05/03/2019 - 07:46

Tạo thuận lợi cho trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài hưởng các quyền lợi của công dân 

Thực tế cho thấy số lượng trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài (NNN), hiện đang sinh sống trên địa bàn thành phố ngày một nhiều. Chính quyền và ngành chức năng thành phố quan tâm, tạo thuận lợi, để các em được thụ hưởng quyền theo quy định.

Hai trẻ là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn huyện Cờ Đỏ. Ảnh: CHẤN HƯNG

Hai trẻ là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn huyện Cờ Đỏ. Ảnh: CHẤN HƯNG 

Năm 2007, chị N.T.K.C. (ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) kết hôn với chồng là NNN, quốc tịch Hàn Quốc. Trong quá trình chung sống, vợ chồng chị sinh được 2 con (1 gái, 1 trai). Vợ chồng chị làm công nhân, không có thời gian chăm sóc con cái. Sau nhiều lần đắn đo, vợ chồng chị C. quyết định gởi 2 con về Việt Nam, nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Đến nay, 2 con của chị C. đang học cấp 1, tại Trường Tiểu học Trung Thạnh 2.

Hôm chúng tôi ghé nhà cũng là lúc chị C. vừa rước 2 con tan học về. Chị C. cho biết: “Hằng năm, tôi tranh thủ về Việt Nam thăm 2 con được vài tuần, rồi vội quay sang Hàn Quốc tiếp tục công việc. Hai con của tôi về ở Việt Nam đã hơn 4 năm. Con tôi cũng được đi học đàng hoàng như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác”. Hằng ngày, việc chăm sóc, đưa rước 2 cháu đi học do ông bà ngoại đảm trách. Mẹ chị C. kể: “Lúc tụi nhỏ mới về ở, vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc bất đồng ngôn ngữ và tụi nhỏ cứ khóc vì nhớ cha mẹ. Dần dà, các cháu cũng quen và nhanh chóng biết nói, đọc thành thạo tiếng Việt. Tôi mừng nhất là hai cháu tôi được đi học, thành thạo trong giao tiếp với các bạn cùng lớp”. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND xã Trung Thạnh, hiện toàn xã có 14 trường hợp trẻ là con lai. Đa số các trường hợp này đều được đi học như những trẻ cùng trang lứa khác và được thụ hưởng các quyền lợi theo quy định pháp luật.

Tại phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, hiện có 34 trẻ có yếu tố nước ngoài, đang sinh sống trên địa bàn. Trong đó, có 14 trẻ đã được đăng ký thường trú; 20 trẻ tạm trú; 13 trẻ trong độ tuổi đều được đi học. Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Tươi, Phó Trưởng Công an phường Trung Kiên, đa số các trường hợp trên đều được thực hiện đúng các quy định về hộ tịch. Các cháu được địa phương quan tâm, tạo điều kiện thụ hưởng các quyền, lợi ích theo quy định, giúp các cháu ổn định đời sống.  

Trường hợp cháu T.T.K.A. ở phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt cũng tương tự. Hiện nay, K.A. sinh sống cùng ông bà ngoại và đang học lớp 6 Trường THCS Trung Nhứt. Trước đây, chị T.T.K.H., mẹ K.A., kết hôn với chồng là NNN, quốc tịch Hàn Quốc. Trong quá trình sinh sống, do bất đồng ngôn ngữ, cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, năm 2006, chị K.H quyết định chia tay với chồng, quay trở về quê hương sinh sống trong khi đang mang thai cháu K.A. Ít lâu sau, K.A ra đời tại quê hương. Hiện tại, chị K.H. làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, còn K.A. do ông bà ngoại trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Bà ngoại K.A. bộc bạch: “Hôn nhân của con với NNN bị đổ vỡ. Sau khi cháu ngoại tôi được sinh ra, chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện xem xét, giải quyết cho cháu được đăng ký khai sinh. Nhờ vậy, cháu mới được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa”.

Quận Thốt Nốt có 277 trẻ em là con của công dân Việt Nam với NNN đang cư trú trên địa bàn. Trong đó, 193 trẻ em đã có giấy khai sinh; 43 trẻ em đã xuất cảnh; 2 trẻ em chưa có nhu cầu đăng ký khai sinh (do cha mẹ chưa thống nhất chọn quốc tịch cho trẻ); 36 trẻ em thuộc diện thăm thân nhân (được mẹ đưa về thăm ông bà và tạm trú thời gian nhất định)... Sở Tư pháp TP Cần Thơ đã có văn bản đề nghị UBND quận, huyện rà soát, giải quyết vấn đề hộ tịch của trẻ em là con của công dân Việt Nam với NNN. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng đã hướng dẫn Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện tạo điều kiện để các trẻ em này đều được đến trường.

CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết