14/09/2010 - 10:28

Đồng chí Ngô Hồng Yến, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp TP Cần Thơ:

Tăng cường hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế

 

Nhìn chung, hầu hết ý kiến đóng góp đều thống nhất cao với Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đại biểu (ĐHĐB) Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XII. Các ý kiến cho rằng những thành tựu đạt được của thành phố thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng đắn của thành phố trong tiến trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa và bước đầu thành phố đã tạo được vị thế trung tâm của vùng ĐBSCL trên một số lĩnh vực. Phần lớn ý kiến cũng đồng tình, nhất trí cao với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cũng như các chỉ tiêu phấn đấu mà dự thảo báo cáo đã đề ra trong nhiệm kỳ 2010-2015 và định hướng phát triển thành phố đến năm 2020. Tuy nhiên, để góp phần xây dựng Dự thảo Báo cáo Chính trị trình ĐHĐB Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XII hoàn chỉnh hơn và khi trở thành nghị quyết chính thức, sớm đi vào cuộc sống, đảng viên của Đảng bộ Khối đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất nhiều vấn đề cụ thể đối với Đảng bộ thành phố.

Đối với kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2005-2010, một số ý kiến cho rằng: Hiện nay, quy mô nền kinh tế của thành phố còn nhỏ, chất lượng thấp, việc đổi mới công nghệ còn chậm, chưa tương xứng với vai trò của một thành phố động lực của vùng. Trong định hướng phát triển công nghiệp cũng chưa định hình rõ được ngành, sản phẩm chủ lực, còn ít sản phẩm khẳng định được thương hiệu, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu ngày càng có nhiều thách thức, tính cạnh tranh gay gắt. Ngành du lịch tuy được chú trọng đầu tư, nhưng vẫn đang trong tình trạng yếu kém nhiều mặt từ cơ sở vật chất đến phương thức hoạt động. Trên lĩnh vực nông nghiệp, có ý kiến cho rằng việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của thành phố còn nhiều khó khăn trước đòi hỏi ngày càng cao của thời kỳ công nghiệp hoá- hiện đại hóa; phương thức canh tác nông nghiệp tiên tiến theo hướng sản xuất hàng hóa chậm được đưa vào nông thôn trên diện rộng. Hiện nay, chưa có chính sách hợp lý, đồng bộ để bao tiêu sản phẩm của nông dân làm ra, do đó còn tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa,...

Việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước đã đạt được kết quả ban đầu, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, nhất là việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Một bộ phận cán bộ quản lý ở một số doanh nghiệp thiếu nhạy bén, chưa đủ năng lực điều hành theo cơ chế mới; đội ngũ thợ lành nghề còn thiếu hụt. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn do thị trường nhỏ hẹp, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Trong khi đó, khu vực kinh tế dân doanh chưa được quan tâm đúng mức, công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp tư nhân còn những bất cập, thiếu chính sách thông thoáng, hấp dẫn nhằm tạo điều kiện để cho kinh tế tư nhân phát triển.

Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch, chỉnh trang đô thị vẫn còn tình trạng một số công trình, dự án đầu tư dàn trải trong khi nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, dẫn đến việc thi công kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, nhất là các khu tái định cư, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống một bộ phận nhân dân. Trong quy hoạch còn thiếu không gian xanh và các tiện ích đảm bảo sinh hoạt cộng đồng...

Về định hướng phát triển thành phố đến năm 2020 và phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 2010-2015, hầu hết ý kiến đều thống nhất cao với Dự thảo Báo cáo Chính trị trình ĐHĐB Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XII. Tuy nhiên, trên lĩnh vực kinh tế có ý kiến đề nghị thành phố có giải pháp để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, nâng cao năng lực điều hành và quản lý nhà nước về hợp tác đầu tư. Thực hiện đầy đủ, vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh đi đôi với tiếp tục nghiên cứu, ban hành một số cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); chủ động trong công tác vận động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và viện trợ phi chính phủ (NGO). Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động thực hiện phương án tham gia hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, giữ các mối quan hệ với các đối tác đã được thiết lập, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của thành phố Cần Thơ đi đôi với việc tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với các địa phương khu vực ĐBSCL, trong nước và quốc tế nhằm mở rộng quan hệ kinh tế, hợp tác đầu tư thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương về cơ chế tài chính, tăng cường huy động vốn, nhất là các nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng tín dụng, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất-kinh doanh theo chủ trương kích cầu của Chính phủ.

Các ý kiến đóng góp cũng cho rằng hiện nay hoạt động sản xuất -kinh doanh của các doanh nghiệp cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn và thiếu vốn nghiêm trọng. Trong khi đó, khi thực hiện cổ phần hóa, tất cả vốn Nhà nước đều tập trung về Tổng công ty Vốn nhà nước quản lý để điều phối lại cho các doanh nghiệp; song thực tế thời gian qua nguồn vốn này chưa được phân bổ về các doanh nghiệp ở Cần Thơ. Đề nghị thành phố kiến nghị với Trung ương để nguồn vốn này được giao về các doanh nghiệp đã cổ phần hóa ở thành phố để mở rộng sản xuất, kinh doanh...

QUỐC TRƯỞNG (lược ghi)

Chia sẻ bài viết