20/09/2022 - 19:34

Tàu sân bay Mỹ đến Hàn Quốc tập trận

HẠNH NGUYÊN (Theo Al Jazeera, AP)

Mỹ sẽ điều một tàu sân bay tới Hàn Quốc lần đầu tiên kể từ năm 2017 để tham gia cuộc tập trận chung diễn ra vào cuối tuần này, trong bối cảnh lo ngại tăng cao xung quanh chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Hải quân Hàn Quốc ngày 19-9 thông báo nhóm tàu tấn công do hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan dẫn đầu sẽ đến thành phố cảng Busan vào ngày 23-9 tới. “Bằng cách tổ chức các cuộc tập trận chung, lực lượng hải quân của hai nước có kế hoạch tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự và thể hiện quyết tâm vững chắc của liên minh Hàn - Mỹ vì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”, Hải quân Hàn Quốc nêu rõ trong tuyên bố.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ. Ảnh: Yonhap

Ðây sẽ là cuộc tập trận chung liên quan tàu sân bay Mỹ ở gần bán đảo Triều Tiên lần đầu tiên kể từ năm 2017. Vào năm đó, 3 hàng không mẫu hạm của Washington đã đến Hàn Quốc tập trận hải quân chung trong động thái nhằm phản ứng trước các vụ phóng thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Ðầu tháng 9, Quốc hội Triều Tiên đã thông qua luật cho phép nước này tấn công hạt nhân phủ đầu “tự động và ngay lập tức để tiêu diệt các thế lực thù địch” khi một quốc gia khác tạo ra mối đe dọa cận kề cho Bình Nhưỡng. “Luật mới khiến trạng thái quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân của chúng ta trở nên không thể đảo ngược”, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định, đồng thời nói Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ những vũ khí hạt nhân cần có để đối phó với hành vi thù địch từ Washington.

Mỹ sau đó tuyên bố sẽ đáp trả bằng hành động “áp đảo và quyết định” nếu Triều Tiên thực hiện đòn phủ đầu hạt nhân như luật vừa được thông qua. Trong thông cáo chung sau cuộc gặp cấp thứ trưởng của Nhóm Tư vấn và Chiến lược Răn đe Mở rộng (EDSCG) ngày 16-9, giới chức Mỹ và Hàn Quốc tái khẳng định “cam kết vững chắc” của Washington nhằm bảo vệ Seoul, lên án chiến lược hạt nhân mới của Bình Nhưỡng là “leo thang và gây bất ổn”, cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nào của Triều Tiên cũng sẽ bị “đáp trả bằng phản ứng áp đảo và mang tính quyết định”.

Hàn Quốc không phải là quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân, nhưng nước này nằm dưới “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ - cam kết mà Washington đưa ra nhằm bảo vệ các đồng minh bằng mọi cách có thể trong trường hợp bị tấn công hạt nhân. Mỹ hiện triển khai khoảng 28.500 binh sĩ tại Hàn Quốc. Ðể đối phó mối đe dọa hạt nhân từ nước láng giềng Triều Tiên, Hàn Quốc cũng đã phát triển và mua hàng loạt tên lửa công nghệ cao, chiến đấu cơ tàng hình và nhiều vũ khí quy ước khác.

Bán đảo Triều Tiên đang nóng lên

Giới chức Mỹ, Hàn Quốc gần đây cho rằng đợt huấn luyện chung của tiêm kích F-35A hồi tháng 7 và chuyến triển khai sắp tới của nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan là động thái thể hiện rõ ràng cam kết của Washington với khu vực.

Hồi tháng rồi, các lực lượng Mỹ, Hàn đã tiến hành cuộc tập trận lớn nhất trong nhiều năm qua, chỉ cách khu vực phi quân sự (DMZ) 30km, mô phỏng một cuộc phản công nhằm vào Triều Tiên. Ðáp lại, Bình Nhưỡng cáo buộc Washington và Seoul làm gia tăng căng thẳng tại khu vực với những hoạt động quân sự như vậy.

Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 và thử nghiệm đầu đạn nhiệt hạch năm 2017, sau đó tuyên bố ngừng các vụ thử hạt nhân để theo đuổi đàm phán với Mỹ. Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tham gia vào các cuộc hội đàm trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Sau cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo vào năm 2018, hai bên ra một tuyên bố chung rằng Triều Tiên cam kết nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, tiến trình vẫn ngưng trệ kể từ đó đến giờ.

Trong nửa đầu năm nay, Triều Tiên đã phóng thử ít nhất 28 tên lửa, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Ðây là con số cao nhất trong giai đoạn sáu tháng, vượt kỷ lục 25 vụ phóng hồi năm 2019. Giới quan sát suy đoán Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho lần thử hạt nhân thứ 7 và là lần đầu tiên kể từ năm 2017.

Chia sẻ bài viết