09/11/2009 - 08:40

Thao thức mùa dưa...

Như thường lệ, sau mỗi vụ lúa vừa thu hoạch là những người chuyên trồng dưa hấu ở miệt Gò Công, tỉnh Tiền Giang, lại khăn gói đi mướn đất ruộng để trồng dưa. Mỗi vụ dưa kéo dài khoảng 2,5 tháng với những ngày người trồng dưa phải “ăn, ngủ, thức cùng dưa”, để đưa ra thị trường những trái dưa hấu xanh vỏ, đỏ ruột cùng vị ngọt ngào xen lẫn vị mặn mồ hôi...

“Dưa ruộng lạ, mạ ruộng quen”

Nhiều năm trước đây, Gò Công là nơi trồng dưa nổi tiếng với giống dưa An Tiêm trái to, ruột cát (xốp) được trồng vào khoảng tháng 10 âm lịch để bán chưng Tết. Sau này, người trồng dưa chuyển sang trồng các loại dưa Hắc Mỹ Nhân, Hắc Long, Thanh Mỹ Nhân... quanh năm vì các giống dưa này có vị ngọt đậm đà, vỏ dày, có thể vận chuyển xa được. Qua đúc kết của hộ trồng dưa cha truyền con nối là “dưa ruộng lạ, mạ ruộng quen” nên ngày càng có nhiều người ở các vùng chuyên trồng dưa như xã Bình Nhì, Bình Trung... đi mướn đất ở những nơi khác để trồng. Thực tế cho thấy, dưa hấu thường cho năng suất cao ở những ruộng đất mới chưa trồng dưa hoặc trồng đáo vụ sau một năm. Theo anh Nguyễn Văn Bảy, gia đình anh có ba đời đã trồng dưa ở xã Bình Nhì (huyện Gò Công Tây): Sau mỗi vụ lúa là “máu” trồng dưa như trỗi dậy ở những người chuyên sống bằng nghề trồng dưa nên chúng tôi chuẩn bị hành trang, tiền bạc để đi mướn đất trồng dưa ở các huyện lân cận trong tỉnh như Cái Bè, Cai Lậy, Chợ Gạo... hoặc sang cả tỉnh bạn Long An.

Chăm sóc dưa. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, mùa dưa này ở các xã của huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây... có hàng trăm hécta trồng dưa hấu do các hộ dân từ nơi khác đến mướn đất trồng. Mỗi vụ dưa kéo dài khoảng 2,5 tháng cũng là ngần ấy thời gian những người trồng dưa “du canh” sẽ xa nhà. Sau khi thỏa thuận với chủ ruộng về giá đất cho thuê (từ 1-1,5 triệu đồng/công/vụ dưa), họ liền che chòi, dựng lều ngay chân ruộng để có chỗ tạm để ở rồi bắt tay vào việc lên liếp, phủ bạt nông nghiệp, bỏ hạt...và chăm sóc cho đến khi thu hoạch. Ông Nguyễn Tấn Hưng (xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây), một người có thâm niên hơn chục năm chuyên đi mướn đất trồng dưa, kể lại: “Cuộc sống nay đây mai đó với nghề trồng dưa đã quen thuộc với chúng tôi. Mỗi khi đến nơi mới, hành trang mang theo là chiếc xe máy, nồi chảo, mùng mền... và một số vật dụng linh tinh khác. Điều quan tâm nhất là nơi mình đến thuê đất có phù hợp với dây dưa không, chứ không phải là chuyện ăn ở thế nào”. Để không lãng phí thời gian, khi ruộng dưa ở nơi này đang chuẩn bị cắt trái thì họ đã tìm liên hệ thuê đất nơi khác cho vụ sau. Như vậy, trong một năm, họ di chuyển từ 2-3 lần đến các địa phương khác để tìm mướn đất trồng dưa hấu.

Trắng đêm với ruộng dưa

Người xưa có câu “nắng tốt dưa, mưa tốt lúa” nên đối với người trồng dưa, ngày nào trời mưa là đêm đó chủ ruộng dưa thức trắng đêm để canh mực nước trong các mương. Nếu không bơm nước ra kịp thời, ruộng dưa bị ngập, dây dưa héo thì xem như hết cứu chữa! Điều đáng lo nhất là gần đến ngày hái trái mà mưa nhiều thì trái dưa sẽ no nước dẫn đến nứt trái hoặc phát sinh bệnh nấm làm vàng lá, dây héo rũ, chết trước khi dưa chín... Anh Lê Văn Tuấn (xã Thạnh Nhựt) chia sẻ: “Trồng dưa hấu được xem là “xa xỉ” đối với nông dân bởi lẽ người trồng phải “ăn, ngủ, sống, chết” với dưa. Vào những ngày có bão, áp thấp nhiệt đới, mưa nhiều là hầu như anh em tụi tui thức trắng, có bữa bỏ cơm để canh nước trong ruộng dưa. Tuy cực mà vui vì dưa hấu khi đã có trái sẽ rất mau lớn nên người trồng tụi này ham lắm!”.

Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, giá dưa năm nay bình quân khoảng 3.000-4.700 đồng/kg, mỗi hécta thu được khoảng 50 tấn, cá biệt có ruộng dưa trúng đạt đến 60 tấn. Như vậy, với 1 ha trồng dưa, sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư (tiền mướn đất, giống, vật liệu nông nghiệp...), người trồng có thể thu được lợi nhuận khoảng 12-15 triệu đồng sau mỗi vụ (2,5 tháng). Nếu so sánh với trồng lúa hay bắp thì trồng dưa thu nhập cao hơn gấp 4-5 lần. Tuy nhiên, cũng có một số ít người trồng bị lỗ hoặc huề vốn vì ruộng dưa đạt năng suất không cao do mưa nhiều, xảy ra dịch bệnh gây hư trái. Nhưng bù lại, người trồng có thể gỡ lại ở vụ kế tiếp vì trong năm trồng được từ 2-3 vụ dưa. Do đó, sau mỗi năm tổng kết lại, phần lớn người mướn đất trồng dưa đều có lãi. Trong 18 người trong số hàng chục hộ mướn đất trồng dưa tại xã Bình Phục Nhứt, phần lớn bà con đều có cuộc sống khá giả, có điều kiện lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn nhờ nghề trồng dưa. Ông Hưng tâm sự: “Ngày trước, chưa đi thuê đất trồng dưa, cuộc sống gia đình tôi khó khăn lắm. Nhưng bây giờ, nhờ những đồng tiền lãi từ trồng dưa mà tôi nuôi được 2 đứa con đang học đại học”. Một số ruộng dưa tại xã Thạnh Nhựt, Bình Nhì, Bình Phục Nhứt...vừa hái trái trong đợt thu hoạch rộ này đều cho năng suất cao, trung bình đạt từ 50 tấn/ha trở lên, với giá bán từ 4.500-4.700 đồng/kg; người trồng có lãi trung bình từ chục triệu đồng mỗi hécta trở lên.

Vui buồn nghề trồng dưa

Những ruộng dưa hấu rải rác ở các xã của huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây... đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong suốt mùa dưa. Trung bình một người phụ chăm sóc ruộng dưa trong ngày cũng kiếm được từ 50.000-60.000 đồng. Đặc biệt, trong ngày thu hoạch dưa, mỗi ruộng dưa phải cần đến hàng chục lao động để cắt và vận chuyển dưa đến điểm tập kết.

Ông Nguyễn Văn Hai (xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây) đang thuê đất trồng dưa ở ấp Bình Khương I, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo cho biết: “Do việc đi lại, nên chỉ một số người dắt con cháu đi theo làm phụ, còn lại chủ yếu là mướn công lao động tại địa phương. Tùy theo mỗi nơi mà giá nhân công có khác nhau, nhưng thường lúc nào chúng tôi cũng trả cao hơn giá tại địa phương.” Nhờ mối quan hệ đôi bên cùng có lợi nên giữa người đến mướn đất trồng dưa và người địa phương cũng gắn kết tình cảm với nhau sau mỗi vụ dưa. Trong một tối “trà dư tửu hậu”, bên cạnh ruộng dưa sắp hái trái, ông Hai kể lại nhiều kỷ niệm về tình cảm gắn bó, sự hỗ trợ giúp đỡ của bà con ở nhiều địa phương mà ông và mấy anh em cùng xóm đến mướn đất để trồng dưa. Dù mỗi vụ dưa chỉ tròm trèm gần 3 tháng nhưng sau khi chia tay để đi nơi khác, giữa người đi và kẻ ở cũng có nhiều lưu luyến...

Phần lớn là vậy, tuy nhiên cũng có không ít trường hợp người mướn đất trồng dưa ở địa phương khác bị một số ít kẻ xấu hái trộm, bị “hôi trái” trong ngày thu hoạch. Như trường hợp của ông L.V.T. ở xã Bình Trung đến ấp Bình Thọ 1 (xã Bình Phục Nhứt) mướn 5 công đất trồng dưa. Ruộng dưa ông đến ngày cắt gặp ngay thời điểm cơn bão số 10 vừa qua ập đến nên số trái bị hư gần phân nửa. Đã vậy, trong ngày cắt dưa, vợ ông lại bị bệnh phải nhập viện nên chỉ có mình ông loay hoay quản lý chuyện cắt và gánh dưa. Lợi dụng tình thế đó, một số người xấu đã xông vào “hôi dưa” gần hết số dưa loại II vì cho rằng dưa bỏ!? Sau khi tính toán chi phí vụ dưa này, nghe nói ông T. bị lỗ gần 10 triệu đồng nên ông đã xếp hành trang tiếp tục tìm đất khác mướn để trồng vụ khác gỡ vốn.

Bài, ảnh: NGUYỄN HỮU

Chia sẻ bài viết