19/12/2008 - 21:36

Tấm lòng chú Hai Ngôi

 Ký: PHƯƠNGTỬ NGHI

“...Thuở hàn vi, sống trong túp lều rách te tua, che bằng ni-lông, vợ chồng tui cứ ước ao có được 3-4 công ruộng và cái nhà cho đàng hoàng. Giờ chẳng giàu có gì nhưng cuộc sống không đến nỗi nào thì mình phải nghĩ đến người khác. Giúp được một người là mình có thêm một niềm vui”. Chú tâm sự như vậy khi tôi hỏi vì sao chú tự nguyện cùng anh em bạn lãnh việc cất nhà từ thiện cho bà con nghèo. Chú là Nguyễn Văn Ngôi - Tổ trưởng Tổ cất nhà từ thiện ở xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

1. Qua bến đò Mương Ranh, tôi đến địa phận xã Nhơn Mỹ. Ở ngay bến đò, khi hỏi đường vào nhà chú Nguyễn Văn Ngôi - Tổ trưởng Tổ cất nhà từ thiện, anh chàng xe ôm nhanh nhảu chỉ ngay: “Hai Ngôi chứ gì. Nhà ổng ở ấp Mỹ Hòa. Chú em cứ đi thẳng chừng 4 cây số, thấy nhà nào có đống cây bự chảng chất ở phía trước là nhà ổng đó. Ông anh bà con tui ở bên Kiến An tháng rồi mới được tổ cất nhà của ông tặng nguyên bộ khung nhà”.

Một người đàn ông tầm tuổi quá ngũ tuần, tóc lấm tấm bạc, trên người chỉ bận độc cái quần dài màu xám tro đang lúi húi bên dàn cưa máy. Tấm lưng trần ướt đẫm mồ hôi... Nghe tôi đánh tiếng hỏi có phải đây là nhà chú Hai Ngôi, chú ngừng việc, với tay tắt công tắc điện rồi quay người lại: “Phải. Tui là Hai Ngôi đây. Chú em là...”. Nghe tôi nói từ Cần Thơ lên, ông khoát tay: “Vô nhà đi. Chờ tui tí xíu”.

Chú Hai Ngôi đang kiểm tra số gỗ làm nhà từ thiện tặng người nghèo.  

Đẩy nhẹ ly trà nóng hổi về phía tôi, chú bắt chuyện: “Chú em uống nước đi. Lát tui dẫn chú ra thăm nghĩa địa từ thiện. Cũng nhỏ thôi”.

... Nghĩa địa từ thiện của chú bắt đầu có từ cách nay gần 20 năm, khi ấy một hộ gia đình nghèo trong xóm chú có con chết vì bệnh lỵ, nhưng bàn tới bàn lui không có chỗ chôn vì nhà nghèo không đất, đất nghĩa trang đã chật ních... Thấy chuyện, nghĩ tới cảnh đời người đã nghèo, đến khi nhắm mắt xuôi tay mà cái nghèo vẫn đeo đẳng đến đỗi một vạt đất nhỏ để chôn cũng không có, vậy là bữa sau, chú Hai Ngôi lân la hỏi mấy anh em bạn trong xóm coi ai có mảnh ruộng gò để mua. Và nghe Hai Ngôi bày tỏ ý định tìm cỡ 1-2 công đất gò đặng làm nhị tỳ thì ai nấy đều lắc đầu. Nhưng rồi khi hiểu ra tấm lòng của Hai Ngôi, mọi người tận tình chỉ và cuối cùng chú mua được miếng đất gò (diện tích 3.600 m2) ở ấp Mỹ Hòa với giá hơn 40 giạ lúa làm nghĩa địa từ thiện. Năm 2000, khi miệt Nhơn Mỹ, Chợ Mới chưa làm đê bao, lũ trắng đồng. Miếng đất làm nghĩa địa ngấp nghé nước, vậy là Hai Ngôi lên kế hoạch đắp đất cho cao ráo, tiện cho việc xây mộ phần nhưng không đủ tiền. Vợ chồng chú phải đi vay bà con chòm xóm 6 chỉ vàng thuê người móc đất tôn cao khu vực đất làm nhị tỳ. 6 chỉ vàng đi mượn này, phải đến năm 2002 vợ chồng Hai Ngôi mới trả dứt. Cô Tám Giảm, ở ấp Nhơn Ngãi khi biết vợ chồng Hai Ngôi mượn vàng đặng đắp bờ bao, tôn cao nền khu nhị tỳ từ thiện đã xin không nhận lại 1 chỉ vàng mà coi như góp vào để làm từ thiện... Sau đó, vợ chồng Hai Ngôi làm giấy với sự chứng kiến của chính quyền địa phương và bà con chòm xóm hiến 3.600m2 đất làm nghĩa địa từ thiện, cống hiến vĩnh viễn phần đất nói trên và sau này con cháu không được quyền xâm phạm. Chú hiến đất với một tâm nguyện hễ ai qua đời gia cảnh nghèo khó không có đất để chôn cất, đến nghĩa địa từ thiện không phải mất tiền... Chú còn bỏ tiền xây một nhà tưởng niệm nho nhỏ để thân nhân đến thăm mộ người thân có chỗ che nắng che mưa và là nơi thắp nhang, cúng kiếng. Đến nay, khu nghĩa trang của chú đã trở thành nơi yên nghỉ của gần 100 người ...

