03/11/2019 - 21:09

Sứ mệnh "kép" của ông Macron tại Trung Quốc 

Thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 4-11 kết hợp tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Thượng Hải 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ nỗ lực bảo vệ lợi ích của quốc gia hình lục lăng cũng như Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Pháp Macron (trái) bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu năm 2018.

Nhiều lãnh đạo châu Âu, bao gồm tân Ủy viên Thương mại EU Phil Hogan, cũng sẽ tham gia hội chợ diễn ra từ ngày 5 đến 10-11 trong bối cảnh Brussels tiếp tục theo đuổi thỏa thuận thương mại và đầu tư với Bắc Kinh. Do vậy, Tổng thống Macron và cả ông Hogan nhiều khả năng sẽ hối thúc hoàn tất Hiệp định Đầu tư Toàn diện EU - Trung Quốc mà hai bên đã đàm phán trong 6 năm qua. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc hồi tháng 4 vừa qua, hai bên cam kết "chốt" thỏa thuận này vào cuối năm 2020. Trong chuyến thăm Pháp mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng "rất tin tưởng" văn kiện sẽ hoàn tất đúng kế hoạch.

Hội chợ nhập khẩu quốc tế Thượng Hải lần thứ hai thu hút 63 quốc gia và hơn 3.000 công ty đến từ khoảng 150 nước và vùng lãnh thổ tham gia trưng bày. Tại triển lãm năm ngoái, các hợp đồng trị giá gần 58 tỉ USD đã được ký kết.

Tổng thống Pháp đang thể hiện hình ảnh một chính khách đầy tham vọng, chấp nhận mạo hiểm và muốn đảm trách vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế. Ông Macron đóng vai trò chính trong việc soạn thảo chiến lược mới của EU về Trung Quốc và từng có bài phát biểu thuyết phục tại thành phố Tây An trong chuyến công du nước này hồi năm ngoái. Khi đó, lãnh đạo Pháp khẳng định tiếp cận thị trường châu Âu thông qua Sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc không thể là "con đường một chiều". Chuyến thăm lần này của ông cũng sẽ không hoàn toàn lấy quan hệ Pháp-Trung làm trung tâm, mà có cả yếu tố châu Âu. Theo báo Guardian và France24, Tổng thống Macron muốn thắt chặt quan hệ giữa EU với Trung Quốc, đồng thời tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp EU tại Trung Quốc. Brussels lâu nay vẫn kêu gọi Bắc Kinh mở cửa hơn nữa thị trường, bao gồm minh bạch hóa và chấm dứt trợ cấp không công bằng.

Tuy nhiên, Tổng thống Macron thăm Trung Quốc lần này với tư cách là lãnh đạo cao nhất của nước Pháp, chứ không phải đại diện cho EU. Thế nên, ngoài việc thúc đẩy Thỏa thuận Đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc, nhiệm vụ quan trọng khác của Tổng thống Macron là quảng bá các công ty Pháp cũng như tìm cách giảm thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc, hiện ở mức 32,5 tỉ USD. Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Pháp.

Nhiều ngành công nghệ cao liên quan đến quốc phòng Pháp vẫn còn bị giới hạn bởi lệnh cấm vận vũ khí của EU đối với Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Bên cạnh đó, do những điều kiện hoạt động khó khăn tại thị trường Trung Quốc, nhiều tập đoàn công nghiệp của Pháp, bao gồm Alstom, Auchan và Carrefour, đều đã rút chân khỏi nước này hoặc giảm mạnh sự hiện diện tại đây trong những năm qua. Không chỉ nỗ lực thúc đẩy những lợi ích của Pháp về kinh tế và ngoại giao, ông Macron còn phải "ghi điểm" cá nhân về chủ nghĩa đa phương, khí hậu và văn hóa. Trong năm nay, Pháp và Trung Quốc đã ký nhiều thỏa thuận thương mại trị giá khoảng 40 tỉ USD, trong đó Bắc Kinh tuyên bố sẽ mua 290 máy bay dân sự A320 và 10 chiếc A350 của hãng Airbus.

HẠNH NGUYÊN (Theo SCMP, Carnegie Europe)

 

Chia sẻ bài viết