10/01/2021 - 08:09

Tham vọng vaccine COVID-19 của Trung Quốc 

Việc Trung Quốc vào ngày cuối năm 2020 cấp phép sử dụng đại trà cho vaccine COVID-19 nội địa đầu tiên do Công ty dược Sinopharm phát triển mở ra cơ hội để Bắc Kinh thực hiện tham vọng y tế lớn trong và ngoài nước.

Người dân Trung Quốc được tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Xinhua

Theo tờ The Diplomat, loại vaccine COVID-19 do Sinopharm phát triển có hiệu quả 79%. Hiện có 9 nhóm được ưu tiên tiêm loại vaccine này, gồm nhân viên y tế, nhân viên giao hàng, những người có công việc phải đi nước ngoài, công chức và nhân viên các dịch vụ tiện ích. Giới chức Trung Quốc cho biết, chỉ trong 2  ngày đầu năm, hơn 73.500 người đã được tiêm liều đầu tiên. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng hàng triệu người ở Trung Quốc vì tình huống khẩn cấp đã được tiêm liều đầu tiên trước khi cơ quan chức năng “bật đèn xanh”. Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho 50 triệu dân trước Tết Nguyên đán.

Mới đây, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc tuyên bố có thể sản xuất 1 tỉ liều vaccine để không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đáp ứng được lượng lớn đơn đặt hàng từ nhiều quốc gia khác. Ðến nay, ít nhất 10 nước ở Mỹ Latinh, Trung Ðông và châu Á đăng ký mua vaccine COVID-19 của Trung Quốc. Cụ thể, Pakistan cuối năm ngoái thông báo kế hoạch mua 1,2 triệu liều vaccine từ Trung Quốc. Một quan chức cấp cao Hungary thì cho biết chính phủ nước này có ý định dựa vào vaccine nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc. Ukraine cũng đã ký hợp đồng mua 1,8 triệu liều vaccine từ Hãng dược phẩm Sinovac, nơi đã bán hơn 300 triệu liều, hầu hết là cho các nước có thu nhập thấp và trung bình (Thái Lan, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines... đã phê chuẩn vaccine này). Những hợp đồng như vậy có thể giúp các nhà sản xuất vaccine của Trung Quốc khôi phục lòng tin quốc tế sau một loạt bê bối kém chất lượng và tham nhũng. Nhiều thập niên qua, các nhà chế tạo vaccine Trung Quốc chỉ tập trung phục vụ thị trường trong nước.

Vì thế, mục tiêu phát triển vaccine COVID-19 của Trung Quốc được cho là đầy tham vọng. Song, nó phản ánh mong muốn của Bắc Kinh trong việc cải thiện vị thế quốc tế đang bị xuống thấp của mình. Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp Ðại Hội đồng Y tế Thế giới hồi tháng 5 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xác định kế hoạch phát triển và triển khai vaccine COVID-19 là “hàng hóa công cộng toàn cầu”. “Ðây sẽ là đóng góp của Trung Quốc trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận và mua vaccine của các nước đang phát triển” - nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh. Trong động thái nhằm toàn cầu hóa vaccine, Bắc Kinh hồi tháng 10 đã tham gia sáng kiến vaccine toàn cầu mang tên COVAX nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cung cấp vaccine phòng COVID-19 trên toàn thế giới.

Tính đến cuối năm 2020, tổng cộng 11 ứng viên vaccine được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, trong đó có 4 của Trung Quốc. Ðến nay, vaccine của Trung Quốc được thử nghiệm trên người tại hơn một chục quốc gia, gồm Argentina, Bahrain, Bangladesh, Brazil, Ai Cập, Indonesia, Maroc, Pakistan, Peru, Nga, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.

“Mặc dù Trung Quốc phải trả cái giá rất đắt về ngoại giao cho sự thất bại trong việc kiểm soát virus Corona ngay từ đầu, nhưng Bắc Kinh đã sẵn sàng phục hồi danh tiếng bị tổn hại bằng cách trở thành nhà cung cấp dịch vụ y tế cho các nước đang phát triển. Ðiều này thể hiện rõ nhất ở Ðông Nam Á. Rõ ràng, đại dịch đã mang lại cho Bắc Kinh cơ hội tự thể hiện mình như đối tác đáng tin cậy của các nước châu Á trong bối cảnh khu vực này đang tìm cách phục hồi sau đại dịch” - nhà báo Sebastian Strangio của tờ The Diplomat nhận định.

Giới chuyên gia cho rằng ngoài những lợi ích về danh tiếng mà Trung Quốc đạt được, việc thử nghiệm vaccine COVID-19 ở nhiều nước của Trung Quốc sẽ giúp củng cố hoặc hồi sinh sáng kiến “Vành đai, Con đường”, không chỉ giúp Trung Quốc cung cấp các khoản trợ cấp và cho vay để các nước mua vaccine mà còn tạo điều kiện cho Bắc Kinh kết hợp phân phối vaccine với xúc tiến các dự án phát triển khác.

TRÍ VĂN (Theo The Diplomat, SCMP)

Chia sẻ bài viết