2. Chuyện cất nhà từ thiện bắt đầu từ năm 1999. Khi ấy, Hai Ngôi, Tám Lõng, Út Sanh, Hai Nưng (mỗi người 500 ngàn đồng) góp được 2 triệu rồi mượn ghe, huy động anh em chòm xóm lên tận Hà Tiên mua bạch đàn, xẻ ra làm khung nhà. Năm đó, nhóm Hai Ngôi làm được 25 khung nhà bằng gỗ bạch đàn và trao tặng cho bà con nghèo trong và ngoài xã. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm số khung nhà tặng bà con nghèo từ 40 - 100 căn. Không chỉ ở Nhơn Mỹ hay các xã lân cận Mỹ Hội Đông, Kiến An, Kiến Thành, Long Điền... mà cả các huyện như Phú Tân, Châu Thành thậm chí có người tận Vĩnh Long cũng tìm đến xin bộ khung nhà từ thiện. Danh sách các mạnh thường quân ngày càng dài thêm khi mọi người biết đến mục đích việc làm tốt đẹp của tổ cất nhà từ thiện. Ở nhà, chú Hai Ngôi vẫn giữ từng tờ lịch khổ lớn ghi họ tên, địa chỉ từng người đã được cất nhà, số tiền các mạnh thường quân đóng góp. Cuối năm, tổ ngồi lại tổng kết, thông báo rõ ràng chi tiết các khoản thu chi rất minh bạch.

Phương châm của chú Hai Ngôi cùng những người trong tổ cất nhà từ thiện là làm phải có chất lượng. Bởi vậy, bạch đàn khi mua về được ngâm ít nhất 8 tháng mới móc lên để xẻ cột, xẻ kèo... Đòn tay, cột chính khi đã làm xong đều được xịt dầu, gác lên cao gọn gàng theo từng “món”. Thợ làm là bà con trong xã, ai rảnh thì ghé tới làm tiếp nửa buổi, một ngày. Người này bận công chuyện thì người khác thế chỗ. Cơm nước đã có thím Nhiễn - vợ chú Hai Ngôi lo. Nhiều người không ủng hộ tiền bạc thì góp ngày công để lo chuyện cưa, xẻ cột, làm kèo... Như chú Hai Tại, năm nay gần 60 tuổi, là thợ mộc có tiếng với thu nhập một ngày đi làm công trên 100.000 đồng, nhưng cứ đến đợt Hai Ngôi kéo cây để xẻ cột làm khung nhà từ thiện là chú xin nghỉ, đặng qua nhà chú Hai Ngôi phụ giúp chuyện từ thiện. Những thợ mộc trong xã như Hai Sinh, Tư Tự, Năm Phúc... khi nghe Hai Ngôi bắt đầu việc cưa xẻ cột làm nhà từ thiện dù bận cỡ nào cũng tranh thủ phụ một tay. “Mình nghỉ 1-2 ngày phụ với anh em đặng xong việc sớm chừng nào người nghèo mau có nhà chừng đó chú ơi ! Mấy ổng bỏ tiền ủng hộ, lo cơm nước thì mình lo bỏ sức ra tiếp chứ” - anh Hai Sinh tâm sự.

