan gửi tới người dân toàn thế giới đang phải gồng mình chống dịch.

Tại Nhật Bản ngày đầu năm mới, Nhật Hoàng Naruhito gửi tới người dân thông điệp bày tỏ tri ân các nhân viên y tế trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, nêu bật những khó khăn và thách thức mà các nhân viên y tế tuyến đầu đang phải chống đỡ trong bối cảnh số ca mắc mới ngày một tăng cao. Xuất hiện bên Nhật Hoàng Naruhito, Hoàng hậu Masako chia sẻ: “Chúng tôi cầu nguyện năm 2021 sẽ là một năm thái bình cho tất cả mọi người”. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định chính phủ nước này sẽ làm mọi việc có thể để kiểm soát dịch COVID-19 và gấp rút chuẩn bị cho các thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo vào mùa hè năm 2021.

 Đáng chú ý,  nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 1-1 có thư viết tay chúc mừng năm mới tới toàn thể người dân nước này. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải nguyên văn bức thư, trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un chúc các gia đình trên cả nước có cuộc sống hạnh phúc, tràn ngập yêu thương và sức khỏe dồi dào. Cùng với đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cam kết trong năm mới này ông sẽ nỗ lực để có thể mang đến một kỷ nguyên mới mà trong đó những mong muốn và nguyện vọng của người dân sẽ thành hiện thực.

Đây là lần đầu tiên ông Kim Jong-un gửi thư viết tay chúc mừng năm mới tới người dân kể từ khi lên lãnh đạo đất nước sau khi cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong Il qua đời cuối năm 2011. Ông cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên ở Triều Tiên gởi thông điệp chúc mừng năm mới tới người dân kể từ năm 1995.

 TTXVN

Chia sẻ bài viết