12/10/2021 - 07:28

Sydney mở cửa trở lại 

Hôm qua, Sydney đã dỡ bỏ phong tỏa phòng chống COVID-19 mà chính quyền thành phố lớn nhất nước Úc áp đặt 106 ngày qua nhằm ngăn chặn biến thể Delta.

Người dân Sydney uống cà phê sáng 11-10. Ảnh: CNN

Các quán cà phê, phòng tập thể dục, tiệm hớt tóc, quán bar và nhà hàng bắt đầu đón khách đã tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ từ ngày 11-10, sau gần 4 tháng ngưng hoạt động vì các biện pháp hạn chế. Quyết định dỡ bỏ phong tỏa được đưa ra khi hơn 70% người trưởng thành ở Sydney đã tiêm vaccine đủ liều. Theo quy định mới, người dân được phép tụ tập trong nhà tối đa 10 người với điều kiện đã tiêm chủng đầy đủ. Quy mô đám cưới và đám tang được nâng lên 100 người. Các biện pháp chống dịch sẽ tiếp tục nới lỏng vào cuối tháng này, khi tỷ lệ tiêm chủng ở bang New South Wales mà Sydney là thủ phủ dự kiến đạt 80%.

Trong năm đầu tiên của đại dịch, Úc là một trong số ít quốc gia lớn khống chế thành công COVID-19 thông qua các biện pháp hạn chế biên giới nghiêm ngặt, cách ly bắt buộc và phong tỏa tạm thời. Tuy nhiên, hồi tháng 6 vừa rồi, ổ dịch ở Sydney nhanh chóng lan sang bang láng giềng Victoria và Vùng lãnh thổ thủ đô. Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng của Úc bị trì hoãn một phần do thiếu nguồn cung vaccine, khiến dân số dễ tổn thương, buộc giới chức áp đặt lệnh phong tỏa cấp địa phương.

Sau khi giải quyết được vấn đề nguồn cung, chương trình tiêm chủng đã tăng tốc. Tuần rồi, New South Wales đã trở thành bang đầu tiên ở Úc đạt mục tiêu hơn 70% dân số trên 16 tuổi được tiêm ngừa đầy đủ. “Tôi nghĩ rằng mọi người trên toàn bang đều khá hào hứng sau khi trải qua hơn 100 ngày phong tỏa”, Thủ hiến New South Wales Dominic Perrottet nói hôm 11-10, nhưng ông cũng cảnh báo số ca mắc COVID-19 sẽ tăng liên quan tới việc mở cửa trở lại.

Nhiều nước theo dõi tình hình Sydney

Câu hỏi đặt ra là hệ thống bệnh viện ở Sydney sẽ đối phó với bất cứ sự bùng phát mới như thế nào, ảnh hưởng của nó đối với những người dễ tổn thương và tốc độ thành phố 5,3 triệu dân này thích nghi với việc sống chung với COVID-19. Những gì xảy ra tiếp theo sẽ có ý nghĩa quyết định đối với cả Sydney lẫn nước Úc. Các quốc gia theo đuổi chiến lược “Không COVID” khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ theo dõi chặt chẽ để xem liệu Sydney có thể thành công trong việc kiềm chế số ca nhiễm và ca tử vong ở mức đủ thấp để các bệnh viện không bị quá tải, trong khi vẫn cho phép các doanh nghiệp nối lại hoạt động kinh doanh.

Úc đang chuyển từ chiến lược “Không COVID” sang sống chung với virus nhờ tỷ lệ tiêm vaccine trong nước cao (62,4% số người trên 16 tuổi ở nước này đã được tiêm vaccine đầy đủ). Ðây không phải quốc gia đầu tiên trong khu vực thực hiện cuộc chuyển đổi. Hồi tháng 6, Chính phủ Singapore thông báo nước này sẽ tập trung vào việc hạn chế số ca nhiễm nặng và giảm tỷ lệ nhập viện, thay vì số ca nhiễm. 83% dân số đảo quốc “Sư tử” đã nhận đủ liều vaccine, một trong những tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Thế nhưng sau khi bắt đầu nới lỏng hạn chế, Singapore chứng kiến số ca nhiễm tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Ðến đầu tháng 10, nước này buộc phải tái áp đặt một số biện pháp hạn chế.

Ðối với Úc, Viện Doherty dự báo dù thực hiện “các biện pháp y tế công cộng” bao gồm đeo khẩu trang và 70% dân số được tiêm vaccine đầy đủ, số ca nhiễm ở nước này có thể tăng lên 385.000 và gần 1.500 trường hợp tử vong trong 6 tháng tới. Úc hiện ghi nhận gần 130.000 ca nhiễm với hơn 1.400 người chết.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, khoảng 56,4% dân số nước này đã được tiêm vaccine đầy đủ. Ý hôm 10-10 thông báo đã đạt mục tiêu tiêm chủng vaccine đầy đủ cho 80% người dân trên 12 tuổi. Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng của Malaysia được đánh giá nhanh nhất Đông Nam Á, khi đã tiêm vaccine cho 74,5% dân số, trong đó hơn 64,7% tiêm đầy đủ.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, AP)

Chia sẻ bài viết