Có bận đoàn người đi đốn cây lên tận Vàm Rầy - Hà Tiên (Kiên Giang) huy động 3 chiếc ghe trọng tải trên 40 tấn và 80 người chở theo gạo, xoong nồi để đốn cây trong vòng 6 ngày mới xong rồi trở về. Mọi người đều nhiệt tình tham gia. Lo đôn đốc, vẽ mẫu để làm cột kèo, khung sườn nhà là chuyện chú Hai Ngôi, còn các thành viên khác trong tổ thì tổ chức bình xét để chọn người nhận khung nhà. Tổ cất nhà từ thiện thông qua nhiều “kênh” để thẩm định, đánh giá và đưa ra quyết định cất nhà, tặng khung nhà cho người nghèo.

3. Hồi xưa, nhà Hai Ngôi nghèo rớt mồng tơi. Là con đầu lòng trong gia đình có 7 người con, thời chiến tranh loạn lạc nên chuyện chạy giặc nhiều hơn chuyện làm ăn, học hành nên đời sống cứ nghèo hoài. Năm 27 tuổi, Hai Ngôi cưới vợ, cô thôn nữ cùng quê kém chú 4 tuổi. Sau 5 năm ở chung với cha mẹ, đến năm 1981, vợ chồng chú chuyển ra ở riêng không có cục đất chọi chim, con trai đầu lòng (Nguyễn Duy Tân) khi ấy mới 5 tuổi. Hai vợ chồng cất ngôi nhà nhỏ trên đất của người bà con cùng xóm. “Kể lại chuyện cũ nhiều khi mủi lòng. Nói thiệt với chú em, nói là nhà chứ kỳ thực cất bằng mấy cây cột gòn, dựng vách bằng tre, mái lợp bằng ni-lông ngày nắng thì nóng như lò lửa, mùa mưa hai vợ chồng chỉ có nước ngủ đứng...” - chú Hai Ngôi nhớ lại. Cực khổ trăm bề, đôi vợ chồng trẻ quần quật làm thuê làm mướn với ước mơ nho nhỏ là có ngôi nhà bằng cây với 1-2 công ruộng để mần lúa... Phải mất gần 9 năm sau (năm 1989), vợ chồng chú mới mua được 5 công ruộng. Nhờ cần cù làm ăn, vợ chồng chú dựng được ngôi nhà cây vững chãi và cuộc sống gia đình từng bước ổn định với 10 công đất làm lúa.

Anh Nguyễn Duy Tân, con trai duy nhất của vợ chồng chú, giờ đã yên bề gia thất, dạy học tại huyện Chợ Mới. Chuyện đồng áng đã có thím Nhiễn chăm lo, nên chú Hai Ngôi càng có thời gian rảnh lo chuyện xã hội. Năm 2007, chú Hai Ngôi nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở huyện Chợ Mới. Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ Nguyễn Văn Sanh tâm đắc: “Tổ cất nhà từ thiện của chú Hai Ngôi đã góp phần giúp bà con nghèo trong và ngoài địa phương có được ngôi nhà ấm cúng”.

Chú Hai Ngôi khi nói về những việc đã làm chỉ gọn một câu: “Thấy chuyện nên giúp thì giúp thôi! Mình tui đâu làm nên chuyện, tất cả đều là anh em cùng tấm lòng vì xã hội chung tay góp sức để làm. Tui chỉ mong mình có sức khỏe đặng còn sức cùng anh em tiếp giúp người nghèo để họ có cái nhà ở cho đàng hoàng”.

Chia sẻ bài viết