Khi cuộc đảo chính đang diễn ra, cơ quan quản lý hàng hải của Thổ Nhĩ Kỳ đã cho đóng cửa tàu vận tải dầu lửa qua Eo biển Bosphorus tại Istanbul trong ngày 16-7 vì lý do "an toàn và an ninh", ngoại trừ tàu chở hàng đặc biệt được cấp phép. Đây là tuyến giao thương đường thủy quan trọng kết nối châu Âu và châu Á. Tất cả chuyến bay đi và đến từ phi trường Ataturk ở Istanbul đều phải hủy bỏ
Trước mối đe dọa bất an tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn tuyên bố nó "không có tác động" đến căn cứ không quân Incirlik và chiến dịch không kích chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ căn cứ này sẽ tiếp tục.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cuộc đảo chính dù bất thành của một nhóm nhỏ quân đội có thể đe dọa đến chiến dịch chống IS của Mỹ ở Iraq và Syria. Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trước nay luôn vững chắc và càng được mở rộng hợp tác trong cuộc chiến chống IS. Blaize Misztal, giám đốc an ninh quốc gia thuộc Trung tâm chính sách lưỡng đảng Mỹ, cho rằng kịch bản tồi tệ nhất trong cuộc đảo chính thất bại là nó đẩy Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu vào cuộc đấu đá quyền lực kéo dài. "Ngay cả khi cuộc đảo chính nhanh chóng bị xóa sổ và gặp kháng cự yếu ớt thì nó vẫn có thể gây bất ổn định ở phía trước" - ông Misztal nhận định.
Thổ Nhĩ Kỳ là cầu nối giữa châu Âu và Trung Đông, có quân đội lớn thứ hai trong khối NATO, chỉ sau Mỹ và có nền kinh tế lớn thứ hai khu vực. Bất chấp những trang dài đảo chính quân sự, quốc gia 80 triệu dân mà đa số là người Hồi giáo này có nền dân chủ lâu đời nhất khu vực và giúp đảm bảo sự ổn định ở Đông Nam Âu và Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có nhiều cơ sở quân sự, trung tâm tình báo quan trọng của Mỹ và NATO. Mỹ có khoảng 2.200 quân nhân và nhân viên dân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm 1.500 người đóng tại căn cứ Incirlik.
Bruce Riedel, cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và hiện làm việc cho Viện Brookings, đánh giá: "Cuộc đảo chính có thể là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. Một Thổ Nhĩ Kỳ ổn định giữ vai trò then chốt đối với lợi ích của Mỹ tại Trung Đông, Balkan và Caucasus. Một Thổ Nhĩ Kỳ dân chủ dù có bị đứt đoạn vẫn mang tính thiết yếu cho bất kỳ hy vọng cải cách chính trị nào ở Trung Đông".
Riêng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cuộc đảo chính của những người lính bất mãn đánh dấu một thách thức nghiêm trọng nhất sau 13 năm cầm quyền đạt nhiều thành công về kinh tế nhưng đầy chia rẽ về chính trị.
KIẾN HÒA (Theo Reuters)